Là một huyện miền núi, vùng cao phía Tây Nghệ An, cách thành phố Vinh gần 200km, với diện tích tự nhiên là 2.812,07 (chiếm 17% diện tích toàn tỉnh), địa hình bị chia cắt, giao thông đi lại còn khó khăn, là địa bàn sinh sống của 06 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Thái, Mông, Tày poọng, Ơ đu, Kinh, Khơ Mú; là huyện nghèo được thụ hưởng các chế độ chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Huyện Tương Dương nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền các cấp cũng như sự quan tâm của Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Nghệ An trong giải quyết ý kiến kiến nghị cử tri, tháo gỡ những khó khăn trong đời sống kinh tế - xã hội của cử tri, Nhân dân địa phương

Năm 2021, Dân số của huyện là 78.717 người, tỷ lệ hộ nghèo 39,18%;100% xã, thị trấn đã có điện lưới quốc gia; 140/146 thôn bản với 18.311 hộ có điện, chiếm 97,1% tổng số hộ trên toàn huyện; 17/17 xã có đường giao thông vào trung tâm (trong đó còn 03 xã chưa có đường giao thông đi về nội huyện với khoảng cách về trung tâm huyện là 164km); có 137/146 bản có đường giao thông đến trung tâm xã (93,8%); Có 16/17 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về Y tế (94,1%); Có 27/54 trường học đạt chuẩn Quốc gia; 138/146 bản có Nhà Văn hóa cộng đồng, 13/17 xã có Nhà Văn hóa xã, có 4 xã có thiết chế văn hóa thông tin đạt chuẩn. Có 05 Nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, với tổng công suất 472 MW, sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 1,4 tỷ kWh

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, UBND huyện và UB MTTQ huyện Tương Dương đã phối hợp với Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri trực tiếp 2 cuộc (vận động bầu cử và trước kỳ họp thứ 2) với 13 lượt ý kiến và 372 lượt người tham dự, đồng thời thông tin đầy đủ nội dung các kỳ họp và kết quả kỳ họp, báo cáo giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri để Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ huyện báo cáo toàn thể cử tri. Ý kiến của các cử tri huyện Tương Dương chủ yếu liên quan những khó khăn, vướng mắc trong chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng; giải quyết chế độ bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư xây dựng các nhà máy thủy điện, phát triển kinh tế nông nghiệp; đầu tư xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng: điện, đường giao thông, trường học, nước sinh hoạt, công trình nông thôn mới.

994f9085e3fa22a47beb.jpg
Đồng chí Kha Văn Ót, Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương phát biểu tham luận tại Hội nghị nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội diễn ra ngày 18/4/2022 tại thành phố Vinh

Thực tế hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trong thời gian qua cho thấy nhiều địa phương đã tổ chức tiếp xúc cử tri nghiêm túc, có chất lượng, đa số ý kiến cử tri đồng tình với cách giải quyết và trả lời của các cơ quan hữu quan. Điều này xuất phát từ công tác phối hợp chặt chẽ giữa Thường trực HĐND huyện với Ủy ban MTTQ, UBND huyện các cơ quan đơn vị liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại địa phương, thể hiện ở các nội dung sau:

- Trước khi tổ chức tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND huyện, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện chỉ đạo Ủy ban MTTQ, HĐND các xã, thị trấn khảo sát nhằm nắm vững ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri trên địa bàn để tổng hợp báo cáo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội. Đây là một kênh thông tin góp phần giúp cho việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri linh hoạt, phù hợp với tình hình địa phương.

- Với đặc thù là một huyện miền núi, địa bàn chia cắt, diện tích tự nhiên tương đối lớn, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, một số nơi xa trung tâm huyện thị nên việc xây dựng kế hoạch tiếp xúc cử tri luôn được cụ thể, chi tiết, bố trí thời gian, địa điểm phù hợp để cử tri có điều kiện tham gia. Địa điểm tiếp xúc cử tri được bố trí tại thị trấn trung tâm huyện hoặc các xã có địa bàn thuận lợi nằm dọc tuyến Quốc lộ 7A, đồng thời để đảm bảo chấp hành các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid – 19, đối tượng tham gia tiếp xúc cử tri chủ yếu là đại diện cấp ủy, Thường trực HĐND – UBND cấp huyện, xã, Bí thư, Trưởng các thôn bản và cử tri sinh sống trên địa xã được tổ chức tiếp xúc cử tri.

