Con-1-neo-ve---A1.png

Đây đó một vài địa phương đưa ra kêu gọi những người làm ăn, học tập xa quê hãy vì sự an toàn của bản thân, gia đình không về quê Tết này. Lời kêu gọi ngẫm ra chẳng có gì sai. Đã đành là Tết nhưng đang dịch dã thế này, đúng là mọi sự dịch chuyển đều tiềm ẩn nguy hiểm lây lan bệnh. Tôi biết những địa phương buộc phải kêu gọi thế cũng là vì sự an toàn trước hết. Không phải họ không nghĩ đến cái nhu cầu đoàn viên ngày Tết mà họ đã cân nhắc hơn thiệt để buộc lòng phải kêu gọi người dân hy sinh cũng là việc cực chẳng đã.

dong-nguoi-ve-que-tranh-dich-covid-19-voi-bao-co-cuc-hiem-nguy.jpg
Dòng người về quê tránh dịch Covid-19 với bao cơ cực, hiểm nguy. Ảnh: Vietnamnet

Nhân chuyện kêu gọi này ngay lập tức trong tôi trở lại những hình ảnh của cuộc di dân bất đắc dĩ mấy tháng trước ở những vùng tâm dịch. Những người tha hương đi làm ăn xa chọn những đô thị lớn trú ngụ làm ăn sinh sống, khi dịch tràn đến bị cách ly, bị phong tỏa, không còn kế sinh nhai đã đành mà mọi thứ dự trữ cạn kiệt không còn có thể bám trụ, họ đã phải gạt nước mắt tìm đường trở về. Cái nẻo về ấy là cái đích duy nhất trước mắt, nơi bám víu cuối cùng, vâng đó chính là quê hương bản quán. Có nhìn thấy hình ảnh đoàn người rời thành phố, vợ chồng con cái, đồ đạc, vật nuôi lèn nhau trên chiếc xe máy mới thấy hết sự cơ cực của dịch chuyển tha hương.

Cuối năm 2019, khi chớm dịch Covid-19, tôi nhận được lời mời từ Đài PT&TH Nghệ An viết một kịch bản phim truyện truyền hình dài tập. Đây là lần đầu tiên Nghệ An dự định làm phim truyện. Nghề biên kịch tôi vẫn hay nhận được lời mời đặt hàng viết. Nhưng lần này tôi có chút ngần ngại vì viết về một địa phương với tôi hoàn toàn xa lạ từ địa lý, phong tục đến phương ngữ là những thách thức không nhỏ. Tôi băn khoăn chưa quyết chỉ đến khi phía nhà đầu tư và sản xuất nói biên kịch được hoàn toàn chủ động về nội dung thì trong tôi lóe ra vụ việc 39 người tử nạn trong container ở nước Anh xa xôi mấy tháng trước. Tha hương. Số phận những người dân tha hương kiếm ăn nơi xứ người. Họ phải rời bỏ quê để mưu sinh. Quyết định được đưa ra chóng vánh. Tôi mời nhà báo Trần Đăng Tuấn cùng chấp bút. Đó sẽ là một kịch bản nói đến vấn đề mưu sinh lập nghiệp trong đó quan trọng là sự di dân của miền Trung. Người dân Nghệ tha hương để tạo dựng cuộc sống.

con-1-neo-ve---a2.png

Nghệ An là một tỉnh miền Trung nơi khắc nghiệt từ địa lý đến thiên nhiên, bởi thế nên giống như những địa phương cùng miền khác, người dân nơi đây với khát vọng thay đổi vươn lên mạnh mẽ tạo lập cuộc sống, họ thường tỏa đi khắp các miền trong nước và cả nước ngoài làm ăn lập nghiệp. Khi đã chốt ý tưởng kịch bản, tôi cùng nhà báo Trần Đăng Tuấn đi thực tế ở những làng quê có nhiều người đi nước ngoài. Đa số họ đi lao động và một số người đi chui để trồng cỏ (cần sa).

Tại huyện Yên Thành có những làng được gọi là làng Châu Âu. Đây là những làng quê có nhiều người dân đi châu Âu và gửi tiền về xây dựng nhà cửa. Những ngôi nhà mô phỏng dáng dấp phong cách kiến trúc kiểu biệt thự châu Âu. Nhìn bề ngoài thì đó là sự giầu có đổi đời nhưng đi sâu vào mới thấy cái giá phải trả cho sự tha hương là lớn vô chừng. Chưa kể đến sự thương tâm như vụ 39 người tử nạn nội chỉ việc biệt ly, xa cách đã đủ thấy thấm thía.

