Cần có tư duy mới
Từ kết quả đã đạt được cho phép chúng ta hướng tới mục tiêu mới: Giảm nghèo bền vững để tiến đến mục tiêu cuối cùng: Cơ bản thoát nghèo cả quy mô hộ và quy mô từng địa phương cụ thể.
Để giảm nghèo bền vững trước hết cần có tư duy mới làm cơ sở để có những chính sách mới phù hợp và có cách làm mới hiệu quả.
Con số thống kê của cả nước cũng như của Nghệ An cho thấy:
- Địa phương nghèo (xã,vùng, huyện) có tỷ lệ hộ nghèo cao hơn địa phương khác
- Địa phương nghèo có tỷ lệ hộ tái nghèo cao hơn địa phương khác
Thực tế này buộc chúng ta phải có tư duy mới. Muốn giảm nghèo bền vững phải đồng thời tác động trực tiếp tạo sinh kế cho các hộ nghèo và tác động để vực các địa phương nghèo từng bước thoát nghèo. Chỉ trực tiếp tác động vào các hộ nghèo là cần thiết nhưng chưa đủ. Còn cần có cơ chế chính sách và giải pháp để tác động vực dậy địa phương nghèo. Phải coi đó là 2 điều cần và đủ.
Tạo sinh kế cho các hộ nghèo chúng ta đã làm, đang làm và cần tiếp tục làm.
Còn vực dậy các địa phương nghèo thì chúng ta mới chỉ đưa ra quan điểm khá chung chung. Đó là gắn giảm nghèo với xây dựng nông thôn mới. Thực tế này đòi hỏi chúng ta cần có chính sách giải pháp cụ thể hơn để hành động có hiệu quả hơn và thực chất hơn.
Để vực dậy các địa phương nghèo phải làm những gì?
Chúng ta đã thực hiện được việc xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng (cả cứng và mềm) tạo và thu hút các nguồn lực đầu tư vào địa phương nghèo. Những việc này là cần nhưng chưa đủ. Việc căn cơ nhất, cần thiết nhất, quyết định nhất nhưng chưa có, đó chính là chưa tổ chức lại sản xuất ở ngay các địa phương nghèo.
Chúng ta có khá nhiều mô hình tốt tạo sinh kế cho các hộ nghèo. Nhưng chúng ta chưa có bất cứ một mô hình nào có sức thuyết phục để một xã nghèo từng bước thoát nghèo.
Sản xuất (mà chủ yếu là nông nghiệp) ở các địa phương nghèo ở tỉnh ta hiện nay vẫn mang tính chất nhỏ lẻ, phân tán, rời rạc, tự cung tự cấp. Thậm chí cá biệt có nơi còn ở dưới mức này. Một nền sản xuất như vậy nhiều lắm cũng chỉ đạt kết quả tái sản xuất giản đơn. Nếu các địa phương nghèo cứ tự giam hãm mình trong kiểu sản xuất này thì sẽ mãi không thể xóa nghèo.
Nhất thiết phải tổ chức lại sản xuất để từ nhỏ lẻ, manh mún, tản mạn, rời rạc dần chuyển lên sản xuất hàng hóa. Từng bước từ sản xuất nhỏ lên sản xuất hàng hóa lớn. Kiểu sản xuất hợp tác liên kết thị trường. Chỉ có tổ chức lại sản xuất như vậy thì mới thoát nghèo bền vững cả phạm vi địa phương lẫn phạm vi hộ gia đình.
Điều phải khẳng định là: Tổ chức lại sản xuất cho các địa phương nghèo không bao giờ là kết quả tự phát mà phải là kết quả tự giác. Vai trò của chính quyền các cấp của Nhà nước có ý nghĩa quyết định cuối cùng.
Trên đây là một số nội dung trao đổi về vấn đề giảm nghèo bền vững. Mong rằng những nội dung này sẽ là cơ sở để Nhà nước (các cấp) có chính sách mới, có giải pháp mới và nhất là chủ trương mới để có sự lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Trương Công Anh