Phân cấp trên nhiều lĩnh vực, nội dung

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, thời gian qua, đã có 30 nội dung được phân cấp thuộc 8 lĩnh vực: du lịch; khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; văn hoá và thể thao; nội vụ; y tế; nông nghiệp và phát triển nông thôn. Có 2 cơ quan phân cấp, gồm UBND tỉnh phân cấp cho các sở, ngành cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và sở, ngành phân cấp cho cấp huyện. Nổi bật là phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của UBND tỉnh. Hiện nay, thay vì thẩm quyền của UBND tỉnh thì việc bổ nhiệm Chi cục trưởng, Giám đốc trung tâm, đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ngành được phân cấp cho Giám đốc các sở, ngành. Hay việc xây dựng kế hoạch và tuyển dụng công chức cấp xã, trước đây phải thông qua Phòng Xây dựng chính quyền của Sở Nội vụ, nay được phân cấp triệt để cho cấp huyện. UBND tỉnh cũng phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh thực hiện tuyển dụng, tiếp nhận viên chức, người lao động.

Cán bộ, công chức UBND thị xã Thái Hoà giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên dịch vụ công trực tuyến

Là cấp tiếp nhận phân cấp, đồng chí Trình Văn Nhã – Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: Ngoài phân cấp quản lý và tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức; việc phân cấp của tỉnh cho huyện trong quyết định phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, phân cấp quy hoạch phân lô đấu giá đất và phân cấp quyết định giá đấu giá đất…; vừa giao quyền chủ động cho địa phương, vừa giải quyết nhanh về mặt thủ tục hành chính khi không qua nhiều tầng nấc và nhiều thủ tục.

Hay phân cấp của UBND tỉnh cho cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đối với các dự án của doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn các địa phương; đồng chí Phan Văn Cường – Phó Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch, UBND thị xã Thái Hòa cho rằng đã tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư rút ngắn được thời gian đi lại trong quá trình thẩm định và phê duyệt dự án, đây là động lực, tạo xúc tác tốt trong kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Người dân xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn quét mã QR nộp tiền quỹ, phí tại địa phương

Tìm hiểu công tác phân công, phân cấp thời gian qua của tỉnh, chúng tôi đã ghi nhận nhiều phản hồi tích cực từ câu chuyện này. Nổi bật, phân cấp, phân quyền là một trong giải pháp quan trọng nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhanh, kịp thời, tạo thuận lợi trong giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp cũng như chỉ đạo, điều hành ở từng sở, ngành, địa phương cấp huyện và xã. Mặt khác, phân cấp, phân quyền cũng tăng thẩm quyền, trách nhiệm dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm ở từng cấp, khắc phục tình trạng đùn đẩy giữa các cấp, các ngành. Bởi, thông qua phân công, phân cấp sẽ cụ thể hoá thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương rõ ràng, cụ thể; kể cả xác định được trách nhiệm cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong thực thi công vụ; đồng thời từng bước xoá bỏ cơ chế “xin – cho”, “ban, phát” trong hoạt động quản lý nhà nước.

Riêng lĩnh vực quản lý tổ chức bộ máy và biên chế, khi được phân cấp đã tăng tính chủ động cho các đơn vị trong tuyển dụng, bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức; phân công nhiệm vụ, điều động, bổ nhiệm để phát huy đúng năng lực, sở trường và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ; kể cả đánh giá, khen thưởng, xử lý kỷ luật và miễn nhiệm cán bộ. Qua đó, việc sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ tại các đơn vị đảm bảo phù hợp với năng lực chuyên môn và yêu cầu vị trí việc làm.

Đẩy mạnh nâng cấp phân cấp hơn nữa.

