Mở rộng “kênh” tiếp nhận
Bằng trách nhiệm và trăn trở, hơn 1 năm đi vào hoạt động của nhiệm kỳ mới, HĐND tỉnh Nghệ An đã mở rộng, đa dạng các “kênh” tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của cử tri, nhân dân. Ngoài tiếp nhận thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri của các đại biểu, qua đường dây điện thoại trực tuyến tại kỳ họp, HĐND tỉnh còn tiếp nhận ý kiến gửi qua Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân tỉnh Nghệ An; qua hộp thư điện tử; qua đơn thư, phản ánh gửi đến Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh hoặc trực tiếp cho các đại biểu HĐND thông qua các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân; qua hoạt động tham gia kỳ tiếp công dân tại các đơn vị bầu cử của các đại biểu HĐND tỉnh; qua Zalo, Facebook...
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với cử tri liên quan kiến nghị, phản ánh, đề xuất của họ. Ảnh: Mai Hoa
Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Tiếp nhận, xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết đơn thư, phản ánh, kiến nghị của cử tri và nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của HĐND và đại biểu HĐND các cấp. Việc mở rộng, đa dạng các kênh tiếp nhận ý kiến phản ánh giúp HĐND tỉnh tiếp nhận với số lượng thông tin nhiều hơn, kịp thời hơn, đầy đủ và đa chiều hơn từ cuộc sống, chứ không bó hẹp và chỉ đợi đến kỳ tiếp xúc cử tri. Nếu chỉ tiếp nhận thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri thì có một thực tế, ở một số nơi, hội nghị này, thành phần chủ yếu đang là cử tri đại diện, nên nhiều tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không đến được các cấp và việc phản ánh kiến nghị tại các diễn đàn tiếp xúc cử tri cũng chưa thu nhận hết tâm tư, phản ánh.
Gắn với mở rộng kênh tiếp nhận phản ánh, Thường trực HĐND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu giải quyết và trả lời các ý kiến phản ánh của cử tri từ phía các cơ quan chức năng phải thường xuyên, kịp thời hơn. Kết quả giải quyết được chuyển trực tiếp đến đúng địa chỉ người kiến nghị, phản ánh, đề xuất; khắc phục tình trạng trả lời thông qua chính quyền địa phương rồi không đến được cử tri, dẫn đến cùng một vấn đề, cùng một cử tri gặp cấp nào, gặp cán bộ có trách nhiệm nào cũng phản ánh, kiến nghị.
Quang cảnh hội nghị trao đổi kinh nghiệm nâng cao chất lượng kỳ họp chuyên đề do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức.
Để tạo được chuyển động này, thời gian qua, các ý kiến kiến nghị sau khi được tiếp nhận đều được Thường trực HĐND tỉnh có văn bản chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết và gắn thời hạn cụ thể. Chẳng hạn giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và nhân dân qua đường dây điện thoại trực tuyến tại kỳ họp với thời hạn 1 tháng. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh giao Phòng Dân nguyện - Thông tin, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết của các cơ quan chức năng; hàng tháng rà soát, báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, thể hiện tinh thần “theo đuổi” đến cùng và tạo “sức nặng” cho các cấp, các ngành giải quyết triệt để hơn.
Tính trong vòng 1 năm, tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổng hợp, phân loại, chuyển hơn 400 ý kiến, kiến nghị của cử tri và 118 đơn thư của công dân đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời.
