Việc quy định xe công nghệ được quản lý tương tự như loại hình xe taxi truyền thống
Nghiên cứu khoản 10 Điều 61 của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu băn khoăn việc quy định xe công nghệ được xếp vào loại hình xe taxi, được quản lý tương tự như đối với xe taxi truyền thống, cụ thể là đang được điều chỉnh theo loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo hợp đồng điện tử. Đây là một chính sách mới theo Nghị định số 10/2020/NQ-CP ngày 17/01/2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, đại biểu đề nghị cần cân nhắc kỹ đối với nội dung này bởi các lý do:
Thứ nhất, mô hình gọi xe công nghệ có những điểm khác về bản chất so với loại hình xe taxi truyền thống. Trong khi mô hình xe taxi truyền thống có sự tham gia của ba bên gồm: công ty cung cấp dịch vụ, lái xe và hành khách, thì trong mô hình gọi xe công nghệ có thêm công ty cung cấp nền tảng gọi xe, chỉ tham gia vào một số công đoạn của kinh doanh vận tải hành khách; không sở hữu xe ô tô tham gia vận tải hành khách; không có hợp đồng lao động với các lái xe dịch vụ. Vì vậy, việc áp dụng các biện pháp quản lý đối với mô hình gọi xe công nghệ như đối với taxi truyền thống là chưa phù hợp với bản chất của từng loại hình.
Thứ hai, mô hình kinh doanh các nền tảng gọi xe công nghệ là một trong những điển hình của kinh tế chia sẻ. Với sự tham gia của các thuật toán, công suất dư thừa trong xã hội sẽ được tận dụng. Trong mô hình gọi xe công nghệ, công suất dư thừa chính là năng lực vận tải hành khách có sẵn trong xã hội; trong đó ngay cả các lái xe cũng có cơ hội sử dụng các nền tảng gọi xe khác nhau để tận dụng thời gian dư thừa của mình. Do vậy, nếu quản lý các mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ tương tự như các mô hình kinh tế truyền thống thì sẽ hạn chế những ưu điểm của kinh tế chia sẻ, không tạo ra môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Thứ ba, việc quản lý xe công nghệ tương tự như xe taxi sẽ có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng. Mô hình kinh tế chia sẻ nhấn mạnh vào việc tận dụng công suất dư thừa giúp cho việc tham gia có chi phí thấp. Bên cạnh đó, các thuật toán cũng giúp cho việc xác định giá cước linh hoạt, phù thuộc với quan hệ cung – cầu vào từng thời điểm. Do vậy, về tổng thể khách hàng sẽ được cung cấp dịch vụ với chi phí rẻ hơn (theo tính toán của nhiều chuyên gia là vào khoảng từ 10 đến 30%). Ngoài ra, với sự thuận lợi của công nghệ, khách hàng sẽ có đầy đủ thông tin về lái xe cũng như chuyến xe của mình trước khi quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ, hạn chế sự bất cân xứng thông tin giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ.
Do vậy, Đại biểu đề nghị nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng quá trình quản lý taxi công nghệ trong thời gian vừa qua, cũng như kinh nghiệm của các nước trên thế giới để đưa vào dự thảo Luật cách thức quy định phù hợp đối với mô hình xe công nghệ, bảo đảm sự hài hoà lợi ích giữa các bên liên quan, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong cách tiếp cận mới, đó là không xem cách thức quản lý taxi truyền thống là tiêu chuẩn để quản lý xe công nghệ mà ngược lại cần đổi mới chính cách thức quản lý taxi truyền thống cho phù hợp với bối cảnh phát triển của khoa học công nghệ. Theo đó, Đại biểu cho rằng những quy định chặt chẽ đối với taxi truyền thống hiện đang được nhiều quan điểm cho rằng chỉ phù hợp với bối cảnh vào những năm đầu của thế kỷ 20 khi khách hàng thường xuyên ở vào tình thế bất cân xứng về thông tin. Những giải pháp về công nghệ hiện nay đã phần nào giải quyết được những vấn đề này, thậm chí trao quyền cho khách hàng thông qua việc được đánh giá dịch vụ của từng cuốc xe nên cách thức quản lý xe taxi truyền thống cũng cần phải thay đổi cho phù hợp.
