0-ngang-okk-6.jpg
sapo-ngang-doc-6.jpg
tieu-de-1-ngang-doc-5.jpg

Chạy xe qua con đường dốc thẳng lên tới khu tái định cư Piêng Luống, cảm nhận đầu tiên là một không gian thoáng đãng, yên tĩnh, đường sá được quy hoạch khá đẹp với những ngôi nhà khang trang đã và đang được xây dựng hoàn thiện; nhiều mảnh vườn đã trồng hoa, trồng rau xanh, có nhà đã quy hoạch khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao cá…

Góp tay cùng tốp thợ hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của căn nhà khang trang, chị Hà Thị Túc, anh Vi Văn Gửi lên khu tái định cư từ tháng 3 năm 2022 phấn khởi cho biết: Gia đình chúng tôi vốn ở bản Hỉa (Trung Thành) nhà sát khe, sát hành lang đường Quốc lộ 48 có nguy cơ sạt lở, diện tích lại chật không có đất canh tác, mong muốn được chuyển về nơi ở mới. Nay được cấp ủy chính quyền tạo điều kiện lên khu tái định cư Piêng Luống, chúng tôi vui lắm. Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” có được một mảnh đất để ổn định lâu dài đâu phải dễ. Hơn nữa, ở đây địa hình bằng phẳng, cơ sở vật chất được Nhà nước đầu tư đầy đủ lại được hỗ trợ 15 triệu đồng để di dời, chúng tôi chỉ làm căn nhà kiên cố nữa là yên tâm an cư lạc nghiệp. Giờ trời mưa có thể yên giấc, không còn lo sạt lở phải chạy thoát thân lúc nào không hay nữa”, anh Gửi chia sẻ.

anh-1-6.jpg
Khu tái định cư Piêng Luống là nơi sinh sống của 50 hộ dân đến từ 7 bản ở xã Châu Thành (Quỳ Hợp); Gia đình chị Hà Thị Túc, anh Vi Văn Gửi chia sẻ niềm vui khi được về ở tại Khu tái định cư Piêng Luống. Ảnh: Phan Giang - Quỳnh An - K.L

Đối diện chếch về phía bên phải là ngôi nhà khang trang nhất, nhì khu tái định cư của chị Lương Thị Phúc (SN 1998) ở bản Trung Thành và chồng là anh Hà Văn Ngọ. Vợ chồng chị Phúc cùng 2 đứa con nhỏ lên Piêng Luống từ cuối năm 2021 nên mọi thứ đã dần ổn định, chị Phúc còn cải tạo khoảnh đất nhỏ sau nhà để trồng rau xanh, cải thiện cuộc sống. “ ở bản cũ vì không có đất nên chúng tôi sống chung với bố mẹ chồng và vợ chồng anh trai, nay được lên định cư xây dựng cuộc sống mới ở đây cả nhà rất phấn khởi, nhiều cảm xúc lắm…”.

Được biết, năm 2009 trên cơ sở được UBND tỉnh phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An triển khai Dự án Định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp theo Quyết định số 843/ QĐ- UBND ngày 18/3/2009. Theo đó, Dự án Định canh định cư Piêng Luống được kiểm tra khảo sát lập quy hoạch di dân nội vùng. Theo kế hoạch, khu tái định cư Piêng Luống xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp được triển khai xây dựng từ năm 2009-2011, với tổng nguồn vốn đầu tư của Trung ương và địa phương gần 18,7 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đưa 50 hộ dân với 217 nhân khẩu của 5 bản: Tiến Thành, Trung Thành, bản Cô, bản Bon và Na Án nằm trong vùng nguy cơ sạt lở của sông Dinh đến ở. Từ năm 2009 đã thực hiện triển khai thi công các hạng mục: San ủi mặt bằng, phân lô cho 50 hộ tại khu vực Piêng Luống, làm đường nội vùng, xây dựng hệ thống đường điện và 01 trạm biến áp, công trình hệ thống nước sinh hoạt tự chảy vào khu định canh định cư…

anh-2-5.jpg
Chị Lương Thị Phúc ở khu tái định cư Piêng Luống làm đất trồng rau. Ảnh: K.L

Tuy nhiên, sau hơn chục năm, quá trình thực hiện thi công do thiếu nguồn vốn đầu tư nên các hạng mục công trình tạm dừng thi công, dở dang trong thời gian dài. Đến năm 2019, công trình dự án Piêng Luống tiếp tục được triển khai thực hiện do Ban quản lý dự án của UBND huyện làm chủ đầu tư. Đến ngày 21/10/2021, Ban quản lý dự án đã bàn giao mặt bằng, khởi công xây dựng nhà ở trên khu tái định cư Piêng Luống, có 50 hộ được xét duyệt lại thuộc 7 bản gồm: bản Cô, Na Hán, Tiến Thành, Trung Thành, bản Cải, Chăm Hiêng, Bình Tiến… Theo ông Lương Văn Hải – Chủ tịch UBND xã Châu Thành: Các hộ dân ở khu tái định cư Piêng Luống được giao mỗi hộ từ 370-400m² đất, được hỗ trợ 15 triệu đồng tiền vận chuyển, di dời nhà ở. Bên cạnh đó, có 30/50 hộ đặc biệt khó khăn nhất được hỗ trợ một con bò sinh sản trị giá 15 triệu đồng/hộ. Đó là những hộ nghèo, gia đình đông anh em, con cái, hộ trong diện nhà ở có nguy cơ sạt lở thực sự có nhu cầu về đất ở. Hiện có 11 hộ đã dọn đến ở cố định, một số hộ đang xây dựng và đang hoàn thiện nhà ở.

