Hướng tới tiện ích của người dân

Nói đến chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ trở nên khó hiểu với nhiều người, nhất là người dân lao động. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, nhiều ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số không còn xa lạ, thực sự đi vào cuộc sống, gắn bó với người dân. Ở huyện miền núi Anh Sơn, tại xã Hoa Sơn, trong 12 bộ thủ tục hành chính liên quan đến chứng thực, đất đai, giải quyết khiếu nại, chính sách bảo trợ, người có công…, được thể hiện bằng bảng mã QR công khai để người dân tra cứu thông tin, hướng dẫn xử lý thủ tục hành chính công khai, minh bạch. Việc thu các khoản phí và lệ phí khi thực hiện các giao dịch tại bộ phận “một cửa” cũng được người dân quét mã QR để thực hiện.

chuyen-doi-so-huong-toi-su-tien-ich-cua-nguoi-dan.jpg
Cán bộ, công chức thành phố Vinh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc chuyên môn

Gặp ông Nguyễn Hữu Hồng, cư dân ở thôn 2 đến nhận bản sao giấy khai sinh tại bộ phận “một cửa” xã, cho biết: Trước đây, làm thủ tục hành chính gì cũng phải đến xã, có khi không làm được vì lãnh đạo đi họp không ký được. Bây giờ, mọi thủ tục hành chính đều làm trực tuyến thông qua điện thoại thông minh, như bản sao giấy khai sinh này, ngồi ở nhà đăng nhập dịch vụ công đăng ký, nộp hồ sơ, đến xã chỉ nhận giấy mang về, không phải chờ đợi gì. Cũng phản ánh sự tiện ích, ông Nguyễn Văn Khoa, ở thôn 6 cho rằng, bên cạnh việc không cần đến xã chờ đợi, khi ông làm giấy khai sinh cho con thì đồng thời được liên thông làm chế độ bảo hiểm y tế và nhập hệ thống dữ liệu dân cư.

Để đưa các dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, xã Hoa Sơn đã thành lập 9 tổ công tác về tận các thôn hướng dẫn cách thức truy cập, đăng ký dịch vụ công trực tuyến, chuyển văn bản, thực hiện các thủ tục hành chính trên không gian mạng, gắn với cấp định danh điện tử cho người dân. Đến nay có 70% người dân được cấp định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2.

Ngoài thực hiện các dịch vụ công trực tuyến và đóng các loại phí, lệ phí, quỹ bằng một động tác quét mã QR hoặc chuyển khoản, theo chia sẻ của đồng chí Phan Văn Phong – Phó Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn, nhiều thông tin như triệu tập họp chi bộ, họp dân cư; thông tin về lịch sản xuất, tiêm phòng cho vật nuôi gia súc, gia cầm…; hay việc học tập, rèn luyện của con em ở trường học đều được thông tin đến người dân thông qua các nền tảng zalo, facebook. Hoạt động này giúp người dân ở bất cứ đâu, thời gian nào cũng tiếp cận được và tiếp cận nhanh. Về phía hệ thống chính trị cũng đơn giản hơn trong việc triển khai các nhiệm vụ.

chuyen-doi-so-huong-toi-su-tien-ich-cua-nguoi-dan--n1.jpg
Mã QR tra cứu thông tin 12 bộ thủ tục hành chính người dân thường dùng tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn

Có thể nói, chuyển đổi số đã thực sự đi vào cuộc sống, tác động trên nhiều hoạt động của người dân. Phổ biến nhất hiện nay là việc ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt của người dân. Không chỉ dành cho những cửa hàng tạp hoá, ki ốt kinh doanh mà những người kinh doanh buôn bán ở các chợ đều có tài khoản hoặc mã QR để thanh toán. Các dịch vụ viễn thông, điện và nước sinh hoạt, dịch vụ y tế, học phí của học sinh… cũng được người dân áp dụng phương thức thanh toán điện tử. Việc thực hiện chi trả lương hưu, chế độ bảo trợ xã hội, chính sách người có công được chi trả qua tài khoản, đảm bảo kịp thời, người dân không phải đi lại. Thông qua chuyển đổi số cũng đã tạo bước chuyển mạnh mẽ đối với việc thay đổi hình thức kinh doanh trực tiếp sang kinh doanh doanh online …