Cùng với đó, đại biểu Hoàng Minh Hiếu kiến nghị ngoài việc nghiên cứu điều chỉnh đối với mô hình chia sẻ chuyến đi như đối với xe công nghệ, Chính phủ cũng cần sớm nghiên cứu, có hình thức quản lý đối mô hình chia sẻ chỗ lưu trú. Hiện nay, các nền tảng chia sẻ chỗ lưu trú như Airbnb, Travelmob v.v… đang phát triển mạnh mẽ và đang đặt ra những vấn đề cần có hình thức quản lý phù hợp.
Quyền của hành khách trong hoạt động vận tải hành khách đường bộ
Liên quan đến nội dung này, Đại biểu dẫn chứng số liệu của Tổng cục Thống kê: Hiện nay, vận tải hành khách đường bộ đang chiếm tỷ trọng khoảng 91% tổng số lượt khách được vận tải hàng năm. Điều đó cho thấy phần lớn người dân đều tham gia làm hành khách của loại hình vận tải này. Tuy nhiên, dự thảo Luật đang quy định về quyền của hành khách trong hoạt động vận tải hành khách tại Điều 65 chỉ với 4 khoản, là vừa chưa đầy đủ, vừa thiếu chi tiết và đồng thời chưa bảo đảm sự thống nhất với quy định tại Điều 527 của Bộ luật Dân sự về quyền của hành khách trong hợp đồng vận tải hành khách.
Theo đó, Đại biểu cho rằng qua nhiều vụ việc liên quan đến vận tải hành khách đường bộ trong thời gian qua, cũng như so sánh với pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một số quyền cơ bản đối với hành khách:
Thứ nhất, quyền được thông tin. Theo Đại biểu đây là quyền rất quan trọng để hạn chế sự bất cân xứng về thông tin của hành khách. Pháp luật của nhiều nước đã quy định vào thời điểm trước và trong suốt chuyến đi, hành khách được quyền thông tin về 3 nội dung cơ bản gồm: một là về các quyền của mình; hai là thông tin chi tiết về chuyến đi, bao gồm cả thông tin về chậm chuyến, huỷ chuyến; ba là cách thức để thực hiện các quyền của mình. Thậm chí ở nhiều nước đã quy định trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong việc công bố những thông tin chung về các đơn vị vận tải hành khách như tỷ lệ chậm chuyến, huỷ chuyến, tỷ lệ vi phạm luật lệ giao thông v.v… Dựa trên các thông tin này, hành khách có thể đánh giá, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phù hợp.
Thực tế, ở nước ta nếu những thông tin như Báo Tuổi trẻ đã nêu về việc xe Thành Bưởi có số lần vượt quá giới hạn tốc độ khoảng 10.000 lần trên một tháng được ghi nhận từ hệ thống giám sát hành trình được công bố đến với hành khách thì chắc chắn nhiều hành khách sẽ rất cân nhắc khi lựa chọn nhà xe này.
Thứ hai, quyền được bồi thường thiệt hại và thanh toán các chi phí phát sinh ngoài ý muốn trong chuyến đi. Nội dung quyền này yêu cầu đơn vị vận tải bồi thường các thiệt hại đối với hành khách khi bị chậm chuyến, huỷ chuyến hoặc xảy ra tai nạn trong chuyến đi, bao gồm cả những hỗ trợ kịp thời khi xảy ra các sự kiện ngoài mong muốn. Đây cũng là quyền đã được đề cập tại Điều 527 của Bộ luật Dân sự nhưng chưa được quy định cụ thể và chi tiết hoá tại Luật Đường bộ.
Thứ ba, quyền được lựa chọn các hình thức thay thế khi bị chậm chuyến, huỷ chuyến. Theo đó, khi bị chậm chuyến trong một khoảng thời gian nhất định, hành khách có quyền được lựa chọn việc bố trí chuyến đi khác phù hợp hoặc được hoàn vé để lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ khác.
Ngoài ra, Đại biểu còn đề nghị nghiên cứu bổ sung những quyền khác của hành khách như quyền không bị phân biệt đối xử, quyền bảo mật thông tin, quyền được hỗ trợ kịp thời v.v… đã được pháp luật nhiều nước ghi nhận để bảo đảm quyền lợi của người dân khi tham gia loại hình vận tải quan trọng này./.