Cân nhắc việc sửa đổi toàn diện Luật thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Tham gia ý kiến về dự thảo luật này, Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An, Thiếu tướng Trần Đức Thuận đồng tình cao về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đại biểu cho rằng, sửa đổi, bổ sung Luật này là một bước chuyển quan trọng nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật hiện hành đồng thời tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, theo Đại biểu: Quốc hội cần lưu ý việc cho ý kiến dự thảo luật trong bối cảnh nhiều vấn đề mới trong hoạt động giám sát đã làm, đã có thực tiễn chứng minh trong quá trình đổi mới; dự thảo luật liên quan đến nhiều luật đã, đang và sẽ trình, ví dụ Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đang trong lộ trình sắp xếp bộ máy thì cần phải có các dự báo và chuẩn bị đồng bộ để khi thông qua bảo đảm tính thống nhất giữa các bộ luật này. Vì vậy, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật, đại biểu đề nghị cân nhắc nên sửa đổi toàn diện thay vì chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật; đề nghị quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, đối tượng giám sát của các cơ quan giám sát, không để chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự giám sát. Cần đánh giá tác động những vấn đề mới mà quá trình hoàn thiện dự thảo luật có đề xuất. Bổ sung thẩm quyền Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, quy định như thế nào để đồng bộ với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ sửa trong thời gian tới đây. Đặc biệt, nghiên cứu bổ sung chế tài xử lý nếu không thực hiện kết quả kiến nghị giám sát để nâng cao trách nhiệm của các bên liên quan, đảm bảo các kiến nghị giám sát được thực hiện nghiêm túc, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng chế tài của cơ quan dân cử cần quy định rõ, phân biệt khác với cơ quan hành chính và phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan dân cử.
Nghiên cứu, xem xét quy định về số lượng đại biểu tham gia đoàn giám sát
Trao đổi về nội dung này, vị Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An cho rằng việc quy định về số lượng đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương tham gia mỗi cuộc giám sát phải có ít nhất 03 đại biểu là thành viên rất khó khả thi. Bởi vì, thực tế đã có thời điểm Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh/thành chỉ còn 1 hoặc 2 đại biểu tại địa phương, nếu mời đại biểu từ Trung ương về tham gia giám sát ở địa phương thì sẽ bị động về mặt thời gian và khó khăn trong một số vấn đề liên quan.
Một số nội dung quan trọng khác cũng được Đại biểu đề xuất nghiên cứu, bổ sung quy định vào dự thảo Luật như: Cân nhắc tổ chức hoạt động giải trình, hoạt động chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết luận phiên giải trình; bổ sung thẩm quyền giám sát của Hội đồng nhân dân với các cơ quan, tổ chức Trung ương đóng trên địa bàn như: Cục thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, Ngân hàng Nhà nước cùng cấp; quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân với các cơ quan này; bổ sung quy định Hội đồng nhân dân xem xét báo cáo của Mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, quy định giám sát của Hội đồng nhân dân với các cơ quan hành chính…
Quan tâm đầu tư thiết chế về công nghệ thông tin để ứng dụng rộng rãi trong hoạt động giám sát
Theo Đại biểu, cần bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu thập, xử lý và chia sẻ thông tin. Điều này giúp nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động giám sát; phù hợp với chủ trương phát triển công nghiệp công nghệ số, dữ liệu số, phục vụ chủ trương xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số…
Ngoài ra, Đại biểu cũng đề nghị cần luật hóa các quy định cụ thể, rõ ràng việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong hoạt động giám sát, nhất là giữa các cơ quan dân cử Đoàn đại biểu Quốc hội với Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các cơ quan chức năng tại địa phương để thu thập thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình giám sát; quy định thêm tiêu chí về lựa chọn nội dung giám sát, làm sao đảm bảo phù hợp, gắn liền với thực tiễn và nhu cầu của địa phương, tập trung vào những vấn đề được cử tri quan tâm và có tác động trực tiếp đến đời sống xã hội. Có kế hoạch nâng cao năng lực của đại biểu như tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng giám sát cho Đại biểu, đặc biệt là về phương pháp thu thập và phân tích thông tin, kỹ năng lập báo cáo và đề xuất kiến nghị…. Có cơ chế tạo điều kiện để cử tri và nhân dân đóng góp ý kiến, phản ánh thực trạng và đề xuất giải pháp, từ đó giúp đại biểu Quốc hội/Hội đồng nhân dân và Đoàn ĐBQH/Hội đồng nhân dân có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về các vấn đề cần giám sát; Đặc biệt, quy định rõ hơn về hậu giám sát để các kiến nghị để xuất đảm bảo hiệu lực thi hành, khắc phục kịp thời. giúp quá trình giám sát trở nên hiệu quả và minh bạch hơn./.