Tăng “sức nặng” giải quyết
Việc giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân nếu chỉ dừng lại ở đôn đốc thì tính pháp lý và “sức nặng” về vai trò của HĐND tỉnh không cao, thậm chí dễ chỉ là nơi “trung chuyển” ý kiến đề đạt của cử tri đến các cơ quan chức năng giải quyết. Bởi vậy, trên cơ sở báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước, trong và sau mỗi kỳ họp từ UBND tỉnh, Thường trực và các ban HĐND tỉnh tiến hành thẩm tra; kiến nghị nào giải quyết chưa cụ thể, chưa đưa ra giải pháp, lộ trình, thời gian giải quyết đều được Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu giải quyết tiếp thông qua nghị quyết kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của HĐND tỉnh, làm cơ sở pháp lý cho các cấp, các ngành thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh tìm hiểu chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp tại huyện Thanh Chương. Ảnh: Mai Hoa
Ngoài nghị quyết, những ý kiến, kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân mang tính phổ quát ở nhiều địa phương hoặc gây bức xúc trong dư luận nhân dân được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn đưa vào chương trình giải trình của Thường trực hoặc giám sát, khảo sát của HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh và chất vấn tại kỳ họp. Như giải trình về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; công tác quản lý và sử dụng tài sản công sau sáp nhập địa giới hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh. Tổ chức giám sát về dự án treo, dự án chậm tiến độ, sử dụng đất không đúng mục đích; công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh; việc hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi...
Cách làm này đã nâng cao trách nhiệm “đeo bám” các vấn đề, nội dung mà cử tri và nhân dân quan tâm phản ánh, tránh sự lãng quên hoặc “đánh trống bỏ dùi” từ phía HĐND tỉnh và nâng cao “sức nặng”, trách nhiệm vào cuộc giải quyết thuộc thẩm quyền của UBND các cấp.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh
Chuyển động của HĐND tỉnh đã lan tỏa đến HĐND cấp huyện với nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri. Như ở HĐND huyện Thanh Chương, những kiến nghị của cử tri được phản ánh qua nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết dứt điểm thì Thường trực HĐND huyện đưa vào chương trình giải trình nhằm phân tích làm rõ nguyên nhân, đặc biệt quan trọng là trách nhiệm, giải pháp giải quyết.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh khảo sát trực tiếp một số dự án chậm tiến độ trên địa bàn thị xã Cửa Lò. Ảnh: Mai Hoa
Đơn cử phiên giải trình trong tháng 5/2022 vừa qua, Thường trực HĐND huyện Thanh Chương đã tổ chức phiên giải trình về việc giải quyết kiến nghị của cử tri về xử lý xe quá khổ, quá tải; về hạ tầng lưới điện xuống cấp chậm được khắc phục; về việc giải quyết hỗ trợ, đền bù diện tích do UBND thị trấn đắp đường trên ruộng được chia theo Nghị định 64 của một số hộ dân xã Đồng Văn... Một số kiến nghị của cử tri kéo dài liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nội dung dễ xảy ra sai phạm như lấn chiếm đất công thì được HĐND huyện Thanh Chương đưa vào nội dung giám sát. Sau giám sát, vẫn còn những vấn đề vướng mắc chưa được giải quyết, khắc phục thì tiếp tục tổ chức phiên giải trình của Thường trực HĐND huyện để đảm bảo hiệu quả giải quyết các vấn đề được HĐND huyện theo đuổi cao hơn.
Đối với HĐND thị xã Hoàng Mai, sau mỗi kỳ tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND thị xã đều “ngồi lại với nhau” để xem xét những kiến nghị bức bách hoặc liên quan đến quyền lợi sát sườn của người dân tiến hành các đoàn giám sát trực tiếp mà thành phần là Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND và các phòng, ngành, cơ quan chuyên môn cấp thị xã cùng đại biểu HĐND thị xã được bầu ở địa bàn phát sinh kiến nghị, phản ánh và chính quyền địa phương. Trên cơ sở kết quả giám sát, Thường trực HĐND thị xã ban hành thông báo kết luận giao trách nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân và thời gian giải quyết cụ thể hoặc làm việc với lãnh đạo UBND thị xã cùng các phòng, ngành chuyên môn tìm giải pháp giải quyết.
Nhờ các quyết sách của Quốc hội và HĐND tỉnh, nhiều công trình, dự án đã mở toang cánh cửa phát triển KT-XH. Trong ảnh: Mở đường xuyên miền Tây Nghệ An.
Những đổi mới bước đầu trong khâu tiếp nhận, giải quyết kiến nghị, phản ánh của cử tri của HĐND đang góp phần củng cố niềm tin, sự gửi gắm của cử tri, nhân dân vào cơ quan dân cử các cấp và để HĐND các cấp làm tròn hơn vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân.
Mai Hoa