Thành phố Vinh là trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An và là đơn vị được công nhận đô thị loại I trực thuộc tỉnh đầu tiên trong cả nước. Trong những năm qua, Thành phố tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Tỉnh. Thành phố cũng đã có những đổi mới tư duy, cách nhìn và tiếp cận mới nhằm “kích hoạt” các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời “kích hoạt” kinh tế ban đêm, không để thành phố “ngủ trong đêm dài” bằng việc đưa vào vận hành phố đêm, phố đi bộ vào hoat động. Những bất cập, yếu kém về hạ tầng, trong đó có hạ tầng về tiêu thoát nước từng bước được đầu tư khắc phục.

10b58c2b3884fcdaa595.jpg
Thành phố cải tạo hệ thống thoát nước tuyến đường Hồ Tùng Mậu

Song thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, thành phố Vinh đang đối mặt với sự tụt hậu so với các đô thị trong cả nước. Để góp sức cùng với thành phố Vinh phát triển, trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá vùng Bắc Trung Bộ theo Quyết định số 827/QĐ-TTg, ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ và là đầu tàu tăng trưởng, trung tâm đổi mới, sáng tạo của Nghệ An, trung tâm vùng Bắc Trung Bộ theo đinh hướng Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị; trên cơ sở thẩm quyền, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND về một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thành phố Vinh giai đoạn 2021 – 2025.

86a6d55f76f0b2aeebe1.jpg
Hạ tầng đô thị Vinh đã, đang được tập trung đầu tư, chỉnh trang để đáp ứng phát triển đô thị văn minh, hiện đại

Theo báo cáo của UBND thành phố Vinh, triển khai nghị quyết HĐND tỉnh, HĐND thành phố Vinh đã phê duyệt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 với tổng số vốn là 8.335 tỷ đồng. Căn cứ các quy định, thành phố đã xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân loại các công trình, dự án phục vụ các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) theo thứ tự ưu tiên, trong đó tập trung cho các công trình trọng điểm, mở rộng không gian đô thị, chống ngập úng, chỉnh trang đô thị... Trong đó, bố trí vốn cho công trình trọng điểm hơn 4.153 tỷ đồng, chiếm 64,1% vốn bố trí các công trình khởi công mới, gồm 16 công trình, dự án phát triển kinh tế với tổng vốn bố trí gần 835 tỷ đồng; 17 công trình, dự án chống ngập úng khu vực có tính chất quan trọng, chống ngập úng phạm vi phường, xã trở lên, với tổng vốn bố trí hơn 222 tỷ đồng; 60 công trình trường học với tổng vốn bố trí 789,589 tỷ đồng; 14 công trình chỉnh trang đô thị tuyến phố chính, quan trọng của thành phố, với tổng vốn bố trí hơn 1.159 tỷ đồng; 6 công trình mở rộng các giao lộ, chống ùn tắc giao thông với tổng vốn bố trí hơn 147 tỷ đồng. Nguồn vốn đối ứng Dự án “Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An” nhằm giảm thiểu rủi ro úng ngập tại khu vực đô thị chính, góp phần phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu là 1.000 tỷ đồng.

Cùng với bố trí nguồn vốn, thành phố cũng quyết liệt tập trung đốc thúc triển khai các dự án từ công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu, đến triển khai các dự án trên thực địa. Việc triển khai và hoàn thành, đưa vào sử dụng một số dự án đầu tư thời gian qua đã góp phần chỉnh trang một bước hạ tầng đô thị, đặc biệt giải quyết được một phần bức bách về ngập úng cục bộ của thành phố tại một số tuyến đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn Thị Minh Khai, Hồng Bàng và một số khu vực tại phường Trung Đô, Bến Thuỷ… Theo kế hoạch, năm 2023 tới, thành phố sẽ tập trung triển khai và hoàn thiện chỉnh trang đô thị tại một số tuyến đường quan trọng, như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Hồng Phong, Phan Đình Phùng, Đinh Công Tráng, Lê Nin…

29--mot-goc-tp-vinh-hien-nay-.jpg
Một góc trung tâm Thành phố Vinh

Rõ ràng, việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết đặc thù đã thực sự tạo động lực và nguồn lực thêm cho thành phố kiến tạo những giá trị bền vững về cơ sở hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, theo phản ánh từ Thành phố, nguồn lực tạo ra chỉ đủ thực hiện một số dự án trọng điểm, tập trung về mở rộng không gian đô thị, chống ngập úng, chưa đảm bảo để Thành phố triển khai đồng loạt được nhiều dự án thuộc các ngành, lĩnh vực khác. Đồng thời, tổng mức đầu tư của các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư ban hành tại Quyết định số 827/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2023 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị là rất lớn, như nâng cấp giai đoạn 2 tỉnh lộ 535 khoảng 600 tỷ; kênh thoát nước Kẻ Gai – Rào Đừng khoảng 3.000 tỷ...; dẫn đến khó khăn để sắp xếp, bố trí nguồn lực thực hiện. Vì vậy, Thành phố tiếp tục đề nghị Tỉnh cùng với thành phố kiến nghị, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vốn cùng với cơ chế, nguồn ngân sách của Tỉnh tăng thêm để triển khai một số công trình, dự án mang tính đặc trưng, điểm nhấn; đồng thời khắc phục các bất cập, yếu kém hiện tại của hạ tầng đô thị.

PHƯƠNG THẢO