Thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết phải sớm ban hành quy hoạch quan trọng này nhằm định hướng và phân bố không gian các ngành, lĩnh vực chủ yếu cho sự phát triển. Đây là lần đầu tiên Quy hoạch tổng thể quốc gia được xây dựng theo quy định của Luật Quy hoạch.
Đánh giá cao sự chuẩn bị khá công phu, kỹ lưỡng của Chính phủ, đồng hành của Quốc hội, ý kiến các đại biểu cũng có nhiều góp ý để dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hoàn thiện, đầy đủ hơn.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Hậu |
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Đoàn Nghệ An đề nghị cơ quan chủ trì đánh giá thêm bối cảnh xây dựng quy hoạch; tác động của yếu tố nội tại, yếu tố bên ngoài trong bối cảnh thế giới có những biến động nhanh, khó đoán định; đồng thời cần nhấn mạnh thêm an ninh nguồn nước.
Liên quan đến danh mục các dự án quan trọng của quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại biểu Đỗ Văn Chiến cho rằng, nên đặt vấn đề mở, nếu đặt vấn đề đóng thì sau này nếu có mở rộng đầu tư sẽ gặp khó khăn; đồng thời cũng xem xét lại tên gọi của các vùng động lực quốc gia phù hợp với các nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành về các vùng kinh tế trong cả nước.
Liên quan đến định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội, trong đó có phát triển các hành lang kinh tế, dự thảo quy hoạch có xây dựng các hành lang kinh tế làm định hướng để từng bước hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Khánh |
Về nội dung này, đại biểu Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An đề nghị bổ sung thêm quy hoạch hành lang kinh tế từ cửa khẩu Thanh Thủy, huyện Thanh Chương (Nghệ An) tiếp giáp với Lào đến Cửa Lò (Nghệ An) trong quy hoạch hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, việc đưa hành lang kinh tế Thanh Thủy - Cửa Lò vào một trong các hành lang của hành lang kinh tế Đông - Tây sẽ góp phần phát huy hiệu quả đường bộ cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội, có hướng tuyến đi qua cửa khẩu Thanh Thủy; đồng thời sẽ góp phần tạo phát triển vùng biển, ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung bộ theo định hướng như trong dự thảo quy hoạch đã nêu của vùng này là phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, nhất là cảng biển chuyên dụng gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Dự án Đường bộ cao tốc Hà Nội (Việt Nam) - Viêng Chăn (Lào) có hướng tuyến đi qua cặp Cửa khẩu Thanh Thủy (Nghệ An, Việt Nam) và Nậm On (Bolykhămxay, Lào) là tuyến đường ngắn nhất nối liền thủ đô hai nước đã được Bộ Chính trị, Chính phủ Việt Nam và Lào thống nhất giao Bộ GTVT Việt Nam và Bộ Vận tải và Công chính Lào khảo sát, lập phương án tiền khả thi.
Bên cạnh đó, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Nếu như được bổ sung hành lang kinh tế Thanh Thủy - Cửa Lò sẽ tạo thêm cơ hội, động lực cho Nghệ An phát triển tăng tốc.
Đại biểu Đoàn Nghệ An Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Hậu |
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Đoàn Nghệ An Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, trong quy hoạch, cảng Cửa Lò là cảng đặc biệt. Ở đây muốn phát triển hành lang Đông - Tây thì nên cân nhắc thêm yếu tố dự kiến xây dựng cảng biển nước sâu. Như vậy, nếu xây dựng cảng biển nước sâu ở Cửa Lò thì trong quy hoạch các hành lang kinh tế Đông - Tây cần có hành lang kinh tế từ Thanh Thủy đến Cửa Lò, nhằm tận dụng tối đa nhất tính kết nối khi khoảng cách từ Thanh Thủy đến Cửa Lò là rất ngắn.
HAI KỊCH BẢN PHÁT TRIỂN CÒN CHƯA QUÁ KHÁC BIỆT
Cũng liên quan đến Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các ĐBQH Đoàn Nghệ An đã nêu nhiều ý kiến. Đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An nêu: Quan điểm phát triển trong quy hoạch, ngoài đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, thực tiễn, khả thi thì phải đảm bảo tính mở, để cho các không gian vùng lãnh thổ, địa phương triển khai quy hoạch.
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng đề nghị, cần bổ sung vào quy hoạch các yếu tố liên quan đến phát triển văn hóa, thiết chế văn hóa, vì phát triển văn hóa là vấn đề lớn được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Cùng với đó, cũng cần làm rõ nhiều nội dung, đặc biệt là tiêu chí trong quy hoạch các trường đại học, cao đẳng; tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông…
Đại biểu Thái Văn Thành - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Hậu |
Đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, về bối cảnh và xu thế phát triển trong nước, quy hoạch cần phải đưa ra được những dự báo cụ thể hơn về xu thế phát triển, ví dụ trong lĩnh vực văn hóa ảnh hưởng giao lưu, giao thoa văn hóa trên bình diện quốc tế sẽ ảnh hưởng ra sao với các ngành văn hóa, du lịch của Việt Nam.
Đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Hậu |
Vị đại biểu Đoàn Nghệ An cũng cho rằng, quy hoạch xây dựng 2 kịch bản phát triển (thấp và phấn đấu) là hợp lý. Tuy nhiên, theo đại biểu, các yếu tố đầu vào để xác định hai loại kịch bản này gần như đang chỉ định tính, không có những chỉ tiêu định lượng cụ thể nên các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP, thu nhập bình quân đầu người trong hai kịch bản này không quá chênh lệch, không quá khác biệt.
Còn đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An nêu quan điểm, trong quy hoạch lần này cần có sự ưu tiên quy hoạch không gian biển vì biển chính là một trong lợi thế của Việt Nam, là cửa ngõ của quốc gia, kết nối với khu vực và thế giới.
Đại biểu Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Phan Hậu |
Đại biểu cũng đề nghị, quy hoạch cần xây dựng được những vấn đề cụ thể về phát triển không gian biển, theo lĩnh vực, thay vì theo 4 vùng như dự thảo quy hoạch; đồng thời cần bổ sung phụ lục, bản đồ quy hoạch không gian biển.
Cũng tại phiên làm việc, các ĐBQH cũng thảo luận ở tổ về: Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An kết luận phiên thảo luận. Ảnh: Quang Khánh |
Các đại biểu cũng thảo luận và đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược./.
Thành Duy - Phan Hậu