Thực tiễn chuyển đổi số

Trường THCS Tôn Quang Phiệt (huyện Thanh Chương) là 1 trong 9 trường bậc trung học cơ sở được chọn thí điểm xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao của ngành Giáo dục – Đào tạo Nghệ An, bởi vậy cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được quan tâm đầu tư theo hướng đủ, đồng bộ và hiện đại. Như máy tính kết nối internet, phòng học thông minh, máy chiếu và ti vi được lắp đặt tại mỗi phòng học. Chính điều kiện đó đã thúc đẩy việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và quản trị nhà trường. Đặc biệt thông qua triển khai chương trình giáo dục tăng cường môn tin học và tiếng Anh, giúp học sinh học tốt môn tin học, sử dụng máy tính hiệu quả, tích cực tham gia học online, các cuộc thi giải toán, tiếng Anh qua mạng internet…

04e4232b162ccc72953d.jpg
Một tiết học online của học sinh Trường THCS Tôn Quang Phiệt (Thanh Chương)

Để nâng cao khả năng và trình độ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế, bên cạnh giáo viên nhà trường, trường cũng đã phối hợp trung tâm tiếng Anh để thực hiện các giờ lên lớp của giáo viên người nước ngoài. Nhà trường đã phối hợp với Hocmai.vn mở 2 lớp tiếng Anh theo chương trình Ielts. Tại 3 phòng học thông minh và một số tiết học môn vật lý, hoá học, giáo viên đã bước đầu khai thác và sử dụng hiệu quả các thí nghiệm ảo, vừa đảm bảo chất lượng học, vừa an toàn cho giáo viên, học sinh. Nhà trường cũng đặt ra yêu cầu giáo viên rà soát, sưu tầm các học liệu điện tử để đưa vào áp dụng qua môi trường mạng để thay thế các đồ dùng dạy và học truyền thống nhằm khai thác hiệu quả hệ thống máy chiếu, ti vi được đầu tư. Hiện nay, giáo viên nhà trường đang từng bước tự thiết kế, sáng tạo các học liệu điện tử phục vụ cho công tác giảng dạy…

Theo chia sẻ của thầy Nguyễn Trọng Đạt - Hiệu trưởng nhà trường, trong quản trị nhà trường, trường đã triển khai nhiều phần mềm, như quản lý cơ sở dữ liệu, quản tài chính, quản lý văn bản Ioffice…; tiếp tục vận hành và phát triển trang Website của nhà trường, tạo diễn đàn cho học sinh và phụ huynh tham gia vào các hoạt động của nhà trường.

Ở Trường Tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh) đã vận dụng linh hoạt ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý nhà trường. Các phòng học đều được lắp đặt ti vi thông minh, hệ thống mạng lan, giáo viên sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, tải tài liệu, tra cứu các thông tin, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy. Các giáo viên sử dụng các phần mềm quizizz, powerpoint, chia sẻ bài làm trên zalo palet, trên phòng học zoom… Nhà trường đã tổ chức được các tiết học kết nối “không biên giới”, dạy học trực tuyến, trải nghiệm trực tuyến với học sinh trường tiểu học quốc tế Kenya, Indonesia.

Cô giáo Hoàng Thị Thuỷ - Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Dũng 2, cho biết: Từ việc chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin sớm gắn với tập huấn bồi dưỡng kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, nên trong thời gian dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, giáo viên và học sinh đã thích ứng kịp thời việc tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục trực tuyến, đảm bảo hoàn thành nội dung, chương trình giáo dục năm học. Trong hoạt động quản lý, nhà trường đã sử dụng nhiều phần mềm, tạo sự thuận lợi và minh bạch trong hoạt động. Như quản lý tài chính; tuyển sinh học sinh đầu cấp; quản lý học bạ, sổ điểm điện tử; phổ cập giáo dục; phần mềm cơ sở dữ liệu ngành; quản lý cán bộ công chức, viên chức…

b8d46ccd59ca8394dadb.jpg
Một tiết dạy học kết nối giũa giáo viên và học sinh Trường tiểu học Hưng Dũng 2 (thành phố Vinh) với trường Tiểu quốc tế Indonesia

