mceu_17889582911646670333535-copy.jpg

“- Tôi biết quân các ông ở chiến trường Tây Nguyên thiếu gạo ăn, ông lấy cái gì mà có thể đánh?

- Anh nói đúng! Nhưng chúng tôi là bộ đội cách mạng, cho nên phải vừa sản xuất, vừa làm kinh tế và vừa đánh”

Đó là câu trả lời của Đại tướng Chu Huy Mân với Trung tướng Ha-rơ-mo, nguyên Trung tá, Tiểu đoàn trưởng Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên, khi 2 vị tướng gặp lại nhau sau đại thắng lịch sử mùa xuân năm 1975. Những người nông dân áo vải đi làm cách mạng của chúng ta là những người như thế. Quân đội nhân dân Việt Nam cũng đã có những vị chỉ huy như thế. Đại tướng Chu Huy Mân – Đại tướng hai mạnh.

anh4-copy.jpg

tit-1-2-copy-1.jpg

Tại làng Yên Lưu nghèo khó bên dòng Sông Lam, cách đây 110 năm, dòng họ Chu Văn đón thêm một nhân khẩu mới, đặt tên là Chu Văn Điều. Sinh ra và lớn lên trong thời điểm đất nước lầm than, người dân sống trong tủi nhục, đòn roi của chế độ thực dân phong kiến, Chu Văn Điều sớm nhận ra rằng: chỉ con đường đấu tranh, chống chế độ mới có thể giải thoát được cho mình, cho bà con nông dân quê mình. Bởi thế, chỉ mới 17 tuổi khi phong trào cách mạng chống chế độ phong kiến thực dân vừa mới được nhen nhóm, chàng trai trẻ Chu Văn Điều đã nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những người yêu nước để tham gia gây dựng phong trào Xô Viết cùng Nhân dân Nghệ Tĩnh.

anh-2.jpg
Làng Yên Lưu, xã Hưng Hòa bên dòng sông Lam, nơi Chu Huy Mân đã sinh ra

Hàng ngày, Chu Văn Điều vẫn đi qua, về lại bên đôi bờ sông Lam để hoạt động cách mạng. Lo sợ trước sức lan tỏa của phong trào Xô Viết, thực dân phong kiến đã bắt giam và tra tấn dã man nhiều người yêu nước. Đòn roi của chế độ không làm nhụt nhuệ khí của chàng trai trẻ họ Chu. Ngược lại, nó càng nhen nhóm thêm ngọn lửa yêu nước trong anh. Bác sỹ Nguyễn Hồng Triền, bác sỹ riêng của Đại tướng Chu Huy Mân đã nhớ lại: “Anh Mân kể rằng có hôm nó bắt 50 người trong làng Yên Lưu để nó tra tấn, xem có ai tham gia hoạt động biểu tình. 3 ngày sau, tất cả được thả vì khai hết. Riêng Chu Văn Điều, anh Mân ấy, nó treo lên cây và dùng roi mây ngâm nước muối đánh tiếp 3 ngày nữa, anh ngất lịm. Chúng nó hạ xuống, người toàn bộ bị bỏng da hết. Mẹ phải dùng lá chuối, đặt anh xuống để khỏi da bị dính”

nguoi-bat-song-tuong-de-castries-ke-chuyen-nua-dem-bac-ho-toi-tham-5-copy.jpg

Phải hoạt động cách mạng trong muôn vàn gian khổ, không mấy khi được về nhà, nhưng bà con chòm xóm đã bí mật gửi gạo, thức ăn chăm sóc, nuôi dưỡng, dành cho anh sự ngưỡng mộ về ý chí kiên trung của người đảng viên trẻ. Chu Văn Điều đã rút ra bài học về tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân, một nhân tố quan trọng hun đúc thêm nhân sinh quan cách mạng cho anh trên chặng đường đầy gian lao, thử thách phía trước. “Thằng Tây nó đánh đập dân mình dã man quá, có chết cũng phải chống lại nó” - lý tưởng cách mạng đó sau này cũng là chia sẻ của tướng Chu Huy Mân khi ông có dịp gặp Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc.

tit2.jpg

Từ một đội phó Đội Tự vệ đỏ của xã, một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam, Chu Văn Điều được bầu làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên lúc mới 23 tuổi. Ông tiếp tục lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống chế độ phong kiến thực dân tại quê nhà. Cùng thời gian này, ông đã đổi tên thành Chu Huy Mân. Từ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, Chu Huy Mân đã được thử thách, rèn luyện và trưởng thành. Ông sớm bộc lộ những tố chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, người tổ chức vận động quần chúng của Đảng cũng như tài năng quân sự của mình, tạo nên những dấu ấn son của thời kỳ đầu thành lập Đảng.