Bên cạnh những tác động tích cực, xung quanh “câu chuyện” phân công, phân cấp vẫn đang đặt ra một số băn khoăn. Đó là một số sở, ngành cấp tỉnh chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất tham mưu cấp thẩm quyền ban hành quyết định phân cấp, phân quyền những nội dung thuộc lĩnh vực cần chủ động tham mưu cấp thẩm quyền ban hành các quyết định phân cấp thuộc lĩnh vực; mà mới chỉ thực hiện phân cấp các lĩnh vực của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương. Các quy định về kiểm tra, giám sát nội dung sau phân cấp chưa được quy định chi tiết, cụ thể, đầy đủ, toàn diện. Công tác phối hợp hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện phân cấp của chính quyền cấp dưới chưa thường xuyên; chưa có đầy đủ chế tài đối với việc thực hiện không nghiêm các quy định về phân cấp.

Lãnh đạo huyện và xã Ngọc Sơn về cơ sở sâu sát với người dân

Từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương – Trình Văn Nhã  kiến nghị tỉnh cần giao quyền mạnh hơn nữa cho cấp huyện. Ví dụ, trong quyết định thanh lý tài sản công, hiện nay cấp huyện được chủ động thực hiện đối với các tài sản công dưới 300 triệu đồng; trong khi đó hiện nay, nhiều tài sản thực hiện thanh lý liên quan đến sáp nhập, hoặc thanh lý cơ sở vật chất cũ để xây dựng mới, đáp ứng với yêu cầu công năng hiện tại (trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) có tổng giá trị trên 300 triệu đồng. Vì vậy đề nghị tỉnh nâng hạn mức giá trị tài sản thanh lý được phân cấp cho huyện xử lý là từ 500 triệu đồng trở xuống, thay vì từ 300 triệu đồng trở xuống như hiện nay.

Cũng kiến nghị tỉnh tiếp tục phân cấp cho cấp huyện, đồng chí Phan Văn Cường – Phó Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch, UBND thị xã Thái Hoà cho rằng: Tỉnh cần tiếp tục phân cấp cho thị xã quyết định địa điểm lập quy hoạch đối với các khu đất ở phục vụ tái định cư, đấu giá, giao đất có diện tích dưới 3 ha không tiếp giáp với quốc lộ, đường tỉnh phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời phân cấp cho địa phương quyết định địa điểm lập quy hoạch đối với các khu đất ở phục vụ tái định cư, đấu giá, giao đất có diện tích dưới 0,5 ha có vị trí tiếp giáp với Quốc lộ, đường tỉnh; phân cấp quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch đối với các quy hoạch chi tiết xây dựng đã được UBND tỉnh phê duyệt trước đây; phân cấp thị xã thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đối với các dự án có công trình cấp III trở xuống do địa phương làm chủ đầu tư.

Cán bộ, công chức một cửa huỵện Nam Đàn giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Để triển khai Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành cấp tỉnh và cấp huyện; UBND tỉnh đã xây dựng đề án đẩy mạnh phân cấp đối với UBND cấp huyện, cấp xã và cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh xem xét thông qua vào kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 (sẽ tổ chức vào ngày 10 – 11/7/2024). Theo đó, ngoài tiếp tục thực hiện phân cấp 30 nội dung, thuộc 8 lĩnh vực đã được phân cấp; UBND tỉnh sẽ phân cấp bổ sung thêm 20 nội dung, thuộc 6 lĩnh vực: công thương, giáo dục – đào tạo, xây dựng, giao thông vận tải, lao động – thương binh và xã hội, nông nghiệp – phát triển nông thôn. 

Song song với ban hành quyết định phân cấp, một số ý kiến cho rằng, tỉnh cần quan tâm công tác kiểm tra, giám sát khâu “hậu kiểm” chặt chẽ; có quy định về cơ chế xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị tiếp nhận phân cấp không thực hiện đúng thẩm quyền phân cấp; cần ban hành quy trình xin ý kiến cấp trên đối với một số nội dung phải lấy ý kiến cấp trên để đảm bảo chặt chẽ, không có sai sót và sai phạm, đồng thời đẩy nhanh quy trình, thủ tục hành chính, tránh phân cấp không gắn với cải cách hành chính. Nghĩa là phân cấp nhưng vẫn còn cơ chế kiểm soát của cấp trên qua hình thức xin ý kiến, xin phép… đối với các vấn đề đã được phân cấp cho cấp dưới.