Mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được sắp xếp lại
Qua giám sát của HĐND tỉnh về công tác quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp cho thấy trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục nghề trên địa bàn tỉnh được thực hiện gắn với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của cả nước theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/02/2023 và Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án số 14-ĐA/TU ngày 25/01/2022 của Tỉnh uỷ.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có tham gia đào tạo nghề nghiệp, toàn tỉnh đã giảm 14 đầu mối về chức năng giáo dục nghề nghiệp, gồm: 03 trường Đại học theo quy định của Luật Giáo dục, 01 trường trung cấp hoạt động không hiệu quả; 05 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện; 05 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp không đảm bảo điều kiện quy định của pháp luật. Tham mưu UBND tỉnh cho phép thành lập 01 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập; tiếp nhận nguyên trạng Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Vinh trực thuộc Bộ Xây dựng về UBND tỉnh và giao Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 49 cơ sở (giảm 13 cơ sở so với năm 2020), gồm: 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (9 trường cao đẳng, 12 trường trung cấp, 02 trung tâm giáo dục nghề nghiệp) và 26 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp (01 trường cao đẳng, 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, 09 cơ sở khác). Trong đó, có 35 đơn vị công lập (03 đơn vị thuộc Bộ, ngành Trung ương quản lý, 32 đơn vị thuộc tỉnh quản lý); 14 đơn vị ngoài công lập.
Dự kiến đến cuối năm 2025, trên địa bàn tỉnh sẽ có 44 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đạt 93,1% mục tiêu của Đề án số 14-ĐA/TU của Tỉnh ủy (mục tiêu 41 cơ sở); gồm: sáp nhập hoặc giải thể 03 trường trung cấp công lập (Kỹ thuật nghiệp vụ Vinh, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Vinh, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nghi Lộc); không tính vào quy hoạch mạng lưới 02 cơ sở không đảm bảo điều kiện theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Đô Lương).

Thực tế cho thấy việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần tập trung phát triển, đầu tư có trọng điểm các trường nghề, các ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm quốc gia. Chất lượng đào tạo được nâng lên, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; cụ thể, tăng từ 65% của năm 2020 lên 71,5% ước cuối năm 2025 (tăng 6,5%), trong đó tỷ lệ có văn bằng, chứng chỉ tăng từ tăng từ 25,3% lên 31% (tăng 5,7%), từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp được đẩy mạnh, có hiệu quả.
Một số ngành nghề bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư của tỉnh, yêu cầu sử dụng của thị trường lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm của học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bình quân chung đạt 81,2%, gồm: trình độ cao đẳng, trung cấp trên 95,7%, trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng đạt tỷ lệ 77,2% (đạt và vượt mục tiêu đề ra).
Quy hoạch, sắp xếp mạng lưới còn bất cập, dàn trải
Mặc dù hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã từng bước được sắp xếp lại và giải thể những cơ sở hoạt động không hiệu quả, tránh chồng chéo, nhưng mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn dàn trải, trùng lặp chức năng nhiệm vụ, trùng lặp các ngành nghề kỹ thuật như hàn, công nghệ ô tô, điện, điện tử, điện dân dụng, may mặc… khiến các trường khó khăn trong việc tuyển sinh đầu vào.
Đồng chí Chu Đức Thái, Trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh cho rằng trong thời gian vừa qua, mặc dù UBND tỉnh đã rất tích cực chỉ đạo các ngành sắp xếp mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề, trong đó đã giảm 14 đầu mối cơ sở đào tạo nghề nhưng hiện nay các cơ sở đào tạo nghề còn phân tán rất lớn (còn 49 cơ sở). Thực tế trên cùng một địa bàn có nhiều cơ sở đào tạo nghề trùng lặp về ngành nghề đào tạo, một số cơ sở đào tạo nghề hoạt động chưa hiệu quả dẫn đến lãng phí cơ sở vật chất, trang thiết bị, dàn trải, phân tán trong đầu tư.

Trong khi đó, cơ cấu tuyển sinh còn bất cập, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu. Tại Báo cáo công tác quy hoạch sắp xếp mạng lưới trường lớp, UBND tỉnh cũng chỉ rõ chất lượng, hiệu quả đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu; cơ cấu tuyển sinh đào tạo giáo dục nghề nghiệp chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp; trình độ cao đẳng, trung cấp chỉ khoảng 21,6%. Trang thiết bị đào tạo tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thiếu so với danh mục thiết bị tối thiểu quy định; nhiều thiết bị quá cũ, lạc hậu, không theo kịp sự đổi mới nhanh chóng của khoa học công nghệ cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh đa dạng với các trang thiết bị hiện đại tại các doanh nghiệp.
Đẩy nhanh sắp xếp lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Trước yêu cầu đổi mới, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đào tạo nghề góp phần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tại cuộc giám sát của HĐND tỉnh về công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh đẩy nhanh việc sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc tỉnh quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hợp lý về cơ cấu ngành, nghề; cơ cấu trình độ đào tạo và theo nguyên tắc vùng, miền, hướng tới thực hiện tự chủ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phát huy hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị đã được đầu tư; phát huy vai trò tự chủ, năng động của các cơ sở giáo dục, trong đó:
Chuyển chức năng giáo dục nghề nghiệp của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên về Trường trung cấp, cao đẳng; sắp xếp lại các Trung tâm giáo dục thường xuyên thành một số Trung tâm Giáo dục thường xuyên theo vùng.

Tập trung thực hiện sáp nhập (giải thể) sắp xếp lại các trường cao đẳng, trung cấp theo chủ trương của tỉnh, gắn với triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh và cả nước; trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ sắp xếp lại các trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc tỉnh có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp nằm trên cùng địa bàn, có nhiều ngành nghề trùng lắp, hoạt động kém hiệu quả; tiếp tục rà soát đánh giá và đưa ra khỏi mạng lưới những cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp không đảm bảo điều kiện hoạt động, không tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nghiên cứu tập trung nguồn lực xây dựng 3 cơ sở đào tạo nghề theo vùng như: Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ Thuật Bắc Nghệ An tại Quỳnh Lưu, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Miền Tây tại Thái Hòa, Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú tại Con Cuông; đồng thời tập trung nguồn lực cho 3 trường cao đẳng nghề trọng điểm hiện nay của tỉnh gồm: Cao Đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Cao Đẳng Việt - Đức, Cao Đẳng Du lịch Thương mại Nghệ An.
Hy vọng, với việc đẩy mạnh rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm về quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, góp phần quan trọng tăng năng lực cạnh tranh và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu tỉnh Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục và đào tạo./.