Trước những hoạt động sục sôi yêu nước của ông, từ năm 1937 đến năm 1940, thực dân Pháp đã nhiều lần bắt giam Chu Huy Mân ở nhà lao Vinh, đến năm 1940, đưa đi giam ở Đắc Lay rồi Đắc Tô, Kon Tum. Trong nhà giam, địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn, cực hình nhưng không làm nản lòng người cộng sản. Nuôi chí hướng về tương lai dân tộc, tháng 3 năm 1943, Chu Huy Mân cùng Nguyễn Duy Trinh, Huỳnh Ngọc Huệ và Hà Thế Hạnh tổ chức vượt ngục. Từ đây, ông bắt liên lạc được với Ban Việt Minh tỉnh Quảng Nam, cùng tham gia tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền trong cao trào Cách mạng tháng 8. Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, kiêm Chính trị viên Chi đội tỉnh Quảng Nam. Sau đó, ông được Xứ ủy Trung kỳ giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu C, Chính trị viên đường 9 - Nam Lào.

15 năm hoạt động trong thời kỳ cách mạng còn trong trứng nước, Chu Huy Mân luôn chứng tỏ bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng. Thời kỳ chống thực dân Pháp, bàn chân ông đã in dấu trên nhiều chiến trường từ Nam chí Bắc, giữ nhiều chức trách quan trọng trong quân đội Nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, ở cương vị Chính ủy Sư đoàn 316, ông đã tham gia chỉ huy các trận đánh đồi A1, C1, C2, cùng với anh em chứng kiến giờ phút lịch sử toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ.

Có mặt tại chiến trường Lào từ sau chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách là cố vấn, chuyên gia giúp nước bạn, Chu Huy Mân đã cùng quân tình nguyện Việt Nam góp phần xây dựng lực lượng vũ trang Lào lớn mạnh, mở rộng vùng căn cứ, tổ chức nhiều chiến dịch lớn, giải phóng cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng và nhiều vùng đất quan trọng khác. Những cống hiến của chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã được Đảng, chính phủ và Nhân dân các bộ tộc Lào ghi nhận. Nhiều cán bộ Việt Nam, trong đó có đại tướng Chu Huy Mân vinh dự được trao huân chương Ít-xa-la và nhiều huân chương cao quý khác. Hình ảnh một tướng lĩnh quân đội có tài thao lược về quân sự, vững mạnh về chính trị đã sống mãi trong lòng cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Việt Nam.

dai-tuong-chm-9167.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Chu Huy Mân tại Hội trường Ba Đình ngày 12/11/2002. Ảnh tư liệu

Với những đóng góp, với tài thao lược về quân sự, năm 1964, tướng Chu Huy Mân được trung ương cử vào chiến trường khu 5, vùng đất ác liệt, gian khổ, nơi mà chính quyền Mỹ Ngụy đang áp dụng loại hình “chiến tranh đặc biệt” tại Việt Nam. Thời điểm này, địch tăng cường càn quét khắp nơi để đẩy lực lượng ta ra xa. Để đối phó với địch, tướng Chu Huy Mân lúc này với tư cách là trưởng đoàn kiểm tra của Đảng ủy quân sự Trung ương đã cùng Đảng ủy Quân khu 5 nghiên cứu tình hình và quyết định di chuyển Bộ Tư lệnh xuống vùng giáp ranh để nắm chắc tình hình chiến trường, chấp nhận sự nguy hiểm ác liệt để gần dân hơn.