anh-3-3.jpg
Lãnh đạo xã Châu Thành kiểm tra tiến độ xây dựng nhà ở Khu tái định cư Piêng Luống; Ông Lô Văn Tịnh trao đổi với lãnh đạo xã Châu Thành về niềm vui khi được đến ở nơi đây. Ảnh: K.L

Việc đưa công trình dự án Khu tái định cư Piêng Luống vào sử dụng sẽ tiếp tục phục vụ tốt công tác di dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở, giải quyết vấn đề thiếu chỗ ở cho nhân dân địa phương. Như trường hợp gia đình ông Kim Văn Thiện ở bản Cải, gia đình gồm 5 người là một trong những hộ đầu tiên lên khu tái định cư dựng nhà ở từ tháng 10/2021. “Trước đây, gia đình em ở ven suối, mỗi khi mưa lũ về lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo sạt lở, giờ được lên đây sinh sống, không còn phải thấp thỏm nữa…”, em Kim Văn Quảng (SN 2000) con trai ông Thiện cho biết.

Còn với ông Lô Văn Tịnh, vốn sức khoẻ yếu do ảnh hưởng chất độc da cam, gia đình thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn ở thôn Tiến Thành thì việc được tạo điều kiện lên ở khu tái định cư Piêng Luống, còn được hỗ trợ 1 con bò giống để tạo sinh kế là “một giấc mơ có thật”. “Về đây mọi thứ đều thuận lợi, hiện gia đình chúng tôi đang trong quá trình xây dựng nhà ở, bò vẫn gửi ở nơi ở cũ, làm nhà cửa xong xuôi thì yên tâm an cư lạc nghiệp thôi”, ông Tịnh bày tỏ.

anh-4-2.jpg
Nhiều ngôi nhà mới đã mọc lên ở Khu tái định cư Piêng Luống; Một số hộ dân ở khu tái định cư Piêng Luống đã tự đào ao cá, tăng gia sản xuất sinh sống dần ổn định tại đây. Ảnh: Quỳnh An - Khánh Ly
tieu-de-2-ngang-doc-5.jpg

Bên cạnh niềm vui về nơi ở mới, người dân khu tái định cư Piêng Luống cũng chia sẻ nhiều băn khoăn, trăn trở bởi hệ thống nước hiện nay chưa ổn định. “Sau các đợt mưa lũ đường ống bị hư hỏng nên nước sạch thỉnh thoảng bị mất, phải xin nước nguồn của dân bản, nước mới có lại thời gian gần đây thôi”, chị Lương Thị Phúc – một hộ dân đã sinh sống ổn định tại khu tái định cư Piêng Luống cho biết.

Ông Lăng Thế Mỹ – Phó Chủ tịch UBND xã Châu Thành xác nhận: Sau các đợt mưa bão, xã đã cử đoàn kiểm tra công trình nước sinh hoạt tự chảy khu định cư Piêng Luống, nhận thấy đập tràn chứa nước bị đất đá, cát vùi lấp 70% thân đập. 2 bể lọc bùn và bể hút nước đầu nguồn dẫn vào đường ống đi về các bể chính bị đất, cát, rác thải vùi lấp trên 60%, dẫn đến đường ống dẫn nước bị tắc không thể dẫn nước về theo đường ống và các bể chính. Đường ống dẫn nước (dài khoảng 3,9km) bị đứt gãy 3 đoạn do được bắc qua các sườn đồi và sườn núi đá có độ dốc đứng, không có điểm tựa vững chắc nên liên tục bị hư hỏng sau các đợt mưa lũ.

Về mặt bằng, xung quanh bờ bao có xảy ra sạt lở một số điểm như sau: Tại vị trí lô đất ở hộ ông Lương Văn Xuân có xói lở bờ bao rộng 2m, sâu 1,5m. Tại vị trí lô đất sân vận động khu tái định cư Piêng Luống có xói lở bờ bao 02 điểm, mỗi điểm rộng 1m, sâu 1m. Chính quyền địa phương đã làm văn bản báo cáo kiến nghị UBND huyện Quỳ Hợp cử đoàn kiểm tra thực địa Công trình nước sinh hoạt tự chảy khu tái định cư Piêng Luống, đồng thời có biện pháp lập phương án, dự toán sửa chữa. Sau hơn 2 tháng mất nước thì hiện nay, công trình nước đã được sửa chữa, nước đã về lại.

