Trách nhiệm chính trị của người đại biểu
Những năm qua, khi trình độ đại biểu và trình độ dân trí ngày càng cao, hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND đã có nhiều đổi mới, chất lượng và hiệu quả được khẳng định. Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển và chức năng, quyền hạn của HĐND được pháp luật quy định, hoạt động chất vấn vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Đại biểu HĐND tham gia chất vấn tại các kỳ họp còn ít; đa số chưa đi đến tận cùng vấn đề chất vấn; tính hệ thống vấn đề chất vấn thường bị cắt khúc, chưa liên tục giữa kỳ họp sau với các kỳ họp trước. Ở nhiều địa phương, hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp huyện, xã kém sôi động, hiệu quả thấp. Có những vấn đề người trả lời chất vấn giải trình đưa ra giải pháp, hứa hẹn... nhưng rồi bị lãng quên. Nhưng “Lời nói gió không bay”, trong thời đại truyền thông số, người dân có thể lưu, nhớ những gì họ quan tâm ở các kỳ họp, kỳ TXCT lần trước. Vì vậy, Thường trực HĐND, UBND và những người trong cuộc cần hiểu điều đó để không làm Nhân dân và cử tri thất vọng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trên, nhưng nguyên nhân chủ yếu do nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ của cả người hỏi và trả lời nên dễ dẫn đến suy nghĩ tiêu cực, coi chất vấn là “moi móc”, “hỏi xoáy”, từ đó hai bên đều ngại va chạm. Tiếp đến là do những hạn chế về năng lực, trình độ, sự thiếu bản lĩnh của một số đại biểu nên không có tâm thế chuẩn bị tốt để tham gia hoạt động chất vấn; hỏi chung chung cho có, thay vì đi vào các vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm và tồn tại cần giải quyết, đại biểu lại hỏi về “quan điểm” và “suy nghĩ” của cá nhân người bị chất vấn... không đúng với mục đích nội dung chất vấn. Nguyên nhân cuối cùng nhưng quan trọng, tác động ảnh hưởng cả 2 nguyên nhân trên, đó là trách nhiệm chính trị của đại biểu trong hoạt động thực tiễn, kiểm chứng chính sách, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa X Ảnh: Vân Nguyên
Thực sự là hoạt động mang đậm ý chí của Nhân dân
Để chất vấn thực sự là hoạt động giám sát quyền lực nhà nước, mang đậm ý chí nhân dân, là công cụ quan trọng bảo đảm trách nhiệm giải trình của cơ quan chấp hành của HĐND và các cơ quan nhà nước liên quan ở địa phương, các đại biểu HĐND cần biết cử tri, nhân dân nghĩ gì, kỳ vọng gì.
Trước hết, nội dung chất vấn phải là vấn đề quốc kế dân sinh tại địa phương. Mục đích của chất vấn là hỏi, trả lời, tranh luận để nội dung chất vấn được làm rõ, đạt nhận thức mới, từ đó, xác định trách nhiệm chính trị của người bị chất vấn, thúc đẩy vấn đề được giải quyết nhanh hơn, hợp tình, hợp lý, hợp pháp, cùng nhau thực hiện đạt mục tiêu chung của sự phát triển. Chất vấn khác với phản biện, cũng không phải là bắt bí hay “chiếu tướng” người bị chất vấn. Chất vấn phải là một hoạt động lao động của đại biểu HĐND thực sự, là kết quả của quá trình điều tra, khảo sát, trăn trở với thực tế, nêu ra các vấn đề bức xúc để thúc đẩy giải quyết, vì lợi ích chung.
Thứ hai, nếu ai có suy nghĩ làm đại biểu HĐND quá dễ, ai cũng làm được nên xung phong ứng cử là sai lầm cho cả chính mình và thể chế. Bổn phận người đại biểu nhân dân là đại diện cho một thiết chế nhà nước dân chủ, chịu trách nhiệm chuyển hóa các giá trị của nền dân chủ vào đời sống. Nếu họ không làm tròn bổn phận người đại biểu HĐND hoặc làm một cách hình thức thì không những dân chủ không được phát huy, mà còn làm cho lòng dân từ chỗ nghi ngờ, đi đến giảm sút niềm tin vào cơ quan dân cử và người đại diện chính trị của mình; làm tổn hại thanh danh của tổ chức chính trị đã giới thiệu người ứng cử, giảm sút niềm tin của người dân với chế độ. Do đó, hoạt động chất vấn của đại biểu phải thể hiện cho được giá trị lao động của đại biểu và niềm tin cử tri đã bầu họ, là biểu hiện sinh động của cơ chế dân chủ ở nước ta.
Thứ ba, năng lực, trình độ và bản lĩnh là những yếu tố thường dùng để đánh giá chất lượng đại biểu. Nhưng trong thực tiễn, Nhân dân và cử tri cho rằng: bản lĩnh, sự tâm huyết và ý thức trách nhiệm của người đại biểu mới đáng quý; và khi người dân “ủy thác” quyền chính trị thiêng liêng cho những đại biểu này thì quyền lực nhân dân ít có nguy cơ bị tha hóa. Còn năng lực, trình độ là yếu tố rất cần, nhưng trong cơ chế làm việc tập thể có thể bổ sung cho nhau.
Chính vì vậy, việc phát huy vai trò của tổ đại biểu HĐND trong các phiên chất vấn và trả lời chất vấn hết sức quan trọng. Trước kỳ họp, Tổ đại biểu TXCT, rà soát các ý kiến, kiến nghị của cử tri từ các lần tiếp xúc trước đó và kết quả giải quyết; từng đại biểu dành thời gian đọc và nghiên cứu các báo cáo sẽ trình tại kỳ họp để tự phân tích, đánh giá, nhận định, trao đổi trong tổ (có thể bằng hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc nhắn tin); sau đó đề xuất, thống nhất nội dung cần chất vấn, giao cho một đại biểu chịu trách nhiệm chất vấn, các đại biểu khác trong tổ tranh luận nếu nội dung trả lời chưa rõ.
Thứ tư, việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh và phát thanh, truyền thanh trực tiếp các phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND cấp huyện, cấp xã là rất cần thiết và khả thi. Một mặt, giúp cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát, đánh giá, “phán xét” hoạt động của HĐND. Mặt khác, đây là yếu tố tác động mạnh mẽ lên hành vi của các vị đại biểu HĐND, các thành viên UBND và người đứng đầu các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các cơ quan nhà nước đóng trên địa bàn khi họ chất vấn, trả lời chất vấn. Tổ chức được như vậy, trách nhiệm của người chất vấn và trả lời chất vấn sẽ được đề cao, minh bạch hóa hoạt động cơ quan dân cử.
ThS.Nguyễn Vân Hậu
Nguồn: Báo ĐBND