Ngoài hai thực tiễn nêu trên, xét phạm vi tổng thể, thời gian qua, ngành giáo dục Nghệ An đã chủ động tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo đột phá trong đổi mới hoạt động giáo dục và đào tạo: đổi mới quản trị trường học, đổi mới quản lí nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, tác động tích cực, toàn diện tới phương thức hoạt động, chất lượng, hiệu quả và công bằng trong giáo dục. Ngành đã xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh IOC, giai đoạn I; hệ thống tuyển sinh trực tuyến đầu cấp lớp 10 (thực hiện tuyển sinh từ năm học 2022-2023); hệ thống thi trực tuyến LMS với ngân hàng đề hơn 10.000 câu hỏi (đã thực hiện tháng 5/2022 cho lớp 12); sử dụng sổ điểm và học bạ điện tử từ năm học 2018 - 2019 (có gắn chữ ký số từ năm học 2022-2023); hệ thống quản lý các trung tâm ngoại ngữ. Hiện tại, 100% thủ tục hành chính đã được cung cấp trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến; trong đó 65% mức độ 3, 35% mức độ 4; 100% văn bản được ký số phát hành trên môi trường mạng (trừ các văn bản mật); 100% cơ sở trường học được kết nối internet, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ hành chính và hoạt động dạy học.

Chuyển đổi số để tạo đột phá

Ngày 19 tháng 11 năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể; trong đó đặt ra nhiệm vụ thúc đẩy chuyển đổi số tạo đột phá trong đổi mới giáo dục. Ngày 05/08/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trên tinh thần các nghị quyết của Tỉnh uỷ và kế hoạch của UBND tỉnh về chuyển đổi số, Đảng uỷ Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nghị quyết về chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra rất cụ thể liên quan đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; về đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với các cơ sở giáo dục, mỗi nhà giáo, mỗi người học; đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lí, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu…

db79cef6faf120af79e0.jpg
Ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến tại Trường THCS Bạch Liêu, huỵện Yên Thành

Đồng chí Thái Văn Thành - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng: Yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đạo tạo; xây dựng hệ thống cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế, tiên tiến và hội nhập hiện nay đặt ra cho ngành phải thực hiện chuyển đổi số một cách mạnh mẽ. Chuyển đổi số chính là nhằm mục đích thay đổi phương thức hoạt động của ngành giáo dục – đào tạo, giúp các nhà trường đổi mới quản trị nhà trường, đổi mới dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh theo đúng phẩm chất, năng lực của người học. Chuyển đổi số đảm bảo giám sát quá trình dạy học thực chất, hướng tới học thật, thi thật, chất lượng thật; góp phần tạo sự kết nối chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong việc giáo dục học sinh.

Cũng theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Cái hay của chuyển đổi số là tạo điều kiện thuận lợi và tiếp cận giáo dục bình đẳng cho học sinh. Ngoài những vùng trung tâm được học trực tiếp những thầy giỏi thì những địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận được những giáo viên giỏi thông qua các lớp online; chương trình giáo dục quốc tế để đạt các chứng chỉ quốc tế về tin học, tiếng Anh. Chuyển đổi số cũng sẽ tạo cơ hội cho học sinh có kỹ năng tin học tốt hơn, đồng thời tăng cường tính tự học của học sinh thông qua tìm kiếm thông tin, kiến thức trên mạng internet, nhất là môn tiếng Anh, đạt các chứng chỉ tin học và tiếng Anh quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, công dân toàn cầu.

Để thực hiện tốt chủ trương chuyển đổi số, 2 yếu tố mấu chốt cần giải quyết đó là đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại và đào tạo, bồi dưỡng năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục, nhân viên và người học, bảo đảm quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số.