Bỏ khoán để phù hợp
Từ phản ánh của cử tri cũng như vướng mắc qua thực thi quy định mức bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc của xóm, khối, bản của HĐND tỉnh Nghệ An tại Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND cho thấy, bên cạnh mức bồi dưỡng quá thấp, việc chi trả theo hình thức khoán và chấm công theo khối lượng công việc còn nhiều bất cập, khó định lượng và chấm công. Mặt khác, thủ tục thanh toán cần có bảng chấm công, theo dõi, kèm quy chế chi tiêu nội bộ của xóm, khối, thôn, bản mới rút được kinh phí (theo quy định của Bộ Tài chính).
Với tinh thần cầu thị, tôn trọng cử tri và Nhân dân cũng như bám sát thực tiễn, tháng 12.2021, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND ngày 12.12.2019 của HĐND tỉnh về số lượng, chức danh, mức phụ cấp, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác ở xã, phường, thị trấn và xóm, khối, bản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghị quyết sửa đổi bỏ chế độ khoán bồi dưỡng mà quy định rõ mức bồi dưỡng cụ thể đối với các đối tượng. “Đây là một quyết sách phù hợp, kịp thời, thỏa lòng mong đợi của cử tri. Nghị quyết không chỉ tháo vướng mắc trong thực thi mà còn có mức hỗ trợ kịp thời cho trưởng các chi đoàn, chi hội, chúng tôi đón nhận và rất phấn khởi, tin tưởng.” - Cử tri Lê Văn Thưởng, xã Nghĩa Hiếu, Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An bày tỏ.
Là địa phương ngay từ đầu HĐND tỉnh đã có quy định bồi dưỡng cho các chức danh là người trực tiếp tham gia công việc tại thôn, tổ dân phố với mức khá tương xứng nhưng tại Kỳ họp thứ 7 mới đây, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa X đã sửa đổi, bổ sung nghị quyết cũ theo hướng ngoài hỗ trợ đóng BHYT cho những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thì nâng mức bồi dưỡng hằng tháng từ 300.000 lên 600.000 đồng/người/tháng.
Để giải bài toán vướng mắc trong thực thi Nghị định số 34, các địa phương còn vướng trong “khoán chi” đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố, nhiều cử tri mong muốn HĐND tỉnh nên xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết cho phù hợp. Theo đó, HĐND nên quy định rõ chức danh tham gia trực tiếp và mức bồi dưỡng cụ thể hàng tháng. Địa phương nào có điều kiện có thể xem xét hỗ trợ thêm đóng BHYT như HĐND tỉnh Quảng Nam. Đây là việc cần làm để phát huy vai trò của chi đoàn, chi hội, nhưng cũng đồng thời là sự ghi nhận những đóng góp của những người “vác tù và” ở thôn, xóm, khối phố vì trách nhiệm với cộng đồng mà đợt dịch Covid-19 hai năm qua đã chứng minh rất rõ vai trò quan trọng.
Đại biểu phát biểu tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Nghệ An Khóa XVIII
Ảnh: Diệp Anh
Phân quyền cho HĐND cấp huyện, xã
Theo quy định của Nghị định 34, chỉ có HĐND tỉnh mới có thẩm quyền quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách và mức bồi dưỡng người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng chỉ rõ HĐND cấp huyện ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao hoặc để thực hiện việc phân cấp cho chính quyền địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; HĐND cấp xã ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật, nghị quyết của Quốc hội giao.
Quy định là vậy song trong thực tiễn, sau khi áp dụng Nghị định số 34 vẫn có một số địa phương do vướng mắc từ quy định của nghị quyết HĐND tỉnh và sự thúc ép, đòi hỏi của thực tiễn từ cơ sở, để bảo đảm phong trào ở địa phương nên HĐND một số huyện, xã đã ban hành nghị quyết bồi dưỡng thêm cho những người trực tiếp tham gia công việc tại thôn, tổ dân phố, cụ thể là trưởng, phó các chi đoàn, chi hội. Tuy nhiên, nghị quyết này lại trái quy định của pháp luật về thẩm quyền ban hành.
Vì vậy, để đáp ứng kịp thời đòi hỏi của thực tiễn, Chính phủ và HĐND một số tỉnh nên xem xét điều chỉnh chính sách chưa phù hợp với thực tiễn trong bồi dưỡng đối với người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố; đồng thời, nên phân cấp cho cấp dưới trong nội dung này bởi nhiều huyện, thị, phường, xã cân đối được nguồn lực có thể hỗ trợ thêm cho các chi đoàn, chi hội, góp phần động viên người trực tiếp tham gia công việc của thôn, tổ dân phố để họ yên tâm thực hiện hiệu quả công việc.
Thực tiễn chứng minh, các đoàn thể chính trị - xã hội từ chi đoàn, chi hội đóng vai trò rất quan trọng trong việc làm “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Việc bảo đảm một phần kinh phí bồi dưỡng cho các chi đoàn, chi hội để hoạt động hết sức cần thiết, trong đó Trưởng chi đoàn, chi hội là lực lượng đi đầu. Linh động, phù hợp thực tiễn là chìa khóa để HĐND ban hành các chính sách phù hợp, góp phần ổn định chính trị, xây dựng phong trào từ Nhân dân vững mạnh bắt đầu từ chính những người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố.
SONG NGUYÊN