- Các tài liệu có liên quan đến cuộc tiếp xúc cử tri được chuyển cho Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đúng thời gian quy định, sau đó Thường trực HĐND - UBND huyện, Ủy ban MTTQ huyện thống nhất thời gian địa điểm TXCT và thông báo cho cơ sở biết. Tại địa phương nơi TXCT ngoài việc thông báo mời bằng văn bản gửi đến UBND, Ủy ban MTTQ các cấp, các cơ quan, ban ngành liên quan, đặc biệt là Bí thư, Trưởng ban công tác mặt trận cấp bản, lịch TXCT còn được thông báo đến toàn thể cử tri trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo công tác tuyên truyền về các cuộc TXCT với đại biểu Quốc hội cũng được cấp ủy, chính quyền huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Mọi thông tin về cuộc TXCT, nội dung phản ánh được phân loại có chọn lọc để cung cấp đầy đủ, rộng rãi đến cử tri qua hệ thống loa phát thanh xã, mạng xã hội;.... Các tin bài về cuộc tiếp xúc cử tri, diễn biến và kết quả sau tiếp xúc cử tri, thông tin về các kỳ họp của Quốc hội cũng được chỉ đạo đăng tải rộng rãi. Nhờ đó góp phần làm tăng sự quan tâm của cử tri đến các cuộc TXCT, hoạt động của đại biểu Quốc hội, đồng thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng từ đó được phản ánh có trọng tâm trọng điểm và đúng thẩm quyền hơn; góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của các cuộc TXCT. Hơn nữa còn tạo ra tình cảm mong chờ, hướng tới cuộc TXCT như là một cuộc gặp gỡ chia sẻ của cử tri với đại biểu Quốc hội và của đại biểu Quốc hội với cử tri, làm tăng tính gắn kết giữa các cấp chính quyền với Nhân dân. Cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng vì thế quan tâm hơn việc xác định, tổng hợp, sàng lọc các ý kiến cử tri địa phương mình gửi đến đại biểu; giúp cho cuộc TXCT tập trung và có chất lượng, không chồng chéo nội dung với các cuộc TXCT của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã.

Trong thời gian qua, kỳ tiếp xúc cử tri vận động bầu cử mặc dù được tiến hành trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng vẫn nhận được sự theo dõi tích cực và tham gia của đông đảo cử tri thuộc các độ tuổi, tầng lớp lao động khác nhau, có nhiều ý kiến, kiến nghị được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội, thể hiện sự tín nhiệm đối với các vị đại biểu và kỳ vọng của Nhân dân vào một nhiệm kỳ mới.

- Ngoài ra, cách thức điều hành buổi tiếp xúc linh hoạt, người điều hành định hướng nội dung của từng đợt TXCT phù hợp, có thể gợi mở vấn đề để cử tri tham gia. Quá trình tiếp xúc cử tri tại các địa phương có nhiều vấn đề bức xúc cần mời đại diện lãnh đạo các ban, ngành cùng tham dự để nắm bắt, trả lời và làm sáng tỏ thêm những vấn đề mà cử tri kiến nghị. Tại cuộc tiếp xúc cử tri có sự tham gia của đại biểu chính quyền địa phương để giải đáp, giải quyết tại chỗ những vấn đề thuộc thẩm quyền, vừa tạo tâm lý thoải mái trong cử tri vừa thuận lợi trong việc tiếp thu, phân loại ý kiến, kiến nghị cử tri.

Chính nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên cùng với sự tận tâm, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội cùng sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND, UBND, MTTQ các cấp, công tác tiếp xúc cử tri được tiến hành một cách khoa học, hiệu quả, nhận được sự tham gia tích cực của các cử tri trên địa bàn. Hội nghị tiếp xúc cử tri thực sự trở thành cầu nối giữa các vị đại biểu Quốc hội với cử tri và chính quyền địa phương, nơi mà tâm tư, nguyện vọng của cử tri, Nhân dân, những vấn vấn đề cấp thiết được phản ánh một cách cụ thể, sinh động nhất.

