Chiều 15/4, các đại biểu Quốc hội: Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội; Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An; Hoàng Thị Thu Hiền - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Quỳnh Lưu.
Cùng tham gia hội nghị có lãnh đạo Sở Xây dựng, Nội vụ, Y tế, Tài nguyên và Môi trường và huyện Quỳnh Lưu.
.jpg)
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Phú Bình - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội thông tin tới cử tri dự kiến nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Đa số cử tri và nhân dân đồng tình cao với chủ trương của Trung ương về sắp xếp tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả. Sáp nhập một số tỉnh, bỏ đơn vị hành chính trung gian cấp huyện, tiếp tục sáp nhập cấp xã.
Tuy nhiên, cử tri là cán bộ, công chức đề nghị sau khi bỏ đơn vị hành chính trung gian cấp huyện, tiếp tục sáp nhập cấp xã thì cần tiếp tục có kế hoạch sử dụng, bố trí đội ngũ cán bộ công chức huyện.
Cử tri và nhân dân băn khoăn một số trụ sở sau sáp nhập, giải thể không tiếp tục sử dụng, gây lãng phí tài sản công, nhân dân đi làm thủ tục hành chính phải đi xa so với hiện nay.
Ý kiến cử tri đề nghị Trung ương có quy định cụ thể về độ tuổi, bằng cấp, số lượng, chế độ chính sách đối với cán bộ thôn. Vì hiện nay cán bộ cấp thôn chủ yếu là những người tuổi cao, không có bằng cấp, không sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, nên ảnh hưởng lớn đến thực thi nhiệm vụ được giao.

Liên quan đến chế độ chính sách cho cán bộ bán chuyên trách sau sắp xếp đơn vị hành chính, cử tri Hồ Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Quỳnh Lưu bày tỏ băn khoăn chế độ của đội ngũ không chuyên trách theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 29/2023/NĐ/CP. Cụ thể, đội ngũ không chuyên trách của các tổ chức đoàn thể khác có khoảng thời gian đủ dài nhưng đối với đội ngũ không chuyên trách của phụ nữ lại còn rất ngắn (không đủ 12 tháng). Vì vậy, cử tri đề nghị, để tạo sự công bằng, đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ không chuyên trách cấp xã, đại biểu Quốc hội xem xét có ý kiến với cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu phương án phù hợp cho đội ngũ không chuyên trách, nhất là tổ chức Hội phụ nữ để trình Quốc hội.

Về lĩnh vực kinh tế, đất đai, cử tri huyện Quỳnh Lưu phản ánh hiện nay giá muối xuống thấp, hạ tầng phục vụ vùng sản xuất muối xuống cấp. Cử tri đề nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ nghề sản xuất muối, cũng như đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất muối.
Cử tri cũng đề nghị Trung ương cho phép quy hoạch những vùng đất sản xuất kém hiệu quả, sâu trũng sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây hàng năm, nhằm không để lãng phí tài nguyên và phát huy hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Cử tri Lê Anh Tuấn, xã Bình Sơn (Quỳnh Lưu) phản ánh Luật Đất đai còn nhiều vướng mắc, bất cập khi xác định nguồn gốc đất chuyển đất vườn sang đất ở, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi tạo thuận lợi, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Về vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, cử tri đề nghị Quốc hội quan tâm tình hình lao động, việc làm; điều chỉnh tiền lương mới, lương hưu, đảm bảo mức sống cho đối tượng hưởng lương hưu, có chính sách để người có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp phát triển kinh tế, xây dựng nhà ở.

Liên quan đến lĩnh vực Giáo dục – Đào tạo và dạy nghề, cử tri phản ánh chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động còn nhiều bất cập; dạy nghề chưa gắn với tạo việc làm.
Bên cạnh đó, khi Thông tư số 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, các phụ huynh có con đang học cuối cấp rất lo lắng vì hiện tại việc học thêm bổ sung kiến thức cho các con bị gián đoạn, trong khi năm nay là năm đầu tiên thực hiện việc thi theo chương trình mới... Bởi vậy, nhiều phụ huynh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tiếp tục cho học sinh được học tăng buổi tại trường; nghiên cứu thống nhất một bộ sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, tránh gây lãng phí.
Cử tri đề nghị bỏ giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh lên tuyến trên, đối với người bị bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo đề nghị bảo hiểm chi trả 100% BHYT...

Ngoài ra, cử tri phản ánh tình trạng mất an toàn thực phẩm trước cổng trường học, sử dụng thuốc trừ sâu quá mức, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân; đề nghị cơ quan chức năng quan tâm xử lý các trường hợp cho vay nặng lãi, tín dụng đen, lừa đảo trên không gian mạng...
Ý kiến kiến nghị của cử tri đã được đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện Quỳnh Lưu tiếp thu, giải trình theo thẩm quyền.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, đại biểu Thái Thị An Chung trả lời những nội dung thuộc thẩm quyền, đồng thời, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổng hợp các ý kiến, kiến nghị khác của cử tri để chuyển đến Chính phủ, Quốc hội và các cấp, ngành liên quan xem xét, giải quyết đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi chính đáng của cử tri.
Thanh Lê