Phải thực sự đặc thù, vượt trội

Cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, "chiếc áo cơ chế" đã chật so với "cơ thể cường tráng" của đất nước nên cần có “chiếc áo” khác để phát huy nguồn lực, tập trung xây dựng, phát triển đất nước nhanh và bền vững.

quang-phuong-1717155239960.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu

Vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương đã bàn nhiều về vấn đề thí điểm, đặc thù, vượt trội. Đầu tiên là các địa phương có thế mạnh cân đối được ngân sách, có nguồn thu đóng góp cho ngân sách nhà nước, các đầu tàu, trung tâm kinh tế lớn của đất nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh và đến các địa phương khác có tính đặc thù.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, khi Chính phủ trình các dự thảo Nghị quyết về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn đặt câu hỏi:

Một là, đã đặc thù chưa - đặc thù phải khác so với các địa phương khác, tức là thế mạnh của địa phương đó, vùng đó mới gọi là đặc thù.

Hai là, đã vượt trội chưa? Nghiên cứu thông qua nhiều Nghị quyết, luật thì "đặc thù" phải bảo đảm ba yếu tố: thứ nhất, chưa có cơ chế đặc thù, tức là có gì làm được mà luật chưa quy định; thứ hai, phải cao hơn các Nghị định, Thông tư của Chính phủ thì mới đưa vào Nghị quyết, luật; thứ ba, đang khác với luật hiện hành.

"Vượt trội chính là như thế, chúng ta phải phân biệt được đặc thù là “cái riêng trong cái chung”. Ông này có thế mạnh gì để thiết kế chính sách và phải bảo đảm tính vượt trội. Thiết kế làm sao phải có tính khả thi và không phá vỡ hệ thống pháp luật, bảo đảm sự thống nhất. Ở đây, có liên quan nhiều đến câu chuyện phân cấp, phân quyền và thủ tục hành chính".

Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, cho phép địa phương áp dụng các chính sách mới, đặc thù, vượt trội nhưng phải kèm theo đó là chính sách về phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính về quy trình, trình tự, thủ tục thì mới khả thi, đi vào cuộc sống.

Nhiều chính sách đặc thù, vượt trội nếu không kèm theo các điều kiện nêu trên thì khó triển khai, kể cả Nghị quyết 43/2022/NQ15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Nghị quyết thí điểm, đặc thù cho các địa phương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, thí điểm thì có thể sẽ thành công, nhưng có cái không thể thành công hoặc ít nhiều sẽ vướng.

Khi thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ý kiến đều đề nghị, cố gắng sớm tổng kết để nhân rộng; cái gì đã chín, đã rõ thì nhân rộng trong phạm vi cả nước để thực hiện; cái nào chưa đủ độ chín để nhân rộng thì tiếp tục thí điểm. Thời gian thí điểm thường là từ 3 - 5 năm tùy theo tính chất của các nghị quyết.

Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, các cơ chế, chính sách đề xuất cho Nghệ An và Đà Nẵng đã đặc thù chưa, vượt trội chưa và đã khác với luật hiện hành, kèm theo các điều kiện thực tế để triển khai như thế nào?

"Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách và các Ủy ban của Quốc hội đều đề cập đến câu chuyện: việc đó phân cấp như thế nào, thủ tục hành chính ra sao, quy trình, quy phạm như thế nào thì mới làm được", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Không để nảy sinh câu chuyện “cho nhưng sau đó khóa lại”

Nêu quan điểm đối với dự thảo Nghị quyết về Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không để tên Nghị quyết như Chính phủ trình, mà sửa đổi tên là “ Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách để phát triển TP Đà Nẵng”, bởi lẽ Nghị quyết số 119/2020/QH14 thí điểm rồi, đủ chín rồi, nếu có mở rộng thêm mà đủ điều kiện thì mở rộng, chứ không thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Toàn bộ chính sách trong Nghị quyết số 119/2020/QH14 đã được tổng kết rồi thì làm tiếp và phải quy định ngay trong nghị quyết; có phát triển gì thêm mô hình chính quyền đô thị không thì đánh giá tác động.

To-3-1717155240116.jpg
Quang cảnh thảo luận tại Tổ 3

Một số chính sách thí điểm như: khu thương mại tự do, cơ chế một cửa, thu hồi đất, phát triển trung tâm logictics, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, cho phép thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới, cơ chế chính sách vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chính sách về cơ chế quản lý kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp…. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý, nhưng cũng lưu ý, “chủ yếu là quy định triển khai như thế nào để không nảy sinh câu chuyện “cho nhưng sau đó khóa lại”; đã thí điểm nhưng lại theo quy định pháp luật thì bằng không”.

Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm, bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các chính sách này rất phù hợp. Các chính sách về cơ chế, đặc thù tương tự như các địa phương khác, chúng ta đã cho rồi, thì thêm một địa phương nữa thí điểm cũng là một cách để tổng kết, đánh giá cơ sở thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, cứ bàn mãi mà không làm thì rất khó, phải làm thì mới vỡ vạc ra; phải làm mới thấy bộc lộ thiếu sót, mới tổng kết, đánh giá và nhân rộng được.