Phát biểu thảo luận tại kỳ họp, ĐBQH Trần Nhật Minh bày tỏ sự đồng tình với Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của Đoàn giám sát của Quốc hội về kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, trong đó có nhiều nội dung quan trọng như: cho phép kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân nguồn vốn ngân sách được phân bổ cho các Chương trình MTQG năm 2023 chưa giải ngân hết tiếp tục thực hiện đến ngày 31/12/2024; đồng ý chủ trương thực hiện thí điểm khoán kinh phí 3 Chương trình MTQG theo địa bàn cấp huyện; cân đối, bố trí đủ ngân sách theo đúng các Nghị quyết của Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTTQ.
Bên cạnh đó, vị đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nêu lên một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 tại địa bàn miền núi và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 và kiến nghị có giải pháp để tháo gỡ, nhằm đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các Chương trình.
Cần sớm bổ sung chính sách đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi về đích nông thôn mới
Nêu ý kiến về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đại biểu nêu nội dung đã được Báo cáo của Đoàn giám sát chỉ ra: Còn có hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM đến năm 2025 vì các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM (không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn) sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội (bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức....). Theo đại biểu, đây là một vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm.
Bất cập này cũng đã được chỉ ra trong các văn kiện, tài liệu của các Cơ quan trình Quốc hội từ các kỳ họp trước. Đại biểu dẫn chứng tại Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 – 2022 (trình kỳ họp thứ 5) đã nêu hạn chế, tồn tại từ việc một số Bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục, hạn chế tác động của các Quyết định công nhận các xã, thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025, đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn nay trở thành xã nông thôn mới, thôn không thuộc diện đặc biệt khó khăn. Qua thẩm tra của Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế nêu trên.
Vấn đề này cũng đã được cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số kiến nghị gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và tiếp tục kiến nghị tại kỳ họp thứ 6 này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Từ kết quả giám sát của Đoàn giám sát cũng như thực tiễn phản ánh của cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An qua các cuộc tiếp xúc cử tri, ĐBQH Trần Nhật Minh đồng tình cao với kiến nghị của Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan hoàn thành trong năm 2023 việc bổ sung các chính sách để giải quyết những bất cập khi triển khai thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và địa bàn các xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bởi vì hầu hết các hộ dân sống ở các xã, thôn, bản khu vực này đều là đồng bào dân tộc thiểu số, đa số là hộ nghèo, cận nghèo, điều kiện kinh tế hết sức khó khăn.
Tháo gỡ khó khăn để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Liên quan đến việc thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, ĐBQH Trần Nhật Minh nêu lên một số bất cập, khó khăn từ thực tiễn địa phương, được cử tri vùng miền núi tỉnh Nghệ An phản ánh, kiến nghị.
Cụ thể, về chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, đại biểu nêu thực tiễn tại tỉnh Nghệ An có một số hộ gia đình đã được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng tự nhiên nằm ngoài quy hoạch ba loại rừng. Diện tích đất này đã được tỉnh Nghệ An đưa vào quy hoạch 3 loại rừng theo quy định Luật Lâm nghiệp 2017, tuy nhiên, hiện nay quy hoạch lâm nghiệp quốc gia vẫn chưa được phê duyệt. Trong khi đó, theo quy định tại điểm a, mục 3 phần III nội dung hỗ trợ của Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ lại quy định “Hỗ trợ bảo vệ rừng đối với rừng quy hoạch là rừng phòng hộ và rừng sản xuất là rừng tự nhiên đã giao cho cộng đồng, hộ gia đình”. Do đó, các hộ gia đình được giao đất nêu trên vẫn chưa đảm bảo điều kiện được hưởng hỗ trợ bảo vệ rừng do quy hoạch lâm nghiệp quốc gia chưa được phê duyệt.
Để đảm bảo chính sách kịp thời đến với các đối tượng, ĐBQH Trần Nhật Minh đề nghị sớm có hướng dẫn xử lý vướng mắc trên theo hướng: trong lúc chờ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được phê duyệt, vẫn thực hiện chi trả chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng cho các đối tượng rừng tự nhiên hiện nay đang nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng.
Về đối tượng thực hiện tiểu dự án 1, Dự án 3, theo Quyết định số 1719 của Thủ tướng Chính phủ, vị đại biểu chuyên trách Đoàn Nghệ An kiến nghị bổ sung đối tượng là các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người kinh nghèo đang sinh sống tại các thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021 của Uỷ ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 nhưng lại thuộc xã khu vực I để không bỏ sót đối tượng thụ hưởng.