Chúng tôi tìm đến những phận người tha hương. Một trung niên chủ nhà mới về nước được vài năm. Anh đi chui ra nước ngoài và ở đó chục năm chui nhủi trồng cỏ. Còn may là thời đại công nghệ nên liên lạc thường xuyên với gia đình. Tích cóp xây được ngôi nhà, sắm sanh ít đồ đạc, dấn vốn anh quyết định trở về bằng một phiên tòa trục xuất. Bây giờ anh ở trong ngôi nhà khang trang, có cuộc sống bình ổn. Nghe anh kể lại đoạn đời đằng đẵng xa quê xa gia đình mới thấy hết nhẽ đời cách trở. Anh kể cứ gần Tết là giấc ngủ trằn trọc mộng mị mơ được ăn bữa cơm cúng gia tiên với vợ con. Nhưng đấy là anh còn may mắn có được điều mình muốn, còn thuận trong hành trình tìm được nẻo về.

xa-do-thanh-huyen-yen-thanh-nhin-tu-tren-cao2.jpg
Xã Đô Thành, huyện Yên Thành nhìn từ trên cao (Nguồn: Internet)

Thật sự ám ảnh khi chúng tôi đến một ngôi nhà to lớn nhất làng. Ngôi nhà duy nhất chỉ có một phụ nữ ở. Người chồng ra đi từ lúc con còn nhỏ và bây giờ những đứa con cũng nối tiếp đường của cha sang đó lập nghiệp. Chị chủ nhà chúng tôi không đoán được tuổi. Khi chồng đi chị còn đang thiếu phụ trẻ trung, giờ tóc đã lốm đốm bạc bước đi nặng nhọc trong ngôi nhà rộng rãi sang trọng. Đã hơn hai chục năm vợ chồng chị không được gặp nhau. Tôi hỏi nhà cửa đẹp rồi, xưa vì nghèo thì phải đi giờ sao chị không gọi anh ấy về. Chị cười, tôi già rồi, ông ấy cứ cố thêm cố thêm rồi lần lữa tiếc cơ hội nên mãi chưa dứt ra được, nay con cái sang còn phải hướng cho chúng nó. Chẳng biết nói gì thêm. Chị khoe quay clip ngôi nhà, chát video luôn luôn để ông ấy về còn nhận ra nhà, vợ chồng nhận ra nhau. Chao ôi là đắng đót. Cái nghèo kéo theo sự tha hương đằng đẵng này biết nói chi cho phải cho vừa. Khi viết kịch bản, nhà báo Trần Đăng Tuấn đã xây dựng một nhân vật theo nguyên mẫu này. Một nỗi đau rất đau của tha hương, của ly biệt xa cách.

Từng không ít lần đi nước ngoài, tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đời, cảnh người của những người Việt xa xứ, cho dù ở hoàn cảnh nào cũng luôn đau đáu nhớ về gốc gác của mình. Năm 2011, cùng một biên kịch đồng nghiệp ở VTV, tôi có chuyến khảo sát một số nước châu Âu nơi có cộng đồng người Việt sinh sống để làm một kịch bản về người Việt xa xứ. Ở Cộng hòa Sec, có hẳn một khu chợ của người Việt ở thủ đô Praha. Khu thương mại lớn có tên Sapa Praha này thu hút người dân từ nhiều vùng miền của đất nước sang làm ăn. Tôi dành hàng tuần đi từng gian hàng lớn nhỏ, tìm hiểu đời sống làm ăn của họ. Có người đứng chân ở Sec đã lâu, dần dà đưa người nhà sang cứ thế từng bước dựng nghiệp. Cộng đồng người Việt rất quy củ. Đặc biệt những người cùng quê sát cánh nhau trong các hoạt động đồng hương. Họ thành lập hội đồng hương từng tỉnh từng vùng miền để sinh hoạt không chỉ nương tựa vào nhau về mặt tinh thần mà còn là trợ giúp nhau về đời sống.

cong-cho-sapa-sapa-praha.jpg
Ảnh: Cổng chợ Sapa (Sapa Praha) (Nguồn: Internet)

