Do đó, cần có những giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế, góp phần đảm bảo công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Tình trạng thiếu thuốc diễn ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn bàn tỉnh

Thực trạng công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế

Trong thời gian qua, công tác mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế và hoạt động khám chữa bệnh luôn được các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở y tế quan tâm thực hiện. Thực tế cho thấy việc đầu tư mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã cơ bản đảm bảo đúng quy định, được quản lý và sử dụng chặt chẽ, phát huy tối đa hiệu quả, công năng sử dụng, từ đó đã đảm bảo khá tốt cho công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Về công tác mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế

Việc đầu tư mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế cơ bản đảm bảo đúng quy định; thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở y tế cơ bản được đảm bảo cho công tác khám chữa bệnh; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập phần nào đã được khắc phục. Hiện nay việc mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo các hình thức: mua sắm tập trung (cấp địa phương, cấp quốc gia) và mua sắm riêng lẻ tại đơn vị.

Đối với việc mua sắm tập trung cấp địa phương: Năm 2022 Sở Y tế đã tổ chức mua sắm tập trung cấp địa phương đối với 129 hoạt chất thuộc danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương, kết quả đấu thầu sử dụng trong 2 năm 2023 - 2024. Hiện tại, Sở Y tế đang tham mưu danh mục mua sắm tập trung cấp địa phương đối với thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Ung bướu

Đối với việc mua sắm riêng lẻ tại đơn vị: Các đơn vị thực hiện mua sắm đối với các thuốc, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế không có trong danh mục mua sắm tập trung, hoặc có trong danh mục mua sắm tập trung nhưng có văn bản hướng dẫn việc mua sắm của đơn vị mua sắm tập trung. Các đơn vị đã bám sát các quy định, chủ động, tích cực trong việc thực hiện quy trình mua sắm cũng như huy động các nguồn kinh phí để mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Việc đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đều đạt kết quả tích cực, tỷ lệ trúng thầu đạt trên 70%, việc cung ứng hàng hóa của các đơn vị trúng thầu cơ bản được thực hiện kịp thời. Hiện nay, số thuốc, hóa chất vật tư, thiết bị y tế cơ bản đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh; ngoài ra các cơ sở y tế đang tiếp tục triển khai các gói thầu để kịp thời mua sắm thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ hoạt động của đơn vị.

Về công tác quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế

Công tác quản lý, sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế sau đầu tư, mua sắm được thực hiện đúng quy định. Hầu hết các đơn vị đều đã ban hành quy trình, quy chế quản lý, sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế nhằm đảm bảo thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các đơn vị.

Đối với quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, hóa chất: Tại các đơn vị khám chữa bệnh đều có Hội đồng thuốc và điều trị, bộ phận dược lâm sàng của Khoa Dược. Việc sử dụng thuốc tuân theo các hướng dẫn, các quy định của Bộ Y tế…..Các đơn vị có quy trình kiểm nhập, quy định phân công nhiệm vụ rõ ràng việc kiểm nhập hàng hóa. Các hàng hóa trước khi sử dụng đều được kiểm tra đúng theo kết quả trúng thầu, đầy đủ số lượng theo hóa đơn và nhập vào hệ thống phần mềm quản lý của đơn vị.

Đối với quản lý và sử dụng thiết bị y tế: Các thiết bị y tế sau khi được đầu tư, mua sắm, trang bị, cơ bản đã được các cơ sở y tế đưa vào quản lý và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, phân công cụ thể cho cán bộ, nhân viên phụ trách quản lý, sử dụng đối với từng loại thiết bị. Hằng năm, các trang thiết bị của các cơ sở y tế đều được kiểm tra, kiểm định đánh giá chất lượng, bảo trì, sửa chữa; đồng thời duy trì công tác rà soát, kiểm kê theo quy định.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Tình trạng cục bộ thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị bệnh; việc triển khai và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới tại các cơ sở y tế và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh nhất nhà người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế.

Nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An

Việc bảo dưỡng định kỳ, sữa chữa trang thiết bị y tế hiện đại tại các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Nhiều thiết bị cũ, hư hỏng, sữa chữa nhiều lần hết, thời gian khấu hao nhưng chưa được thanh lý, thay thế kịp thời; có những thiết bị mặc dù hư hỏng nhưng không được sữa chữa kịp thời gây ra lãng phí kéo dài.

Một số mặt hàng vật tư trúng thầu chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng tốt cho yêu cầu chuyên môn. Việc triển khai mua sắm thuốc, vật tư, nhất là mua sắm trang thiết bị có nhiều khó khăn, quy trình mua sắm kéo dài.

Ngoài ra, công tác đấu thầu đang gặp nhiều khó khăn, như: có sự chênh lệch về giá của cùng một mặt hàng giữa các sơ sở y tế về, gây ra sự bất cập trong thực hiện kết quả lựa chọn nhà thầu, thanh toán bảo hiểm y tế; tình trạng nhiều mặt hàng không lựa chọn được nhà thầu ảnh hưởng đến việc đảm bảo thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại các bệnh viện; các nhà thầu cung ứng nhỏ giọt và thường xuyên gián đoạn cung ứng; khó khăn trong việc xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật tại hồ sơ mời thầu; việc xây dựng giá gói thầu còn vướng mắc do khó khăn trong việc tra cứu kết quả trúng thầu;...

Nguyên nhân là do lĩnh vực đấu thầu là lĩnh vực đa ngành, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản pháp luật có liên quan điều chỉnh. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy định có nhiều thay đổi, một số nội dung vướng mắc chưa được quy định rõ,…dẫn đến khó khăn khi triển khai thực hiện. Mô hình bệnh tật thay đổi liên tục, không thể dự đoán được, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch mua sắm phù hợp, sát với nhu cầu hoạt động của đơn vị. Một số đơn vị chưa kịp thời, chủ động trong công tác mua sắm, lập kế hoạch mua sắm chưa sát với nhu cầu, thiếu tính dự báo; thời gian chuẩn bị, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn kéo dài.

Thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế gây khó khăn cho cả người dân và bệnh viện (Một ca ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh)

Cán bộ phụ trách thực hiện công tác đấu thấu tại các cơ sở y tế còn thiếu, chủ yếu kiêm nhiệm, không có chuyên môn, nghiệp vụ trong đấu thấu; năng lực, kinh nghiệm đấu thầu còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Ngoài ra, tâm lý e ngại của các cá nhân tham gia công tác đấu thầu từ đơn vị khám chữa bệnh đến các cơ quan thực hiện thẩm tra, phê duyệt đã ảnh hưởng đến việc thực hiện quy trình đấu thầu, mua sắm của các đơn vị..

Giải pháp trong thời gian tới

Để đảm bảo thuốc, vật tư, thiết bị y tế cho công tác khám chữa bệnh, hạn chế tình trạng thiếu cục bộ như hiện nay, các bệnh viện đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời tham mưu, ban hành các quy định, văn bản hướng dẫn trong đó hướng dẫn cụ thể một số nội dung còn vướng mắc trong thực tiễn như: xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật của các mặt hàng vật tư, thiết bị y tế, xây dựng cấu hình thiết bị y tế; cho phép các bệnh viện được áp giá kết quả trúng thầu, số lượng mua sắm theo nhu cầu thực tế;... Ngoài ra, lập và duy trì trang web công khai giá trúng thầu thuốc, giá thiết bị y tế trúng thầu; công khai danh mục, số lượng, tính năng của hàng hóa trúng thầu để các đơn vị có cơ sở tra cứu; có chính sách quản lý giá nhập khẩu, giá bán thương mại và giá dự thầu ở các đơn vị trên phạm vi toàn quốc để đảm bảo tính thống nhất; thành lập các đơn vị thẩm định giá chuyên ngành, thành lập và xây dựng các phương án quản lý đơn vị tư vấn đấu thầu.

UBND tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành tỉnh có liên quan phối hợp giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, quản lý và sử dụng thuốc, vật tư, thiết bị y tế, đặc biệt là trong công tác thẩm định phê duyệt kế hoạch mua sắm, đấu thầu cho các đơn vị. Nghiên cứu thành lập Trung tâm mua sắm tập trung của tỉnh; rà soát lại việc phân cấp thẩm quyền quyền quyết định mua sắm cho thủ trưởng các đơn vị đối với các mặt hàng thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế theo hướng đẩy mạnh phân cấp và tạo điều kiện cho các đơn vị chủ động, thuận lợi trong việc mua sắm đấu thầu các hạng mục cấp thiết kịp thời.

Đồng thời, phân công trách nhiệm của các sở, ngành có liên quan trong việc tham mưu UBND tỉnh phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Kịp thời ban hành quy trình chuẩn trong việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trong đó quy định thời gian tiếp nhận và xử lý hồ sơ, tránh để thời gian kéo dài ảnh hưởng đến việc mua sắm đảm bảo thuốc, vật tư, thiết bị y tế của các đơn vị;…/.