Tạo điều kiện phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có

Bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, việc ban hành nghị quyết này là thể chế hoá nghị quyết số 31 của Bộ chính trị về phương hướng phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng đó, TP. Hồ Chí Minh là một trong hai cực tăng trưởng lớn nhất của cả nước, là đầu tàu dẫn dắt phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây cũng là thành phố có vị trí chiến lược quan trọng của cả nước và khu vực… “Việc ban hành cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện cho thành phố phát huy được thế mạnh, tiềm năng sẵn có để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”, đại biểu nhấn mạnh.

z4415186394907_71001df675e3dea76-1686234902802.jpg
ĐBQH Thái Thị An Chung phát biểu tại hội trường. Ảnh: Hồ Long

Liên quan đến đề xuất sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình quan trọng có tính chất vùng, liên vùng, ĐBQH Thái Thị An Chung cho rằng: Đây là một cơ chế mới và khác với Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.

Đại biểu cho biết, Văn kiện Đại hội XIII đã định hướng rất rõ chủ trương phát triển kinh tế vùng để khai thác tốt hơn và phát huy tốt hơn các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực. Theo đó, liên kết phát triển vùng là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025).

Do đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng có tính chất vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông không chỉ góp phần tăng cường thương mại giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ mà còn giúp cải thiện sự kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh trong vùng và giữa vùng Đông Nam Bộ với cả nước để cùng tạo cơ hội cho các địa phương có sự phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội.

Trên cơ sở đó, đại biểu Thái Thị An Chung bày tỏ sự đồng tình với quy định tại khoản 7 Điều 5 dự thảo Nghị quyết giao cho: “HĐND thành phố quyết định sử dụng ngân sách thành phố để thực hiện các dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa thành phố và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua địa bàn thành phố; hỗ trợ các địa phương khác trong nước, hỗ trợ một số địa phương tại một số nước khác trong trường hợp cần thiết”.

Về chính sách hỗ trợ hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố, đại biểu cho rằng, qua chất vấn ngày 7.6, các đại biểu Quốc hội đã thống nhất quan điểm: Khoa học công nghệ có ý nghĩa rất quan trọng, tạo bứt phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chỉ có phát triển khoa học công nghệ mới giúp thoát khỏi bẫy gia công và thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thái Thị An Chung: vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong việc phát triển và phát huy vai trò then chốt của khoa học công nghệ. Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia đang giai đoạn hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tâm đóng vai trò quyết định cho đổi mới, sáng tạo, năng lực kết nối giữa Viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Kịp thời nhân rộng các cơ chế, chính sách phát huy hiệu quả

Cơ bản đồng tình với 2 nhóm cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo tại Điều 8 Dự thảo Nghị quyết: Nhóm chính sách hỗ trợ hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên của Thành phố và nhóm chính sách về tiền công và tiền lương của chuyên gia, nhà khoa học trong thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ… “Các chính sách hỗ trợ phát triển khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay đang được áp dụng chung cho các địa phương trong cả nước, nên một số chính sách chưa phù hợp với thực tế và tốc độ phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở các thành phố lớn, trong đó có TP. Hồ Chí Minh”, đại biểu Thái Thị An Chung lý giải.

anh-1686235072833.jpg
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận

Cũng theo đại biểu, các chính sách đề xuất trong dự thảo Nghị quyết mang tính thiết thực, phù hợp với chủ trương Nghị quyết số 31 NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045... góp phần thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và công nghệ cao. Đồng thời, đại biểu cho rằng: Việc thông qua các chính sách này sẽ tạo điều kiện thu hút và giữ chân các chuyên gia, các nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, góp phần hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.

Liên quan đến việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8, đại biểu Thái Thị An Chung nêu quan điểm đồng tình với việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp, song đề nghị không nên áp dụng chung thời hạn miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp giống như đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Mặt khác, do thời gian ươm tạo và phát triển một doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có thể giao động từ 5-15 năm, vì vậy, để việc hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng và từng lĩnh vực, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị dự thảo Nghị quyết chỉ nên quy định thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa không quá 6 năm và giao cho HĐND thành phố thẩm quyền quyết định thời gian miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cụ thể cho từng đối tượng và từng lĩnh vực.

Bên cạnh đó, để các cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố được thực hiện có hiệu quả, các Bộ, ngành cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện, hàng năm nên có đánh giá việc thực hiện để kịp thời nhân rộng các cơ chế, chính sách đã phát huy hiệu quả.

Diệp Anh