Trong Hiến pháp, đạo luật gốc, từ một điều khoản tại Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), đến Hiến pháp năm 2013, bảo vệ môi trường đã được thể chế tại nhiều điều khoản, như: quyền được sống trong môi trường trong lành, thực hiện phát triển bền vững... Cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp, bảo vệ môi trường đã được quy định thành đạo luật riêng và trong nhiều văn bản có liên quan.

bna-kiem-tra-2009.jpg
HĐND tỉnh giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại huyện Nghĩa Đàn

Với đặc thù là địa phương có diện tích rộng nhất cả nước, quy mô dân số lớn (hơn 3,3 triệu người, đứng thứ 4 cả nước), đa dạng sinh học, địa hình phức tạp, đồi núi chiếm 83% diện tích toàn tỉnh, chịu ảnh hưởng của mức độ rủi ro thiên tai cao; cùng với quá trình đô thị hóa, cơ cấu lại nền kinh tế đảm bảo yêu cầu phát triển nhanh và bền vững thì đối với Nghệ An, hoạt động bảo vệ môi trường càng được đặt ra và có ý nghĩa quan trọng. Xác định đây là vấn đề có ảnh hưởng lớn, tác động sâu rộng, được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm, Hội đồng nhân dân tỉnh đã lựa chọn nội dung “Việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh” làm chuyên đề giám sát trong năm 2023.

Bảo vệ môi trường là phạm trù rộng, bao gồm các hoạt động phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đến môi trường; ứng phó sự cố môi trường; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường, cải thiện chất lượng môi trường; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả bảo vệ môi trường xuất phát, phụ thuộc vào ý thức bảo vệ môi trường phải không ngừng được nâng cao và sự nỗ lực lớn trong hành động của các chủ thể có liên quan. Từ năm 2020, kết quả đó đã được xác định cụ thể, đo lường bằng Bộ chỉ số đánh giá và thứ bậc trên Bảng xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường của các địa phương trong cả nước (viết tắt là chỉ số PEPI).

bna-doan-giam-sat-kiem-tra-ho-lang-nuoc-thai-truoc-khi-xa-ra-moi-truong-cua-cong-ty-cp-bia-sai-gon-song-lam-anh-tien-dong-1395.jpg
Đoàn giám sát kiểm tra hồ lắng nước thải trước khi xả ra môi trường của Công ty cổ phần Bia Sài Gòn Sông Lam

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 25/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường, ngày 31/10/2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kèm theo Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT. Công cụ này nhằm đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường và mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống. Bộ chỉ số được cấu trúc thành 02 nhóm với 27 chỉ số thành phần. Nhóm I “Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường” có 04 tiêu chí đánh giá, gồm: bảo vệ chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu, năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường với 26 chỉ số thành phần. Từ năm 2021, có 04 chỉ số không còn được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và có tính chất thời điểm, do đó không còn được sử dụng để đánh giá. Nhóm II “Đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống” cũng có 04 tiêu chí để đánh giá, gồm: chất lượng môi trường không khí xung quanh, chất lượng môi trường nước mặt, chất lượng môi trường đất, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học với 01 chỉ số thành phần là tỷ lệ hài lòng của người dân đối với chất lượng môi trường sống.

anh-1-9-.jpg
Một góc KCN VSIP Nghệ An - nơi được coi là một trong những KCN “xanh” ở Nghệ An

Việc đánh giá được thực hiện bằng hình thức tính điểm đối với các chỉ số thành phần, tổng điểm tối đa là 100 điểm. Bộ chỉ số nhóm I do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thu thập, tổng hợp, đánh giá (Sở Tài nguyên và Môi trường - cơ quan thường trực có trách nhiệm tổng hợp, bảo đảm chính xác số liệu, tư vấn cho Lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tự đánh giá). Bộ chỉ số nhóm II do Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, hướng dẫn Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức điều tra thông qua Phiếu điều tra. Hội đồng thẩm định liên ngành do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập tiến hành thẩm định kết quả tự đánh giá của địa phương và kết quả đánh giá thông qua điều tra xã hội học, trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định phê duyệt và công bố thứ hạng bảo vệ môi trường của các địa phương. Kết quả đánh giá, xếp hạng được công bố vào Ngày môi trường thế giới, 05/6 năm sau; công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục môi trường và của địa phương.

Qua giám sát cho thấy, kết quả đánh giá, xếp hạng của tỉnh ta những năm qua đã có sự tiến bộ vượt bậc. Năm 2020, năm đầu tiên đánh giá, Nghệ An chỉ nằm trong tốp 24 địa phương đạt kết quả trung bình (có 03 mức đánh giá: tốt, khá, trung bình). Năm 2021, điểm số tăng cao, đạt 70,1 điểm (tăng 10,81 điểm), xếp thứ 10 trong cả nước và được Bộ Tài nguyên và Môi trường tặng Giấy khen. Năm 2022, kết quả tự đánh giá đã được gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Để phát huy hiệu quả công cụ đánh giá này, tạo động lực thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện, triển khai đồng bộ 02 nhóm tiêu chí để phản ánh đúng, thực chất, toàn diện chất lượng môi trường của từng địa phương, tạo sự cạnh tranh trong phát triển bền vững. Công bố, công khai kết quả đánh giá, xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường không những trên hệ thống Cổng thông tin điện tử của ngành mà rộng rãi trên các phương tiện thông tin truyền thông, các hội nghị, hội thảo có liên quan. Có như thế, nguyên tắc “Bảo vệ môi trường là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân” mà Luật Bảo vệ môi trường đã đề ra sẽ ngày càng được tuân thủ, chất lượng môi trường sống sẽ ngày càng được nâng cao./.