Các Đề án đã được cử tri và Nhân dân đồng thuận cao, thông qua Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh tán thành chủ trương. UBND tỉnh đã hoàn thiện các hồ sơ có liên quan, trình chính phủ theo đúng yêu cầu, kế hoạch của Trung ương đề ra. Hiện nay, Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Quá trình thực hiện sắp xếp, những vấn đề được quan tâm nhất phải kể đến tên gọi của xã sau sáp nhập; việc sắp xếp, giải quyết chế độ cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; việc lựa chọn địa điểm đặt trụ sở xã mới sau sáp nhập; việc thực hiện thủ tục hành chính cho người dân do thay đổi tên gọi đơn vị hành chính... Xác định đây là vấn đề "nóng", được cử tri và Nhân dân đặc biệt quan tâm, tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024), HĐND tỉnh đã tiến hành phiên chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi, đại biểu HĐND tỉnh đã đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ về các giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra trong sắp xếp đơn vị hành chính, trong đó có việc ban hành chính sách đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.
Dự kiến có 1.250 người hưởng chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính
Sau khi thực hiện các Đề án, toàn tỉnh sẽ giảm 01 đơn vị hành chính cấp huyện, 48 đơn vị hành chính cấp xã. Số lượng cán bộ, công chức cấp huyện dôi dư là 207 người; Số lượng cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 799 người; Số lượng người hoạt động không chuyên trách dôi dư là 392 người; Số lượng Ủy viên thường trực Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Ủy viên thường vụ các đoàn thể cấp xã dôi dư là 245 người; Số lượng Hợp đồng lao động hỗ trợ, phục vụ dôi dư là 111 người. Tuy nhiên, theo lộ trình giải quyết dôi dư từ năm 2025-2029 trong Đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì có 504 người dự kiến nghỉ hưu, nghỉ theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP và điều chuyển qua xã khác. Vì vây, dự kiến có 1.250 người được hưởng chính sách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật và thực tiễn của địa phương, Sở Nội vụ đã xây dựng Dự thảo Nghị quyết, lấy ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành; các Ban Đảng thuộc Tỉnh ủy; các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố, thị xã và gửi đăng lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, gửi Sở Tư pháp thẩm định. UBND tỉnh thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 7, báo cáo Ban cán sự đảng UBND tỉnh trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất thông qua chủ trương ban hành Nghị quyết tại phiên họp thường kỳ tháng 8.
Ngày 13/9/2024, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 7859/TTr-UBND về việc ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, hợp đồng lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Để nắm bắt thông tin, ý kiến từ cơ sở phục vụ công tác thẩm tra dự thảo Nghị quyết trước khi trình Hội đồng nhân dân tỉnh, trung tuần tháng 9, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát, làm việc, trực tiếp lắng nghe ý kiến của đại diện lãnh đạo UBND huyện Yên Thành và Quỳnh Lưu, UBND các xã thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Tâm tư, kiến nghị về chính sách đối với cán bộ dôi dư
Qua hoạt động khảo sát của Ban Pháp chế, đại diện lãnh đạo các huyện và các xã thực hiện sắp xếp đều kiến nghị HĐND tỉnh sớm ban hành chính sách đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính. Cùng với chính sách của Trung ương tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế, các đối tượng dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính sẽ được hưởng thêm chính sách tại nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành. Điều đó thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của tỉnh trong việc giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư, trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn. Việc ban hành chính sách của tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp nghỉ việc, hưởng chế độ.
"Nhiều cán bộ, công chức khác trong xã đang trông chờ vào chính sách của tỉnh để đề xuất nghỉ hưu trước tuổi hoặc thôi việc ngay" Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu trao đổi với Đoàn khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Còn theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc "Tâm lý của cán bộ, công chức vẫn trông chờ vào lộ trình thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong thời gian tới nên những người nghỉ việc mong muốn chính sách giải quyết dôi dư thỏa đáng, để họ không bị thiệt thòi".
Đại diện các xã cũng trao đổi về đặc thù của đối tượng là cán bộ, công chức cấp xã với nhiều trường hợp trưởng thành từ cơ sở. Trước khi được bầu làm cán bộ xã thì đã trải qua nhiều năm làm Trưởng thôn, Xóm trưởng, Bí thư Chi bộ, cán bộ không chuyên trách xã, sau đó được bầu làm cán bộ xã, chuyển sang công chức xã. Do vậy, hệ số lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của nhiều cán bộ, công chức xã còn thấp. Có một số trường hợp đủ điều kiện về độ tuổi để nghỉ hưu trước tuổi nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội. Còn những trường hợp đủ điều kiện hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì tiền lương hưu hàng tháng sẽ rất thấp. Vì vậy, các xã kiến nghị chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư cần xem xét đến những yếu tố này.
Còn đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đại diện lãnh đạo UBND huyện Yên Thành và các xã kiến nghị khi giải quyết chế độ dôi dư cần quan tâm ghi nhận cả quá trình, thời gian cống hiến của họ. Bởi vì thực tế, có nhiều trường hợp có thâm niên hơn 20 năm đảm nhận chức danh cán bộ không chuyên trách cấp xã, nhưng đã trải qua nhiều chức danh không chuyên trách khác nhau.
Ngoài các chức danh người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo quy định tại Nghị quyết của HĐND tỉnh, đại diện các xã kiến nghị xem xét, hỗ trợ đối với những đối tượng khác ở xã cũng hoạt động theo nhiệm kỳ, do đại hội bầu như Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, Ủy viên Thường vụ các đoàn thể cấp xã, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy cấp xã.
Đại diện UBND hai huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành và các xã cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với nguyên tắc hoàn lại quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP "Đối tượng tinh giản biên chế nếu được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế thì phải hoàn trả lại số tiền trợ cấp đã nhận cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đã chi trả trợ cấp". Đa số ý kiến cho rằng nguyên tắc này khó thực hiện và không khuyến khích được cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nghỉ việc. Vì vậy, các ý kiến kiến nghị cần xem xét kỹ lưỡng nếu chính sách của tỉnh cũng quy định nguyên tắc này hoặc quy định theo hướng giảm thời gian được bầu cử, tuyển dụng lại vào cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong 24 – 36 tháng kể từ ngày nghỉ việc.
Bên cạnh các ý kiến, tâm tư liên quan đến nguyên tắc và chính sách đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính, có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể thời hạn giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư để các đối tượng này yên tâm khi thực hiện tinh giản biên chế.
Có thể thấy rằng, quá trình thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn tôn trọng, cầu thị lắng nghe ý kiến của người dân, thực hiện tốt công tác tư tưởng cán bộ, tạo sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và Nhân dân. Chính vì vậy, mặc dù là một trong những địa phương có số lượng đơn vị hành chính sắp xếp lớn nhất cả nước giai đoạn 2023 – 2025, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự tin tưởng, đồng thuận của cử tri và Nhân dân, Nghệ An đã hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 và phương án của giai đoạn 2026 -2030, vượt tiến độ trước 3 tháng và được Bộ Nội vụ tuyên dương là một trong những đơn vị thực hiện tốt công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, chính sách đối với cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính sẽ được xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng, thấu đáo trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn của địa phương./.