Người dân chưa yên tâm khi thoát nghèo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 30/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

ndo_br_tran-nhat-minh-nghe-an-6279.jpg.webp

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. (Ảnh: DUY LINH)

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Nhật Minh (Nghệ An) bày tỏ đồng tình cao với các nội dung quan trọng trong báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về các chương trình.

Phản ánh thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương, đại biểu tỉnh Nghệ An chỉ rõ, còn hiện tượng các xã miền núi không đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2025.

Theo đại biểu, nguyên do là vì các xã miền núi thuộc vùng đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, không còn thuộc đối tượng xã đặc biệt khó khăn sẽ không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh, chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức…

Đại biểu cho rằng đây là vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm xử lý sớm. Bất cập này đã được đề cập trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, một số bộ, ngành chưa kịp thời có giải pháp khắc phục hạn chế tác động của các quyết định công nhận xã thôn khu vực I, II, III vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã làm ảnh hưởng đến việc thụ hưởng chính sách của các đối tượng đang sinh sống, học tập, công tác tại các thôn xã đặc biệt khó khăn nay trở thành thôn, xã nông thôn mới. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể, khả thi, thiết thực để tháo gỡ, khắc phục vấn đề này.

ndo_br_img-3233-6236.jpg.webp

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. (Ảnh: DUY LINH)

Đánh giá về mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, có những người dân chưa muốn thoát nghèo.

Mặc dù đánh giá cao 3 chương trình trong thời gian qua, đại biểu nêu rõ nguyên nhân căn cơ người dân chưa muốn thoát nghèo là cách làm và chất lượng của các chương trình chưa có sự bền vững, tính bền vững chưa cao cả trước mắt và lâu dài. Do đó, người dân cảm thấy chưa yên tâm khi thoát nghèo, hết chương trình, hết dự án thì “nghèo lại hoàn nghèo”.

Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần quan tâm đến cách làm và chất lượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia, phải bảo đảm các chương trình này mang tính bền vững cao, đây mới là căn cơ của vấn đề.

Đại biểu cũng đề cập rõ hơn sau khi tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã kiến nghị Đoàn giám sát của Quốc hội cần xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, đặc biệt cấp tỉnh. Đại biểu cho rằng, Trung ương chỉ quản lý theo các mục tiêu, chỉ tiêu, còn cách làm thì cho phép các địa phương được chủ động để tháo gỡ các vướng mắc chính.

Thoát nghèo phải bắt đầu từ ý chí vươn lên của người dân

ndo_br_do-chi-nghia-phu-yen-3409.jpg.webp

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên. (Ảnh: DUY LINH)

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết, giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp cho các hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo, điều quan trọng là ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh có thể xảy đến.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, các chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể chính có ý thức vươn lên.

Đại biểu tỉnh Phú Yên phân tích, thực tế cho thấy có nhiều trường hợp chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo để được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ, ưu tiên giảm nghèo. Đại biểu cho rằng cần có sự thay đổi cơ bản về nhận thức, qua đó có được chuyển biến thực chất trong vấn đề này.

Đại biểu phản ánh, việc giải ngân cho công tác giảm nghèo được thực hiện ồ ạt, tuy nhiên hiệu quả chưa bảo đảm, nguồn lực chưa chắc đến được đúng đối tượng, khó đo đếm hiệu quả của việc triển khai nguồn lực.

Tổng kết kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của các chủ thể tham gia là chính những người dân, cùng với đó là việc giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, việc giải ngân trong công tác truyền thông về các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn bất cập, cần khắc phục để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân về thực hiện các chương trình này.

ndo_br_nguyen-duy-minh-da-nang-4695.jpg.webp

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) phát biểu. (Ảnh: DUY LINH)

Nêu thực tế việc tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia còn nhiều khó khăn, vướng mắc, dẫn đến tiến độ triển khai và giải ngân vốn còn chậm, đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ khung cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ; bộ máy chỉ đạo, điều hành ở các cấp còn chưa có sự thống nhất, chưa phát huy hết trách nhiệm của các chủ thể; các địa phương còn bị động, lúng túng, thiếu quyết liệt, còn tâm lý sợ sai trong triển khai thực hiện…

Đại biểu đề nghị nâng cao trách nhiệm trong việc rà soát, kịp thời tham mưu ban hành sửa đổi các cơ chế chính sách chưa phù hợp theo hướng phân cấp, phân quyền cho các địa phương, tránh chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương, vai trò của các cơ quan chủ quản trong việc tham mưu, phối hợp, điều phối, giải quyết khó khăn, vướng mắc, bảo đảm trả lời các thắc mắc, kiến nghị của người dân một cách kịp thời, rõ ràng.

Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần thống nhất hệ thống văn phòng điều phối chung của cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để nâng cao chất lượng hiệu quả phối hợp, lồng ghép trong thực hiện, triển khai các chương trình này.

TRUNG HƯNG