Muốn đánh và thắng địch những trận lớn, phải có lực lượng mạnh. Tướng Chu Huy Mân và Đảng ủy quân khu 5 quyết định đưa những cán bộ ưu tú của Quân khu xuống đơn vị, xây dựng những trung đoàn chủ lực với mục tiêu sử dụng những đại đội của ta tiêu diệt những đại đội của địch. Để chuẩn bị cho chiến dịch khu 5, tướng Chu Huy Mân đã cùng Đảng ủy Quân khu mở hội nghị du kích chiến tranh. Mỹ đổ quân tới đâu, vành đai diệt Mỹ mở rộng tới đó. Những tay súng du kích của chúng ta luôn là nỗi ám ảnh hãi hùng của quân xâm lược. Trận đầu ở Kỳ Sanh, rồi đến Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Trà Khúc, Vạn Tường, Núi Thành, Ba Gia - nơi được xem là cuộc đọ sức giữa bộ đội giải phóng và quân chủ lực của địch, ta đã giành chiến thắng vang dội, làm rung chuyển tuyến phòng ngự của chúng. Liên tiếp những chiến thắng của ta đã làm nức lòng quân và dân khu 5, đánh dấu sự phá sản của loại hình “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ.

Càng thua đau, Mỹ càng cay cú tìm cách trả đũa, đối phó, chúng đổ Sư đoàn kỵ binh số 1 xuống An Khê, dồn dân, lập ấp chiến lược nhằm tiêu diệt bộ đội chủ lực Tây Nguyên. Tháng 7 năm 1965, tướng Chu Huy Mân được cử lên Tây Nguyên làm Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận. Gặp gỡ cán bộ chiến sĩ tham gia chiến dịch Plâyme, ông nói: Bộ Tư lệnh mặt trận sẽ điều quân Mỹ tới đây cho các đồng chí đánh. Câu nói ấy tưởng như lời động viên, khích lệ bộ đội ta giữa chiến trường ác liệt, nhưng đó chính là kế sách mà sau này tướng Chu Huy Mân đã sử dụng trong các chiến dịch Plâyme, chiến dịch Sa Thầy với chủ trương dùng nghi binh, “lừa địch, dụ địch mà đánh”. Kế sách này từng được Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh - Nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5, nguyên Phó Tổng cục chính trị kể lại: “Anh Mân chủ trương dùng nghi binh. Cho các tiểu đội nổ súng rồi chèo thuyền bơi sang sông. Nó tưởng mình thua nó chạy đuổi theo. Địch sang đến gần bờ, mình quay lại phản công, nó ở dưới nước nên không chống lại được súng đạn của bộ đội ta từ trên bờ, trúng đạn nặng”.

Suối Yamơ, thung lũng Yađrăng, làng Plâyme, sông Pôcô của huyện Chưprông tỉnh Gia Lai - những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông đã ngân lên với Nhân dân Việt Nam và Nhân dân thế giới như một bản anh hùng ca. Bằng sự mưu trí, tinh thông trong nghệ thuật quân sự, với khẩu hiệu “bám thắt lưng địch mà đánh”, tướng Chu Huy Mân đã chỉ huy quân giải phóng Việt Nam giáng những đòn chí mạng vào chính quyền Mỹ Ngụy, hạn chế tối đa sức mạnh quân sự của một đế quốc hùng mạnh.

Như một con ác thú giãy chết, vào cuối những năm 60, chính quyền Mỹ Ngụy đã dồn hết lực lượng, phương tiện chiến tranh ném bom hủy diệt miền Nam, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường khu 5. Trong tình thế ấy, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5 Chu Huy Mân đã chủ trương đổi khẩu hiệu “chiến đấu và sản xuất” thành “sản xuất và chiến đấu”, ông đã bàn bạc với Đảng ủy và đưa ra chủ trương: mỗi cán bộ, chiến sĩ phải trồng một gốc sắn làm lương thực đánh Mỹ. Hơn 30 triệu gốc sắn đã trồng góp phần giữ vững cả một mặt trận. Không hoang mang, nao núng trước mọi tình thế, chủ động biến sức mạnh của địch thành sức mạnh của ta, thận trọng, quyết đoán chính xác trong từng vấn đề, đó chính là tài thao lược của tướng Chu Huy Mân. Là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, ông đặt ra yêu cầu: mỗi cán bộ chiến sĩ phải mạnh về quân sự, vững vàng về chính trị. Từ phong trào ‘tìm Mỹ mà đánh, tìm Ngụy mà diệt” nhiều tập thể và cá nhân đã trở thành những tấm gương điển hình, được nhân rộng ra cả khu 5 và chiến trường miền Nam. Năm 1967, trong một lần ra thủ đô báo cáo tình hình chiến trường khu 5 với Bác Hồ, tướng Chu Huy Mân đã được Bác tiếp thân mật, biết ông là Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bác cười vui nói: “chú gánh cả hai vai cho khỏe”. Từ đó, đồng đội của Chu Huy Mân đã gọi ông với cái tên thân thương: Anh Hai Mạnh.

nhung-cai-tet-ac-biet-cua-tuong-thuoc-box2-copy.jpg

Tướng Hai Mạnh trở thành nỗi khiếp đảm của Mỹ Ngụy trên chiến trường khu 5, mặt trận Tây Nguyên. Ông cầm quân đến đâu, kẻ thù thua chạy ở đấy, càng đánh càng lớn mạnh, lớp lớp thanh niên các dân tộc có mặt trong các sư đoàn chủ lực của khu 5 lập nên nhiều chiến công lớn, tạo thế và lực mới cho toàn chiến trường. Mùa xuân năm 1975, ở Tây Nguyên, trận then chốt Buôn Ma Thuột đã đẩy địch vào thế bị động chiến lược, có được những thay đổi phù hợp với tình hình. Với cương vị Tư lệnh Quân khu 5, đoán biết quân địch sẽ bỏ Tây Nguyên, tướng Mân bàn với Bộ Tư lệnh nhanh chóng tiến công vào thị xã Tam Kỳ, cắt đứt con đường thoát của chúng, tạo bàn đạp tiến công Đà Nẵng. Sau khi giải phóng Tam Kỳ, Quân khu 5 phối hợp với cánh quân khác vào giải phóng Đà Nẵng, căn cứ liên hợp lớn nhất miền trung của địch. Chiến thắng này đã tạo thế và lực để quân đội ta mở cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Nhiều tướng sĩ Mỹ không thể tin được rằng: quân đội Nhân dân Việt Nam, dưới sự chỉ đạo của các tướng lĩnh, hầu hết đều xuất thân là nông dân áo vải như Chu Huy Mân lại có thể đối đầu và chiến thắng họ. Họ đâu biết rằng, những vị tướng - nông dân như Chu Huy Mân đã được trưởng thành chính từ trong phong trào cách mạng, được đào tạo chính trong môi trường chiến tranh ác liệt nhất, giữa lòng Nhân dân Việt Nam yêu nước. Trung tướng Nguyễn Quốc Thuớc, một người học trò, người đồng đội của Đại tướng Chu Huy Mân đã chia sẻ với chúng tôi: “Trong điều kiện của cách mạng lúc bấy giờ, anh Mân không được học hành bài bản như thế hệ chúng tôi và thế hệ sau này, nên mỗi người có một sở trường, sở trường của anh Mân là thâm nhập thực tế. Anh ấy cho rằng đây là một nhà trường lớn nhất, và chính anh sau này cũng dạy cho chúng tôi. Và chúng tôi kiểm nghiệm lại thì thấy anh là một học trò vĩ đại của trường thực tế, trường đời”

anh2-copy.jpg

tit3.jpg

Chiến tranh kết thúc, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trong hòa bình. Tướng Chu Huy Mân đã được bầu vào Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong các kỳ Đại hội 4 và Đại hội 5, giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước (nay là Phó Chủ tịch nước)… 10 năm giữ chức vụ Tổng cục Chủ nhiệm chính trị, ông tiếp tục có những cống hiến đối với quân đội Nhân dân Việt Nam với việc tham mưu cho Đảng ủy Quân sự Trung ương, chỉ đạo công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng khối quân đội vững mạnh. Lý tưởng cách mạng đã soi sáng ông trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ sống cho đất nước, vì đất nước. Mãi về sau, khi Đảng và Nhà nước đã cho ông được nghỉ, ông vẫn lặng lẽ cống hiến, cống hiến cho đến hơi thở cuối cùng, như lời kể của bác sỹ Nguyễn Hồng Triền “Thời gian nằm viện bệnh nặng nhất, anh luôn suy nghĩ về Đảng. Sau Đại hội 10 anh đọc nghị quyết rồi thì anh suy nghĩ như thế nào để Đảng ta khi có nghị quyết rồi thực hiện được, và lo cho quân đội từng bước tiến lên chính quy. Và từ khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 51-NQ/TW, anh rất phấn khởi, và anh quyết tâm, trong khi nằm viện phải hoàn thành một cuốn tài liệu về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội. Anh ấy bảo, Triền ơi, từ giờ, mỗi buổi sáng cậu vào viện sớm một hơn một tí để chúng ta viết tiếp. Anh đang sốt, đang chuyền nhưng mỗi lần tôi vào buổi sáng như thế thì tôi viết cho anh được 4 trang. Anh đọc tôi viết, anh suy nghĩ rồi đọc tôi viết. Viết xong thì đến giờ làm thuốc. Và đến hôm sau, anh lại đề nghị viết tiếp đoạn kết của cuốn sách. Hôm sau thì bệnh nặng hơn rồi, và anh buộc phải kết thúc cuộc đời suy nghĩ và viết lách từ đây”

