Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 nhằm mục tiêu hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có đất ở, nhà ở hoặc có nhà ở tạm, dột nát được hỗ trợ đất ở, xây dựng nhà ở; giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất; các hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn; tăng cường tạo việc làm, hỗ trợ chuyển đổi nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số.
Ghi nhận kết quả đạt được, chỉ ra tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp trong việc thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt
Công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và Dự án 1 nói riêng đã được UBND tỉnh tổ chức triển khai, chỉ đạo sát sao, quyết liệt. Sự phối hợp giữa các cấp các ngành với các đơn vị, địa phương đã góp phần xử lý, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện. UBND tỉnh đã kịp thời trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành các Quyết định về phân bổ kinh phí thực hiện nguồn ngân sách Trung ương.
Các đơn vị, địa phương đã chủ động bám sát các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh để tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao. Việc triển khai thực hiện các văn bản hướng dẫn của Trung ương, các Bộ, ngành, của tỉnh tới các địa phương đã nắm bắt kịp thời, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện tại cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG ở các cấp, các ngành và địa phương được tăng cường; có biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí. Qua đó, các địa phương đã kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế được chỉ ra, góp phần đẩy nhanh, nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện dự án.
Kết quả thực hiện dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt góp phần quan trọng trong việc an cư, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi và nơi có đồng bào DTTS sinh sống.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Thông báo kết luận phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt. Đó là: Tỷ lệ giải ngân Dự án 1 còn chậm so với kế hoạch; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn Trung ương giao năm 2022 và năm 2023 đến thời điểm báo cáo mới chỉ đạt 24,35%; trong đó tỷ lệ giải ngân hỗ trợ chuyển đổi nghề chỉ đạt 8,36%; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương chưa chặt chẽ, thiếu chủ động; cải cách hành chính trong lập, thẩm định các hồ sơ liên quan đến Dự án đạt hiệu quả chưa cao.
Từ đó, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương nâng cao tinh thần trách nhiệm, công tâm, minh bạch, khách quan trong quá trình thực hiện Dự án 1; đặc biệt, trong việc xét, rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách chính xác, trung thực, không để xẩy ra sai sót, gây bức xúc trong Nhân dân. Tăng cường cải cách hành chính trong việc lập hồ sơ, thẩm định các nội dung liên quan đến Dự án 1 và các dự án khác của Chương trình MTQG; các quy trình, thủ tục phải đảm bảo chặt chẽ, ngắn gọn, linh hoạt, đúng quy định pháp luật. Chỉ đạo cơ quan chủ trì tham mưu thực hiện rà soát lại hệ thống số liệu và tiến độ của các nội dung trong Chương trình khách quan, trung thực, tránh trùng lặp, bỏ sót đối tượng; chú trọng số liệu về việc khai hoang, phục hóa để tạo mặt bằng, tạo quỹ đất ở và đất sản xuất đến thời điểm hiện nay, số hộ đã được hỗ trợ đất ở trong giai đoạn thực hiện chính sách. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình thực hiện Chương trình; nâng cao trách nhiệm, sự vào cuộc trong công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn của Dự án đối với các nội dung hỗ trợ, phát huy hiệu quả thực hiện các nội dung của Dự án.
Chuyển biến trong kết quả thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt sau phiên giải trình
Để chuẩn bị cho phiên giải trình 6 tháng đầu năm và cuối năm 2024, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh báo cáo tình hình, kết quả thực hiện các thông báo kết luận phiên giải trình trước đó, trong đó có phiên giải trình về kết quả thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và giao Ban Dân tộc HĐND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện tại các Báo cáo của UBND tỉnh.
Đáng ghi nhận trong công tác triển khai thực hiện là việc phân công, phân cấp rõ trách nhiệm cho từng Sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan; công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành có chuyển biến rõ nét, tránh sự chồng chéo trong phân công nhiệm vụ. Cải cách hành chính trong việc lập hồ sơ, thẩm định các nội dung liên quan một cách chặt chẽ, ngắn gọn, linh hoạt, đảm bảo quy định của pháp luật.
Việc thực hiện Dự án 1 đạt được nhiều kết quả tốt, nhất là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt cao. Đến 30/9/2024, vốn đầu tư phát triển đã giải ngân: 79.216 triệu đồng, đạt 67% kế hoạch vốn để thực hiện các nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và các công trình nước sinh hoạt tập trung, trong đó: đã hoàn thành 100% kế hoạch vốn giai đoạn 2021 - 2025 đối với nội dung hỗ trợ đất ở; ước đến 31/12/2024 giải ngân đạt 100% so với kế hoạch vốn đối với nội dung hỗ trợ nhà ở; đất sản xuất; công trình nước sinh hoạt tập trung.
Tiến độ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp vẫn còn chậm so với kế hoạch
Mặc dù vậy, tiến độ giải ngân nguồn vốn sự nghiệp vẫn còn chậm so với kế hoạch như: tỷ lệ giải ngân vốn chuyển đổi nghề chỉ đạt 25,8 %; tỷ lệ giải ngân vốn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán chỉ đạt 43,49% so với kế hoạch vốn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đối tượng hỗ trợ thu hẹp dần theo từng năm, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm; theo lộ trình phân bổ của Trung ương thì năm sau nhiều hơn năm trước, dẫn đến tình trạng thừa vốn sự nghiệp so với thực tiễn đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, đối tượng cán bộ ở địa phương, nhất là cấp cơ sở còn lúng túng, thiếu kinh nghiệm, có tâm lý sợ sai, chưa quyết liệt, mạnh dạn, sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức thực hiện Chương trình đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án 1.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn sự nghiệp hỗ trợ chuyển đổi nghề và nước sinh hoạt phân tán cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp ảnh hưởng đến việc chậm giải ngân vốn chuyển đổi nghề và vốn hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, từ đó, đề ra các giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Năm 2025 là năm cuối cùng của giai đoạn I (từ năm 2021 - 2025) Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các mục tiêu tổng quát, mục tiêu của từng dự án, nội dung để tập trung mọi nguồn lực thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra, phát huy hiệu quả của Chương trình.
Cùng với đó, tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để tháo gỡ hoặc trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn các dự án thuộc Chương trình nói chung, trong đó có Dự án 1. Từ đó, kiến nghị các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo của Chương trình./.