Chiều 9/7, Kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tiến hành phiên thảo luận tại hội trường.

bna_hdnd-thang-7-2025-79.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường chiều 9/7. Ảnh: Thành Cường

Góp ý vào dự thảo Nghị quyết số 11 sẽ được kỳ họp thứ 31, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 thông qua về việc phân cấp nguồn thu ngân sách Nhà nước, trong đó có nội dung đối với tiền sử dụng đất thuộc nguồn thu ngân sách của cấp huyện được điều chuyển về nguồn thu ngân sách của cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Công Văn cho rằng, theo dự thảo tới đây phân chia theo tỷ lệ tỉnh 60% - xã 40%.

Trong khi đó có 1.065 nhiệm vụ của cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã thực hiện, mặt khác xã mới thành lập rất nhiều khó khăn chồng chất. Do đó tỉnh nghiên cứu xem xét cân đối lại nguồn thu này (phân chia theo tỷ lệ tỉnh 50% xã 50%) tạo điều kiện cho các địa phương mới thành lập hoạt động hiệu quả.

bna_hdnd-thang-7-2025-81.jpg
Đại biểu Nguyễn Công Văn (đại biểu Tổ số 4) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường

Liên quan đến phân bổ nguồn lực cho mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đại biểu Trần Khánh Linh (đại biểu tổ số 1) phản ánh: Qua thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, nhận thấy rằng có một số điểm tích cực như: giảm bớt đầu mối trung gian, thuận lợi hơn trong phối hợp chỉ đạo. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm chỉ đạo đó là tỉnh cần có phương án bố trí cơ sở vật chất, hệ thống họp trực tuyến, nguồn lực tài chính, nhân lực hợp lý cho cấp xã để đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

bna_hdnd-thang-7-2025-82.jpg
Đại biểu Trần Khánh Linh (đại biểu Tổ số 1) phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường

Làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm về quy định phân cấp nguồn thu ngân sách và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, tỷ lệ phân chia giữa nguồn thu ngân sách các cấp trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết: Dự thảo nghị quyết hội đồng nhân dân tỉnh quy định phân cấp nguồn thu ngân sách và nhiệm vụ chi ngân sách địa phương, tỷ lệ phân chia giữa nguồn thu ngân sách các cấp trên địa bàn tỉnh - đây là văn bản để đảm bảo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động được thông suốt.

bna_hdnd-thang-7-2025-85.jpg
Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Trịnh Thanh Hải trả lời làm rõ nội dung đại biểu quan tâm. Ảnh: Thành Cường

Về nguyên tắc thì dự toán thu - chi ngân sách của cấp xã được xác lập trên cơ sở cộng gộp, toàn bộ số thu và nhiệm vụ chi và phần còn lại chưa thực hiện của các xã. Nguồn thu và nhiệm vụ chi của cấp huyện trước đây, được điều chỉnh lên tỉnh phân cấp lại ngân sách cấp tỉnh và các xã. Nhiệm vụ cấp xã tiếp nhận nhiệm vụ của cấp huyện sẽ được tỉnh bố trí cho cấp xã.

Làm rõ đề xuất của đại biểu Nguyễn Công Văn đề nghị phân chia nguồn thu tiền sử đất theo tỷ lệ cấp cấp tỉnh 50% và cấp xã 50%, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Nguyên tắc phân bố được giữ nguyên mức xã hưởng và mức huyện hưởng trước đây được điều chỉnh lên tỉnh. Lý do là việc chi ngân sách theo nguyên tắc cộng gộp, tức là những nhiệm vụ của các xã cũ khi nhập lại thì thành nhiệm vụ của xã mới và theo tính chất thì những cái nhiệm vụ chi của huyện và có tính chất của liên quan đến xã mới và nằm trên địa bàn của xã mới thì chuyển về cho xã mới và những những nhiệm vụ còn lại thì chuyển lên tỉnh.

bna_-vinh-loc.jpg
Cán bộ phường Vinh Lộc, Nghệ An giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Thanh Lê

Còn về thu ngân sách, những nguồn thu của huyện hưởng đều chuyển về tỉnh. Sở dĩ Sở Tài chính tham mưu như vậy bởi vì Trung ương có hướng dẫn cụ thể về cách thức để phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi. Sở Tài chính cũng đang trong quá trình thiết kế lại định mức, tiêu chí của cấp xã để làm dự toán cho giai đoạn 2026 -2030. Về nhiệm vụ, Sở Tài chính cam kết sẽ đáp ứng được yêu cầu của chính quyền địa phương và đặc biệt ở cấp xã về nguồn lực.

bna_hdnd-thang-7-2025-77.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. Ảnh: Thành Cường

Trả lời ý kiến đại biểu Trần Khánh Linh kiến nghị bố trí hệ thống trực tuyến đối với các xã, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Sở sẽ cân đối và theo nguyên tắc ưu tiên. Theo tổng hợp của Sở, hiện nay nhu cầu kinh phí mà các xã nhập vào hệ thống để đề xuất lên tỉnh với tổng kinh phí khoảng hơn 1.700 tỷ đồng, để làm những việc chi thường xuyên như sửa chữa, nâng cấp các hệ thống.

"Hiện nay Sở Tài chính đang thực hiện phân bổ nguồn của Trung ương, tức là nếu giảm 1 xã thì được 500 triệu đồng cho các xã còn lại. Các nguồn tăng thêm, tới đây Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh trên cơ sở sắp xếp theo thứ tự ưu tiên những nhiệm vụ cấp thiết để bố trí nguồn lực cho các xã mới đảm bảo hoạt động thông suốt, hiệu quả" - Giám đốc Sở Tài chính cho biết.