Theo Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003, Hội đồng nhân dân cấp xã không có các Ban. Đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Hội đồng nhân dân cấp xã đã có sự thay đổi đáng kể với việc thành lập các cơ quan bên trong là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội. Năm 2019, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung đã có tiếp bước kiện toàn bộ máy cho Hội đồng nhân dân cấp xã với quy định Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã có thêm các Ủy viên là Trưởng các Ban. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp xã cũng đã dày dặn hơn qua các lần ban hành mới thay thế và sửa đổi, bổ sung Luật. Theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi, bổ sung, Hội đồng nhân dân cấp xã có thêm một nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng và mang tính bao trùm là thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của xã trước khi trình Hội đồng nhân dân cấp huyện phê duyệt.

hdnd-xa-nam-thai-hop.jpg
Kỳ họp thứ nhất, HĐND xã Nam Thái khóa XXI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 (Ảnh minh họa)

Khác với Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân không có quy định về cấp trên, cấp dưới. Mặc dù vậy, theo tinh thần của Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn giám sát tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương cấp xã, thời gian vừa qua, Thường trực Hội đồng nhân dân một số huyện đã tiến hành được các cuộc giám sát, khảo sát về hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, 02 Ban của Hội đồng nhân dân cấp xã, tiêu biểu như Thường trực Hội đồng nhân dân các huyện Tân Kỳ và Anh Sơn.

Qua giám sát, khảo sát cho thấy với điều kiện về bộ máy, nhân lực, nhất là đại biểu chuyên trách mỏng (Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã chỉ có Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là đại biểu hoạt động chuyên trách; Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và Ủy viên các Ban đều hoạt động kiêm nhiệm); năng lực, trình độ của đại biểu không đồng đều nhưng hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Hội đồng nhân dân và các cơ quan của Hội đồng nhân dân cấp xã đã xây dựng và triển khai được chương trình công tác cụ thể. Các hoạt động tổ chức kỳ họp được chuẩn bị, thực hiện đúng quy trình, quy định; giám sát, khảo sát đã xác định được những nội dung theo Luật định và bám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đặc biệt, với sự thành lập của các Ban, các nghị quyết, báo cáo, đề án được thẩm tra bài bản hơn, bước đầu có sự chuyên sâu theo lĩnh vực trước khi trình Hội đồng nhân dân thông qua. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân được thực hiện theo đúng quy định, quy chế, sự phân công, phân nhiệm. Về công tác văn phòng, các xã, thị trấn cơ bản đã thực hiện đảm bảo quy định trong việc soạn thảo, ban hành, lưu trữ hồ sơ, sử dụng con dấu của Hội đồng nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, từ các cuộc giám sát, khảo sát cũng cho thấy hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã còn có những hạn chế, khó khăn cần được quan tâm hơn. Chương trình công tác của Hội đồng nhân dân, các cơ quan của Hội đồng nhân dân cấp xã đã được xây dựng nhưng chưa rõ nét, nội dung nhiệm vụ còn lẫn lộn giữa các chủ thể. Về hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã, đáng lưu ý Luật quy định phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân là hình thức hoạt động chủ yếu của Thường trực Hội đồng nhân dân; tại phiên họp, Thường trực Hội đồng nhân dân thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền. Tuy nhiên, phiên họp này ở một số địa phương chưa thực hiện đúng quy định (như không ban hành Giấy mời; nội dung chưa đảm bảo; chưa đưa vào được hoạt động giải trình hoặc chất vấn…).

Hoạt động giám sát chưa đảm bảo theo quy định, mới dừng lại ở mức độ tiếp cận vấn đề, chưa đi sâu vào nội dung giám sát; cá biệt có xã cả năm không tiến hành giám sát chuyên đề. Việc cho ý kiến về các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp tại một số địa phương chưa thực hiện theo quy định. Hoạt động của các Ban còn lúng túng, chất lượng Báo cáo thẩm tra còn hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát, kiến nghị của cử tri chưa hiệu quả, thường xuyên, còn có tình trạng nể nang. Công tác soạn thảo, ban hành một số nghị quyết chưa đảm bảo về mặt thời gian, thể thức; hồ sơ lưu trữ chưa khoa học. Chức danh công chức Văn phòng – thống kê vừa làm thư ký vừa phải đảm nhận các nhiệm vụ khác với khối lượng công việc lớn nên khó khăn trong tham mưu, giúp việc cho Hội đồng nhân dân…

3b8d0fa0b402745c2d13.jpg
Hoạt động giám sát của HĐND xã Quỳnh Bá (Ảnh minh họa)

Để Hội đồng nhân dân cấp xã thực hiện tốt vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo sự đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan dân cử, cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng hoạt động, phát huy trách nhiệm của các cơ quan Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân. Trước mắt, cần khẩn trương tập huấn, bồi dưỡng đầu nhiệm kỳ cho đại biểu. Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện tiếp tục phát huy việc nắm bắt tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp xã một cách thường xuyên để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Về mặt thể chế, cần có quy định về chế độ, chính sách đối với các chức danh kiêm nhiệm của Hội đồng nhân dân cấp xã để động viên, khuyến khích, nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ; quy định việc thành lập Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để thuận lợi hơn trong hoạt động tiếp xúc cử tri cũng như triển khai các hoạt động khác…

Có thể nói, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã là những người gần dân nhất, sâu sát nhất với địa phương, cơ sở. Do đó, ngoài việc hoàn thiện các quy định của pháp luật; tăng cường sự hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ của cơ quan chức năng, mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã và các cơ quan của Hội đồng nhân dân cấp xã cần nỗ lực nghiên cứu, nắm vững quy định của pháp luật, trau dồi kỹ năng, chú trọng việc chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để hoạt động ngày càng tinh thông.

Nguyễn Thị Anh Hoa

Phó CVP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh