bna_3b0ae552c4247e7a2735.jpg
Quang cảnh phiên làm việc sáng 30/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Nam An

Khuyến khích phát triển, ứng dụng AI nhưng cần đúng định hướng

Phát biểu thảo luận, ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, việc quy định về trí tuệ nhân tạo trong dự thảo Luật là rất cần thiết khi mà ứng dụng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra với tốc độ rất nhanh chóng với nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều vấn đề.

Theo ông, quy định về khuôn khổ pháp lý này phải đảm bảo nguyên tắc vừa khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển trí tuệ nhân tạo, nhưng cũng vừa phải có những quy định để bảo đảm việc phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đúng định hướng.

bna_8513492b685dd2038b4c.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên làm việc. Ảnh: Nam An

Trên cơ sở đó, đối với các quy định hiện hành trong dự thảo Luật đối với nội dung này, vị đại biểu đoàn Nghệ An nhận thấy cần có những quy định cụ thể hơn.

Theo đó, về việc thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, dự thảo Luật đã phân loại hệ thống trí tuệ nhân tạo thành 3 loại là: Rủi ro cao, tác động cao và rủi ro thấp; tuy nhiên, lại chưa làm rõ mục đích của việc phân loại này.

“Chúng tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc quản lý rủi ro theo mức độ phân tầng này”, ông nói và thêm rằng “có thể nghiên cứu để quy định đối với hệ thống rủi ro thấp, chỉ cần yêu cầu nhà phát triển và cung cấp dịch vụ tự công bố tuân thủ các quy định về xây dựng và phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo mà không áp dụng cơ chế tiền kiểm để tạo không gian cho sự phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo".

bna_ad3645292f5e9500cc4f(1).jpg
Ông Hoàng Minh Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nam An

Còn đối với hệ thống rủi ro cao, thì trước khi được triển khai cần qua hệ thống kiểm tra độc lập và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về việc thiết lập cơ chế giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý cho nhà phát triển và cung cấp nếu họ đã tuân thủ đầy đủ các quy định nhưng vẫn phát sinh sự cố ngoài ý muốn.

Về việc tăng cường việc quản lý phát triển trí tuệ nhân tạo, dự thảo Luật cũng cần được bổ sung thêm một số quy định để tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình theo đúng nguyên tắc đã đặt ra.

Theo đó, cần nghiên cứu bổ sung quy định nhà phát triển và cung cấp hệ thống trí tuệ nhân tạo phải cung cấp tài liệu kỹ thuật giải thích cơ chế hoạt động của các thuật toán của hệ thống trí tuệ nhân tạo, đặc biệt với hệ thống rủi ro cao.

Đồng thời, cần quy định trách nhiệm của Chính phủ trong việc xây dựng một bộ chỉ số minh bạch để đánh giá mức độ rõ ràng của hệ thống, ví dụ như khả năng giải thích đầu ra của hệ thống trí tuệ nhân tạo cho người dùng là những người không chuyên ngành.

Bên cạnh đó, quyền riêng tư là một trong những vấn đề quan trọng nhất khi áp dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, theo đại biểu dự thảo Luật chưa đề cập chi tiết về việc xử lý dữ liệu trong các hệ thống trí tuệ nhân tạo.

“Do vậy, cần có quy định yêu cầu nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo phải thực hiện đánh giá tác động quyền riêng tư trước khi triển khai hệ thống trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là đối với hệ thống có rủi ro cao”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu

Ban hành khuôn khổ pháp lý về tài sản số là cần thiết

Hiện nay, các báo cáo nghiên cứu thống kê đều cho thấy Việt Nam đang đứng thứ hai thế giới về tỷ lệ người dân sở hữu tài sản số với khoảng 20 triệu người, hàng năm có khoảng 120 tỷ USD tiền mã hóa được chuyển vào Việt Nam.

Hiện trạng trên theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, nếu chúng ta không có khuôn khổ pháp lý cho hình thức sở hữu này thì sẽ bỏ qua một mảng rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế số.

Tuy vậy, khi đối sánh các quy định về tài sản số trong dự thảo Luật, ông thấy rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện, nhất là cần có sự phân loại cụ thể tài sản số để có những phương án quản lý khác nhau như: Tiền mã hóa, tài sản số đại diện, tài sản ảo trong hệ sinh thái kỹ thuật số… Ví dụ như pháp luật Trung Quốc cấm hoàn toàn các giao dịch đối với tiền mã hóa nhưng lại cho phép giao dịch một số tài sản số khác.

Cũng theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, dự thảo Luật còn thiếu các quy định làm rõ trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài sản số, qua đó tăng cường việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Trong khi qua kinh nghiệm của các nước cho thấy đây là một nội dung rất quan trọng.

“Chẳng hạn pháp luật của Liên minh châu Âu đặt ra những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của nhà phát hành tài sản số như phải đăng ký hoạt động; phải cam kết chịu trách nhiệm pháp lý đối với các sản phẩm phát hành; các nền tảng giao dịch và lưu trữ tài sản số cũng phải được cấp phép hoạt động và phải duy trì bảo mật thông tin cũng như minh bạch trong quá trình giao dịch”, ông nêu dẫn chứng.

bna_31db411f5769ed37b478.jpg
Các vị ĐBQH đoàn Nghệ An trong phiên làm việc sáng 30/11. Ảnh: Nam An

Ngoài các nội dung trên, nhìn nhận một dự án luật quan trọng, được kỳ vọng tạo ra khuôn khổ pháp lý để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số ở nước ta, ông Hoàng Minh Hiếu - đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý tổng thể dự án luật để bảo đảm các quy định của dự thảo luật thể hiện rõ tính quy phạm, tính chính sách, tránh chỉ dừng lại ở mức tuyên bố chính sách, biểu hiện qua nội dung dự thảo có rất nhiều cụm từ chung chung như “ưu tiên phát triển”, “đẩy mạnh thu hút”, “thúc đẩy phát triển”, “khuyến khích phát triển”, “có chế độ hỗ trợ”…

Nêu dẫn chứng từ trong dự thảo Luật, vị đại biểu đoàn Nghệ An cũng góp ý nhiều nội dung về kỹ thuật lập pháp như cần giải thích một số thuật ngữ chuyên môn chưa được định nghĩa (công nghệ chuỗi khối, công nghệ sổ cái phân tán…); rà soát để lược bỏ những quy định không cần thiết, thuộc trách nhiệm ban hành của Chính phủ lại đưa vào Luật.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh cùng một vấn đề nhưng cùng được trình trong các dự thảo luật khác nhau, trong cùng một thời điểm, nhưng lại không thống nhất với nhau.

Cũng trong chương trình làm việc sáng 30/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên; Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Thành Duy - Phan Hậu