Về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Thái Thị An Chung, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đại tá Trần Võ Việt, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Hoàng Quyền, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn; đại diện Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, phòng Tham mưu Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh.
Tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên (Nam Đàn), đoàn đại biểu thành kính dâng lẵng hoa tươi thắm và nén hương thơm tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng ta, Nhân dân ta - Người sáng lập và rèn luyện Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế - Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hòa bình và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và Nhân dân thế giới.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ. Hằng năm, cứ đến ngày 27/7, Bác đều trực tiếp gửi thư thăm hỏi, tặng quà, đi thăm các thương binh, gia đình liệt sĩ và viếng các Anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang… Trước lúc đi xa, Người vẫn không quên để lại những lời căn dặn trong Bản Di chúc lịch sử cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.
Thấm nhuần lời dạy của Người, các thế hệ tiếp nối của dân tộc Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn lịch sử, quan tâm triển khai, thực hiện tốt chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng gắn với công tác đền ơn, đáp nghĩa, với nhiều việc làm thiết thực, nhân văn.
Tiếp đó, đoàn đại biểu dâng hoa, dâng hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn, huyện Đô Lương. Lặng lẽ, nghẹn ngào bên “ngôi mộ-ngôi nhà chung”của các Anh hùng liệt sĩ để nghe kể về huyền thoại Truông Bồn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngày ấy, Truông Bồn là nút giao thông trọng điểm trên tuyến đường chiến lược 15A, là "yết hầu" giao thông quan trọng của tuyến vận tải Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại “toạ độ lửa” Truông Bồn này đã có 1.240 người con ưu tú ngã xuống, tiêu biểu là sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong “Tiểu đội thép” thuộc Đại đội 317 vào ngày 31/10/1968. Nơi đây lưu giữ vẹn toàn giá trị sống của một thế hệ thanh niên quyết hi sinh tất cả cho độc lập, tự do của Tổ quốc, viết nên một huyền thoại Truông Bồn trong thế kỷ XX, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ mai sau, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Điểm đến cuối cùng trong chuỗi hoạt động tri ân tại Nghệ An, đoàn đại biểu đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào (huyện Anh Sơn). Nghĩa trang liệt sĩ quốc tế Việt - Lào là nghĩa trang lớn nhất quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trên đất bạn Lào khi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Nơi đây quy tụ gần 11.000 phần mộ liệt sĩ thuộc 47 tỉnh, thành phố trên cả nước, đã hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào, trong đó có khoảng 7.400 ngôi mộ chưa biết tên liệt sĩ. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc và là biểu tượng của tình đoàn kết thủy chung, son sắt của hai dân tộc Việt - Lào anh em./.