Dạo thực tế ở chợ Sapa Praha chúng tôi được bố trí nghỉ ở một căn hộ của một Việt kiều người Phú Thọ. Anh chị sang Sec đã lâu. Lâu và sâu đến mức hai cậu con trai nói tiếng Sec giỏi hơn tiếng Việt và có phong cách sống như người bản địa. Họ có gian hàng lớn vải vóc trong chợ. Đời sống của gia đình này khá giả. Những người giúp việc đều là những người họ hàng đưa từ quê sang. Cũng đáng nể mấy chị nông dân sang làm việc, chồng con ở quê, cả đời làm ruộng nhưng sang Sec ít năm lái xe vèo vèo, thạo thông đủ lề thói xứ người. Cái đáng quý nhất ở gia đình này là sự hoạt động cộng đồng và luôn hướng về quê hương. Tết nhất là nghỉ buôn bán về quê cả chủ lẫn giúp việc. Tôi hỏi sau này khi nghỉ ngơi anh chị có về quê không. Câu trả lời chắc chắn không một suy tính, có chứ, chúng tôi vẫn còn họ hàng anh em ở đó, đã xây nhà tính chuyện mai sau. Ra vậy dù đã giầu có nhưng những người như anh chị Phú Thọ vẫn tính đến một nơi để trở về.

Cũng đợt thực tế đó chúng tôi sang Ba Lan. Đất nước Đông Âu này cũng có cộng đồng người Việt sinh sống quây quần. Tôi có quen vợ chồng một tiến sĩ ngành xây dựng. Anh đi học rồi ở lại lập nghiệp. Dạo 2004 trong đoàn nhà văn Việt Nam sang thăm và làm việc với Hội nhà văn Ba Lan, tôi gặp chị vợ là người yêu văn chương. Tặng chị tập truyện ngắn hôm sau chị bảo, em đọc suốt đêm, truyện của anh ám ảnh quá. Là người viết khỏi nói có niềm vui nào lớn hơn. Sau đó vài năm chị bị ung thư và mất. Anh tiến sĩ đưa bình tro hài cốt vợ về làm đám tang trong nước và đưa chị về quê yên nghỉ. Khi hoàn tất việc anh cho là việc trọng cuối cùng này với nghĩa tình chồng vợ, anh rời Ba Lan về hẳn trong nước sinh sống. Nẻo về của anh đấy. Tôi mừng cho sự đoàn viên của vợ chồng anh ở nơi anh chị từ đấy ra đi.

Có biết bao nhiêu câu chuyện về những người xa xứ đau đáu với quê cha đất tổ. Một lần trong quán ăn ở Bruxelles (Bỉ) tôi gặp vợ chồng chủ quán là người Việt. Khác biệt với những người Việt ở Đông Âu đi lao động, học tập rồi ở lại, anh chị là người Sài Gòn di dân từ trước 1975 nghĩa là việc ra đi này hoàn toàn không liên quan đến thế sự, đó đơn giản chỉ là phù hợp và nhu cầu cá nhân ở thời điểm đó. Được biết dù là công dân Bỉ nhưng anh chị vẫn thường xuyên về thăm quê. Cũng lại là nguyện vọng khi từ giã cõi tạm sẽ về yên nghỉ trên mảnh đất cha ông.

con-1-neo-ve---a3.png

Nói đến trường hợp này tôi muốn nói chút ít đến những người di dân thời tao loạn chiến tranh buộc phải ra đi vì những lý do có thể ngoài sự mưu sinh. Tôi ít có dịp tiếp xúc với họ nhưng thông qua một số cá nhân trong giới nghệ thuật từng về nước thì tôi tin có không ít người hẳn cũng định cho mình một ngày trở về như anh chị chủ quán ăn ở Bruxelles tôi đã viết ở trên. Tin chứ bởi con người ta khi đã đi qua mọi biến cải đời người rất có thể mong muốn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn.

Người trong nước tìm đường ra đi tìm kế sinh nhai còn người đã ở nước ngoài thành đạt cũng không ít người sớm quyết định trở về nguyên quán đầu tư mở mang sự nghiệp và góp sức xây dựng quê hương. Một nhóm bạn ở Ba Lan trong thương hiệu TSQ về nước xây dựng hẳn một Làng Việt kiều Châu Âu trong lòng khu đô thị Mỗ Lao bằng những công trình bề thế. Ngay dự án phim truyện chúng tôi làm cho Nghệ An cũng là do một doanh nhân từ Sec về đầu tư. Anh Nguyễn Như Ý chủ của Công ty Synot Asean về quê xây dựng trang trại sản xuất nông nghiệp và mong muốn có một bộ phim truyện về người Nghệ nói tiếng Nghệ. Tiếc rằng dịch Covid-19 không thể quay mảng nước ngoài nên dù đã xong kịch bản, bộ phim vẫn chưa thể bấm máy.