Đáp lại sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh đầy đủ đến các cơ quan, chức năng trả lời, giải quyết trước các kỳ họp. Sau các kỳ họp, Văn phòng Đoàn đại biểu QUốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh thông tin đầy đủ đến UBND, Thường trực HĐND, Ủy Ban MTTQ huyện về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri cũng như thông báo kết quả kỳ họp thông qua hình thức gián tiếp bằng văn bản.

Công tác TXCT thời gian qua đã góp phần tích cực trong thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cũng như đại biểu HĐND các cấp, tuy nhiên còn tồn tại một số hạn chế như đối tượng tham gia chưa phong phú; các cuộc tiếp xúc cử tri thường chỉ được tổ chức trước và sau kỳ họp, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, theo lĩnh vực còn hạn chế; công tác giám sát, đôn đốc giải quyết các ý kiến, kiến nghị được cử tri quan tâm liên quan đến cơ chế, chính sách mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chậm được giải quyết. Đối với địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc tổ chức tiếp xúc cử tri gặp trở ngại do cử tri chưa thông thạo tiếng phổ thông nên khó khăn trong việc diễn đạt tâm tư, nguyện vọng của mình; dịch bệnh Covid – 19 ảnh hưởng đến điều kiện tổ chức tiếp xúc cử tri bằng hình thức hội nghị, trực tiếp.

Từ thực tiễn cho thấy hiệu quả của công tác TXCT phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong thời gian tới cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và chính quyền địa phương, Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri như:

- Thứ nhất, tăng số điểm tiếp xúc cử tri, đa dạng hóa thành phần tiếp xúc cử tri theo ngành, nghề lĩnh vực, đối với những địa bàn có người dân tộc thiểu số cần có người thông thạo tiếng dân tộc thiểu số địa phương hỗ trợ và có thể trực tiếp khảo sát tận các bản, làng để tổng hợp đầy đủ tình hình thực thế cơ sở.

- Thứ hai, thường xuyên giữ mối liên hệ giữa Đoàn đại biểu Quốc hội với chính quyền, Ủy Ban MTTQ địa phương để trao đổi thông tin tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, những nhu cầu chính đáng, tâm tư nguyện vọng của cử tri, đặc biệt nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của Nhân dân toàn diện về vật chất, tinh thần.

- Thứ ba, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội trong phân loại và chuyển ý kiến, kiến nghị đúng địa chỉ, khi xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải quan tâm đến những vấn đề bức xúc, những vấn đề đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết, đồng thời phải tuân thủ các yêu cầu: đầy đủ, chính xác để chuyển ý kiến, kiến nghị tới đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Thứ tư, Thường trực HĐND, Ủy ban MTTQ các cấp tăng cường hoạt động giám sát trong giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, đặc biệt các ý kiến được nhiều cử tri quan tâm, bức thiết với đời sống; đồng thời giữ mối liên hệ thường xuyên với Đoàn đại biểu Quốc hội trong giải quyết ý kiến kiến nghị cử tri giữa các kỳ họp Quốc hội. Đối với những ý kiến trả lời giải quyết chưa thỏa đáng, cần tiếp tục kiến nghị cơ quan thẩm quyền tiếp tục chỉ đạo giải quyết.

- Thứ năm, ứng dụng công nghệ thông tin vào tiếp xúc cử tri để đáp ứng linh hoạt với tình hình, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh covid – 19 như TXCT trực tuyến, đồng thời có ứng dụng hoặc trang thông tin điện tử để theo dõi giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri để cử tri có thể chủ động quan tâm, theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri của các cơ quan có thẩm quyền.

Tiếp tục phát huy công tác phối hợp và thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần nâng cao chất lượng TXCT của đại biểu Quốc hội, góp phần giữ vững và tăng cường lòng tin của quần chúng Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Kha Văn Ót

Phó Chủ tịch HĐND huyện Tương Dương