Ở một góc khác của cuộc đời, Đại tướng Chu Huy Mân là người từng phải kinh qua nhiều sóng gió, chịu đựng những mất mát mà không phải ai cũng có thể vượt qua. Lớn lên trong một gia đình nghèo đến cơ hàn, bố mất sớm, mẹ phải bán các chị gái để kiếm tiền nộp sưu thuế cho chế độ thực dân phong kiến. Lúc trưởng thành, làm tướng lĩnh trong quân đội, chẳng mấy khi ông được về nhà, gần vợ, gần con, vì nhiệm vụ với đất nước luôn đang đè nặng lên đôi vai. Và rồi người con trai của ông cũng đã hi sinh khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào… Thế nhưng, gạt những đau thương, mất mát ấy vào trong, ông đã trở thành một điển hình của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam, đã để lại trong lòng đồng bào, chiến sĩ cả nước và cháu con hình ảnh một vị tướng với tài năng, đức độ sáng ngời. Con gái Đại tướng Chu Huy Mân, bà Chu Thị Minh Hà đã nói về cha của mình: “Tôi không được ở với ba tôi từ lúc nhỏ. Bởi vì ba tôi đi chiến trường từ khi tôi học lớp 1 cho đến khi tôi vào đại học thì ba tôi mới trở về. Tuy không được ở gần ba trong những ngày thơ ấu nhưng cái mà lưu giữ sâu nặng nhất đối với tôi đấy là một người cha sống rất tình cảm. Ông đã dạy cho chúng tôi sự chia sẻ, nhẫn nhịn và biết sống vì mọi người”

Anh-7.jpg
Đại gia đình Đại tướng Chu Huy Mân hôm nay

Hòa mình với quần chúng, lắng nghe tâm tư, ý kiến của mọi người, đó là nguyên tắc sống, làm việc của ông từ khi mới bước vào hoạt động cách mạng. Ngay cả khi đảm trách những vị trí quan trọng của Đảng, Nhà nước và quân đội, ông luôn là người đem những hiểu biết và kinh nghiệm của mình, truyền thụ cho thế hệ sau. Gần một thế kỷ cống hiến cho đất nước, đôi bàn chân người lính đã đi qua nhiều nẻo đường gian nan của cách mạng. Dù miền xuôi hay miền ngược, lúc khó khăn cũng như khi thuận lợi, chưa giây phút nào trong ông phai nhạt lý tưởng cộng sản. Ông là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tấm gương tiêu biểu bộ đội Bác Hồ, như lời của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi nhận xét về ông:

lkp.jpg

Trọn cuộc đời cống hiến cho đất nước, cho dân tộc với 76 năm tuổi Đảng, 61 năm tuổi quân, Đại tướng Chu Huy Mân, vị Đại tướng của quân đội Nhân dân Việt Nam với cái tên Hai Mạnh - mạnh về chính trị, mạnh về quân sự sẽ luôn sống mãi trong lòng cán bộ, đồng bào và đồng chí cả nước. Tác phong giản dị, gần gũi, đạo đức trong sáng, khiêm tốn, tinh thần dũng cảm, kiên cường của vị tướng áo vải là một trong những minh chứng sinh động cho lẽ sống, tinh thần, sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 nhiều khó khăn, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào.

Anh-8.jpg
Nhà thờ Đại tướng Chu Huy Mân, xã Hưng Hòa, TP Vinh