Qua giám sát cho thấy, huyện Quế phong có tổng mức đầu tư các chính sách phát triển miền núi là 17.466,77 triệu đồng, đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành các hạng mục về việc hỗ hợ giao khoán và bảo vệ rừng của Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; triển khai thực hiện giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng cho các hộ gia đình theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, đối với 61 huyện nghèo, với tổng diện tích 3.297,17 ha tại các xã: Tri Lễ, Châu Kim, Cắm Muộn, Nậm Giải, Quang Phong và thị trấn Kim Sơn; thực hiện trợ cấp gạo cho các hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ rừng. Các nội dung hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ đối với diện tích đất được quy hoạch phát triển rừng sản xuất đã giao ổn định, lâu dài cho hộ gia đình; trồng rừng phòng hộ đối với diện tích đất được quy hoạch trồng rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình theo quy định hiện hành; phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; phát triển vùng trồng dược liệu quý đang được triển khai thực hiện.
Tại buổi làm việc, đại diện huyện Quế Phong đã đề xuất một số nội dung về giao đất giao rừng; việc điều chỉnh các loại rừng; chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng nên việc triển khai các dự án chưa thực hiện được. Huyện cũng đã có một số văn bản đề xuất với tỉnh đề nghị hỗ trợ xử lý các vấn đề này.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Lô Thị Kim Ngân đánh giá về những kết quả đạt được, đề nghị chính quyền các cấp huyện Quế Phong tiếp tục chú trọng việc khắc phục các khó khăn, tồn tại khi thực hiện các chính sách phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; khắc phục tình trạng chậm trễ trong thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng, nhất là quan tâm thực hiện tốt Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Chú trọng việc nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình; đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cán bộ bán chuyên trách cần quan tâm sâu sát Nhân dân, áp dụng các chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đạt các mục tiêu tăng trưởng và thực hiện hiệu quả các chính sách thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia đã đề ra./.