anh-5-1.jpg
Hiện tượng sạt lở ở khu tái định cư Piêng Luống khiến người dân lo lắng. Ảnh: KL

Tuy nhiên, để đảm bảo ổn định lâu dài, hiện tại ở khu tái định cư Piêng Luống đã có 4 bể chứa nước nên người dân ở khu tái định cư mong muốn được hỗ trợ 1 vài giếng khoan để dự phòng sự cố vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, người dân còn lo lắng về hiện tượng xói lở ở xung quanh khi mưa bão về. Hiện 4 hộ có hiện tượng bị sạt lở đất và hộ anh Hà Văn Hiếu nhà mới xây dựng xong có hiện tượng bị nứt nên chưa dám vào ở. Theo quan sát của chúng tôi, vết nứt khá rộng chạy dọc từ sân xuyên qua sân, qua trong nhà xuyên ra phía sau. Phần cột nhà cũng bị nứt toác theo chiều dọc, lộ móng nhà. Không chỉ vết nứt ở trong nhà, điều khiến gia đình anh Hiếu lo lắng hơn chính là phần bờ kè sau lưng gia đình anh đã xuất hiện vết nứt rộng với cung trượt khoảng 80-100. Chỗ nứt rộng nhất gần 30cm, sâu từ 0,5m – 1m. Mưa dài ngày khiến phần đất gần các hộ phía sau nhà anh Hiếu cũng có hiện tượng sạt lở, kéo theo cả phần bờ rào của người dân bị trụt xuống vùi trong đất đá.

Trước hiện tượng sạt lở trên, không chỉ những người dân khu tái định cư Piêng Luống, xóm Tiến Thành mà cả những cán bộ xã Châu Thành cũng mong muốn UBND huyện và Ban quản lý dự án sớm có phương án giải quyết khắc phục để bà con yên tâm sinh sống lâu dài. “ Phương án tốt nhất là nên xây kè để ngăn sạt lở”- một cán bộ xã Châu Thành bày tỏ.

anh-6.jpg
Sau các đợt mưa lũ khu tái định cư Piêng Luống có chỗ bị sạt lở; Các vết nứt chạy dọc nhà một hộ dân ở khu tái định cư Piêng Luống. Ảnh: K.L - Quỳnh An

Bên cạnh đó, có một thực tế là hiện nay đường giao thông lên Piêng Luống dài khoảng 100m bị xói mòn, trơn trượt, đi lại khá khó khăn, trong khi các hộ dân chủ yếu là gia đình trẻ có con nhỏ. Học sinh ở khu tái định cư phải xuống phía dưới xã để học nên người dân mong muốn được tu sửa đường xá để thuận lợi hơn trong việc đi lại. “Ở khu tái định cư, đàn ông đi làm ăn xa, phụ nữ ở nhà. Như gia đình tôi có 2 con nhỏ, hàng ngày tôi phải đi về mấy chuyến để chở các cháu đi học, đường mưa thì trơn, nắng thì bụi, ngã mấy lần rồi nên tôi mong muốn hệ thống đường giao thông thuận tiện hơn để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, khu tái định cư Piêng Luống ở biệt lập trên đồi cao, nên cư dân chúng tôi cũng mong có nguồn hỗ trợ nhà sinh hoạt cộng đồng để đảm bảo nhu cầu các hoạt động tập thể của người dân theo cụm, có hệ thống điện đường chiếu sáng nơi hệ thống đường đi lối lại trong khu ”- chị Lương Thị Phúc bày tỏ.

Lãnh đạo xã Châu Thành cho biết: Chia sẻ khó khăn với người dân khu tái định cư, chính quyền xã đã có kế hoạch đầu tư 500 triệu đồng để hoàn thiện đường giao thông lên Piêng Luống giúp bà con an cư lạc nghiệp. Hiện, ngoài số hộ đã sinh sống ổn định, còn khoảng 15 hộ vẫn đang trong thời gian xây dựng, hoàn thiện nhà cửa và một số hộ đi làm ăn xa, theo mốc thời gian đến hết tháng 12 năm nay hộ nào không lên ở thì sẽ bình xét cho hộ khác lên. Dự kiến, sau khi hoàn thiện và đi vào ổn định, chính quyền địa phương sẽ sáp nhập cụm Piêng Luống vào bản Tiến Thành.

Dẫu còn đó những bộn bề khó khăn, nhưng niềm hy vọng về cuộc sống mới đã được thắp sáng ở khu tái định cư Piêng Luống. Cư dân ở đây tuy đến từ nhiều thôn, bản khác nhau của xã Châu Thành, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn nhưng có tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau an cư lạc nghiệp, hướng về cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc hơn.

anh-cuoi.jpg
Khung cảnh yên bình ở khu tái định cư Piêng Luống. Ảnh: Quỳnh An
  • Nội dung: Khánh Ly - Quỳnh An
  • Ảnh: Khánh Ly - Quỳnh An
  • Thiết kế - Kỹ thuật: Nam Phong