Nhân nói chuyện phim, sau đợt đi khảo sát ở châu Âu về, vị biên kịch đi cùng tôi vốn là người có nhiều năm sống ở nước ngoài có thực tế trải nghiệm đã viết thành kịch bản “Hai phía chân trời”, tôi đóng góp ở vai trò biên tập. Không bàn hay dở nhưng bộ phim đó đã kịp thời đưa ra những lát cắt câu chuyện về người Việt lao động, làm ăn sinh sống ngoài nước. Với kịch bản Nghệ An có tiêu đề “Sẽ lành những ngày đau” cũng có một số tập phản ánh cuộc sống của một số nhân vật phiêu dạt xứ người nhưng chủ yếu là phản ảnh sự lập nghiệp trong nước bằng những công việc khác nhau ở những vùng miền khác nhau đề cập đến số phận của những người tha hương.

Dịch Covid-19 với sự tàn phá khủng khiếp của nó đã bày ra những thực trạng về di dân, về những người lao động từ các vùng nông thôn ra sinh sống ở các đô thị. Trong số này, đa phần là nguồn lao động phổ thông mang tính thời vụ hoặc ngắn hạn. Nhưng cũng không ít người chọn đô thị là nơi cư ngụ lâu dài. Dễ dàng nhẩm ra phép tính có bao nhiêu sinh viên nông thôn ra trường lại quay về địa phương công tác. Có nhưng rất ít. Không phải vì tinh thần gắn kết nguyên quán kém mà do những đặc điểm từng địa phương không phù hợp với ngành học và không có đất phát triển lâu dài. Bởi thế đô thị chính là mảnh đất họ lựa chọn cho tương lai. Tôi nghĩ cả lao động ngắn hạn hay dài hạn vẫn đều liên quan mật thiết với bản quán.

con-1-neo-ve---a4.png

Tết là một minh chứng. Làm gì thì người quê vẫn mong mỏi được trở về. Những gia đình đã trở thành dân cư chính thức nơi đô thị có công việc ổn định, nhà cửa xe cộ thì nhu cầu trở về ngày Tết càng thiết thực. Với những lao động thời vụ, ngắn hạn dĩ nhiên đích của họ vẫn là quê hương. Cuộc di dân trong dịch Covid- 19 vừa rồi dù không đúng dịp Tết, tôi gọi là di dân ngược có lẽ xảy ra lần đầu tiên với quy mô lớn. Việc di dân này tác động đến đời sống của chính bản thân họ nhưng cuộc hành trình trở về quê nhà lại là thuận nhẽ. Không đâu bằng chính quê cha đất tổ. Đó chính là cái nôi sinh thành, nuôi dưỡng cho con người trưởng thành và cũng là nơi xòe vòng tay cưu mang khi hoạn nạn, sống chết.

Với những người quê phải tha hương sinh sống ở thời hiện tại là như thế còn những người thành phố thì sao? Xin thưa cũng vậy, ai cũng có một miền quê dù có thể là dăm bảy đời xa quê nhưng nguyên quán vẫn là gốc rễ. Và nữa ở đó có phần mộ ông cha, là nơi có thể như những người xa xứ mong ước thì các công dân thành phố khi trở về với đất cũng đều mong mỏi một chỗ yên nghỉ trong nghĩa địa dòng họ, tiên tổ.

Tết nói câu chuyện tha hương và trở về với bản quán có thể làm giảm đi không khí vui tươi nhưng cũng khó né tránh bởi dịch bệnh đang ngăn cản một cái Tết khó khăn cho niềm vui đoàn viên. Có thể Tết này sẽ nhiều người không thể trở về đoàn tụ với gia đình nhưng điều đó cũng phù hợp với thực tế. Dẫu có thế nào thì tôi nghĩ lòng người vẫn trọn vẹn nơi ấy. Nơi mỗi người luôn hướng đến, nơi chôn nhau cắt rốn và nuôi dưỡng ta thành người. Vâng, quê hương, thật may mắn cho chúng ta còn có một nẻo về và đó chính là hạnh phúc. Hạnh phúc đời người./.

Hà Nội 9/1/2022

mg_9083.jpg
Quê hương, thật may mắn cho chúng ta còn có một nẻo về và đó chính là hạnh phúc. (Ảnh minh họa)

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến