Phòng cháy phải bắt đầu từ ý thức đến quyết tâm và hành động

Tham gia thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An, Quảng Ngãi) về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong phiên họp chiều nay, 19.6, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, vừa qua chúng ta đã có nhiều phong trào rất tốt huy động toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy.

Ví dụ như, Nghệ An có mô hình "Mỗi gia đình một phương tiện thiết yếu"; và qua kinh nghiệm phòng cháy, chữa cháy, nhiều nơi rút ra kinh nghiệm "phải có vòi nước trên tường". Hay, nhiều địa phương có phong trào "phòng cháy, chữa cháy". Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa phòng cháy, chữa cháy vào chương trình học "phụ khóa", nhưng thực tế nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, nội dung này phải là chương trình học "chính khóa"…

qh-19022-1718794293300.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu

Nêu vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, ban soạn thảo tiếp thu, cùng thống nhất xem xét, bổ sung, hoàn thiện các quy định này, với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về phòng cháy, chữa cháy. Đây là nội dung rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân.

Về phạm vi điều chỉnh đã được thể hiện rất rõ trong dự thảo Luật, tuy nhiên, quá trình thẩm tra cũng có ý kiến cho rằng, nội dung về cứu hộ, cứu nạn trong dự thảo Luật có chồng chéo với lực lượng phòng thủ dân sự hay không? Và thực tế, qua rà soát cho thấy, không trùng lặp giữa hai lực lượng này, bởi khi kích hoạt phòng thủ dân sự, thì chức năng chỉ huy thuộc về Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự.

Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, phạm vi của dự thảo Luật cần quy định cụ thể là cứu hộ, cứu nạn trong phòng cháy, chữa cháy và sự cố tai nạn thông thường, còn liên quan đến sự cố có khả năng là thảm họa thì phải kích hoạt phương án của phòng thủ dân sự.

Lưu ý, cũng có trường hợp phòng thủ dân sự tham gia trực tiếp ngay từ đầu trong phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn với sự cố tai nạn bình thường, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong dự thảo Luật phải thể hiện được sự giao thoa này, nhưng không được chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các lực lượng, nhất là trong chỉ huy, điều hành; đặc biệt khi kích hoạt tình huống phòng thủ dân sự thì cần làm rõ "ai chỉ huy, ai phối hợp”.

Đối với điều kiện, tiêu chí, nội dung quy hoạch về phòng cháy, chữa cháy, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quan trọng là phòng cháy và "phòng" phải bắt đầu từ ý thức đến quyết tâm, hành động. "Phòng được thì các sự cố xảy ra sẽ nhỏ đi, không uy hiếp lớn đến tính mạng và tài sản của người dân".

Về chữa cháy, dự thảo Luật đang quy định các giải pháp để chữa cháy một cách nhanh nhất có thể; và khi chữa cháy được rồi, thì phải rút kinh nghiệm, có định hướng về quy hoạch, tiêu chí, điều kiện của phòng cháy, chữa cháy, nhất là liên quan đến quy hoạch ngành, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, điều kiện phòng cháy với từng loại hình cơ sở phải rõ, nhất là nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, bởi thực tế cho thấy, hầu hết những nơi này đều không bảo đảm yêu cầu phòng cháy.

Trong dự thảo Luật hiện mới có 2 khoản quy định về giải pháp ngăn cháy lan; quy định nơi ở riêng, nơi kinh doanh riêng. Tuy nhiên, quy định như vậy liệu đã hợp lý chưa? Nêu vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, nên quy định rõ loại nhà ở thế nào, diện tích bao nhiêu, kết cấu công trình thế nào, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy ra sao mới được kinh doanh? Và khu dân cư nào, mật độ dân số ra sao, các điều kiện phòng cháy, chữa cháy như thế nào mới được kinh doanh? Hay loại hình kinh doanh nào vừa được ở, vừa kinh doanh, mật độ bố trí hàng hóa như thế nào để khi xảy ra cháy thì có thể nhanh chóng chữa cháy được mà không trở thành thảm họa, mất nhiều người.

qh-19023-1718794432969.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 3. Ảnh: Khánh Duy

“Văn hóa nước ta là văn hóa đường phố, ẩm thực đường phố nên đều vừa ở, vừa kinh doanh, trong khi đó ở nhiều nước nơi ở và kinh doanh là hai khu vực riêng". Lưu ý điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề, nếu quy định cụ thể quá, thì có phù hợp với điều kiện nước ta hay không, cho nên cũng rất cần cân nhắc để tính toán kỹ các quy định trong dự thảo Luật.

Về trách nhiệm của các cấp, dự thảo Luật quy định cán bộ, lãnh đạo, chính quyền các cấp phải chỉ huy phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, ở cấp thôn thì trách nhiệm chỉ huy này như thế nào? "Nếu không cẩn thận, thì ai cũng là chỉ huy". Lưu ý vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục làm rõ trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các quy định của dự thảo Luật phải lấy "phòng là chính" và bảo đảm nguồn lực "4 tại chỗ" (gồm, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ), trong đó, chú trọng xã hội hóa công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn để khuyến khích các lực lượng tham gia.

Đưa huấn luyện phòng cháy, chữa cháy thành môn học kỹ năng cho trẻ em

ĐBQH Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) đánh giá cao dự thảo Luật đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ để cụ thể hóa và thi hành quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân; đồng thời, bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung có liên quan đến quản lý về phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Đại biểu đề nghị, cần dựa trên thực tiễn triển khai Nghị định số 83/2017/NĐ - CP về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy, chữa cháy; Nghị định số 30/2017/NĐ - CP quy định tổ chức hoạt động ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Nghị định số 93/2021/NĐ - CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo để luật hóa các nội dung liên quan đến sự cố tai nạn, cứu nạn, cứu hộ.

Nêu thực tế khi xảy ra bão lũ, lũ quét, các lực lượng tình nguyện đều tham gia rất trách nhiệm, nhiệt tình, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị, cần quy định rõ chính sách đối với lực lượng này ngay tại Điều 4 của dự thảo Luật. Qua đó, xác định rõ các rủi ro đối với các lực lượng này khi tham gia cứu nạn, cứu hộ và phòng cháy, chữa cháy.

Về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục, huấn luyện phòng cháy, chữa cháy, đại biểu Võ Thị Minh Sinh đề nghị, cần nghiên cứu đưa nội dung này vào trường học và trở thành môn học về kỹ năng cho trẻ em.