Bà Nguyễn Thị Hương, ở phường Bến Thuỷ, thành phố Vinh cho biết, gần 2 năm nay, bà gần như không dùng tiền mặt mà các giao dịch từ tiền điện, tiền nước sinh hoạt đến mua hàng hoá, thực phẩm hàng ngày đều qua các kênh thanh toán điện tử. Việc mua sắm hay đăng ký các dịch vụ du lịch, lưu trú, giao thông…cũng được thực hiện bằng hình thức online, vừa nhanh, vừa tiết kiệm công sức, thời gian rất nhiều.

chuyen-doi-so-huong-toi-su-tien-ich-cua-nguoi-dan--n2.jpg
Người dân xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn thanh toán phí giải quyết thủ tục hành chính bằng quét mã QR tại bộ phận một cửa

Tính đến ngày 01/03/2023, 21 sở, ngành và 100% đơn vị cấp huyện, cấp xã trong tỉnh đã thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Nghệ An. Cụ thể đã cung cấp 1.834 dịch vụ công; bao gồm 816 dịch vụ công trực tuyến một phần (mức độ là 388 th tục mức độ 3 là 428); 1.018 dịch vụ công trực tuyến toàn trình (mức độ 4). Trong đó, cấp tỉnh có 1.413 thủ tục hành chính; cấp huyện 302 thủ tục hành chính; cấp xã 119 thủ tục hành chính.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Chuyển đổi số là một trong những định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá chiến lược được Đại hội XIII của Đảng đề ra. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/8/2022 về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đồng chí Võ Trọng Phú – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An khẳng định: Triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh uỷ và các kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng, thiết bị công nghệ thông tin; chuyển động mạnh mẽ hơn trong đăng ký và thực hiện chữ ký số; tổ chức hội, họp trực tuyến. Đặc biệt, 100% cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và đơn vị cấp huyện, cấp xã triển khai ứng dụng ứng dụng hệ thống quản lý văn bản I-Office thay thế văn bản, báo cáo giấy trước đây; sử dụng hệ thống zalo, facebook chuyển tải các văn bản chỉ đạo xuống các khối, xóm, thôn bản, chi đoàn, chi hội, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị nhanh, hiệu quả, tiết kiệm kinh phí; hoặc chỉ đạo, điều hành thông qua các nhóm zalo, facebook, đảm bảo công việc giải quyết nhanh và giảm hội họp.

chuyen-doi-so-huong-toi-su-tien-ich-cua-nguoi-dan--n3.jpg
Hệ thống điiều hành mạng lưới hệ thống công nghệ thông tin tại VNPT

Nhiều địa phương đã thành lập các tổ công tác, đồng thời huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên về các khu dân cư tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Một số địa phương áp dụng phần mềm tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh của cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp; qua đó góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Các ngành, địa phương cũng tích cực khai thác các tính năng công nghệ thông tin vào cuộc sống như giáo án điện tử, bảng điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử trong ngành giáo dục; bệnh án điện tử trong ngành y tế; triển khai hệ thống truyền thanh không dây FM…

Bên cạnh những chuyển động, thực tiễn vẫn đang đặt ra một số trở ngại, cản trở việc đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số. Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh uỷ về chuyển đổi số nêu rõ quan điểm: Chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, toàn diện, mang tính đột phá, yêu cầu sự vào cuộc đồng bộ, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu và sự tham gia của toàn dân. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và nắm bắt thực tế, hiện nay, một số cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa quyết liệt trong thực hiện chuyển đổi số; hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu công cuộc chuyển đổi số. Tình trạng nghẽn mạng vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều thời điểm trong các lĩnh vực, ảnh hưởng đến việc.

Về phía người dân, vẫn còn một số rào cản khi tâm lý, thói quen ở một số người dân làm thủ tục hành chính vẫn mong muốn đến trực tiếp cơ quan Nhà nước để làm hoặc với tâm lý để “chắc chắn” khi thực hiện nghĩa vụ tài chính Nhà nước. Bên cạnh đó, một bộ phận số người dân chưa sử dụng điện thoại thông minh, phương tiện để thực hiện các hoạt động trên môi trường mạng…

Những vấn đề đặt ra nêu trên, đòi hỏi sự quyết tâm, quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, người dân để khắc phục; chủ động, sáng tạo, mạnh dạn thay đổi thói quen, tư duy và hành động để đổi mới phương thức, quy trình, mô hình hoạt động và các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.