bna-2863-01-657--n1.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XVIII

Kế thừa, phát huy và đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn

Nhiệm kỳ 2016 - 2021, HĐND tỉnh Nghệ An đã tổ chức 08 phiên chất vấn với 17 nội dung đối với các thành viên của UBND tỉnh; Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trung bình mỗi kỳ họp của HĐND tỉnh Nghệ An có từ 14 đến 17 ý kiến chất vấn đối với thành viên UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn. Hình thức chất vấn có nhiều đổi mới; ngoài phần trả lời của các thành viên UBND được chất vấn, chủ tọa điều hành còn mời thêm lãnh đạo các cơ quan liên quan cùng tham gia để cung cấp, làm rõ, bổ sung thêm một số thông tin cần thiết. Các phiên chất vấn của HĐND tỉnh đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Không khí chất vấn sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ, trách nhiệm, thu hút được cử tri và nhân dân theo dõi. Phát huy những kết quả đạt được, từ đầu nhiệm kỳ 2021 -2026 đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 04 phiên chất vấn với 08 nội dung thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đời sống mà cử tri quan tâm. Kết luận các nội dung chất vấn, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đã nêu trong Báo cáo trả lời chất vấn của UBND tỉnh và Thông báo kết luận chất vấn của Thường trực HĐND tỉnh để khắc phục những hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong các lĩnh vực được chất vấn tại kỳ họp, báo cáo kết quả với HĐND tỉnh tại kỳ họp thường lệ tiếp theo.

Hoạt động chất vấn tại các kỳ họp của HĐND tỉnh Nghệ An không ngừng được đổi mới, ngày càng hiệu quả. Hoạt động này được HĐND tỉnh quan tâm tổ chức vào kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm; trước mỗi phiên chất vấn, Thường trực HĐND chỉ đạo các Ban, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh thảo luận lựa chọn nội dung và chuyển đến UBND tỉnh trước 5 đến 10 ngày diễn ra khai mạc kỳ họp, để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan chuẩn bị chu đáo. Trong điều hành kỳ họp luôn có sự đổi mới theo hướng giảm thời gian đọc báo cáo, dành nhiều thời gian cho nội dung thảo luận và chất vấn. Để nâng cao nhận thức và kinh nghiệm về kỹ năng hoạt động chất vấn cho đại biểu HĐND, ngoài các lớp tập huấn do Sở Nội vụ tổ chức theo luật định, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử của Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có nhiều chuyên đề về kỹ năng chất vấn tại kỳ họp... Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cũng đã tổ chức 04 Hội nghị giao ban quý với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố để thảo luận về các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả các kỳ họp HĐND nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng.

Một số hạn chế và giải pháp

Tuy nhiên, qua đánh giá kết quả các kỳ họp HĐND tỉnh cho thấy, còn có một số đại biểu ngại va chạm, thiếu tích cực trong chất vấn hoặc thiếu kỹ năng tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề trong khi chất vấn; khả năng phát hiện các vấn đề trong quá trình chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh chưa cao, chưa tuân thủ thời gian quy định của chủ tọa kỳ họp cho 01 lượt chất vấn. Vẫn còn một số trường hợp người bị chất vấn còn trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề; việc trao đổi, truy vấn trực tiếp tại kỳ họp còn ít. Việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng liên quan trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau chất vấn của HĐND tỉnh đôi lúc còn thiếu quyết liệt. Nguyên nhân hạn chế chủ yếu do việc cung cấp các nguồn thông tin cho đại biểu chưa đáp ứng yêu cầu so với thực tế; trình độ, năng lực, kỹ năng hoạt động của một số đại biểu HĐND còn hạn chế; còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Phần lớn đại biểu hoạt động trong các cơ quan quản lý nhà nước chưa tích cực đặt câu hỏi chất vấn, rất ít đại biểu là thành viên UBND và lãnh đạo cấp huyện đặt câu hỏi đối với người được chất vấn; chủ yếu vẫn dựa vào các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, trong khi đại biểu chuyên trách chiếm tỷ lệ rất thấp so với tổng số đại biểu HĐND.

ipiccy_image.jpg
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp HĐND tỉnh

Để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh chọn các vấn đề bức xúc, mang tính thời sự, nổi cộm chưa được xem xét hoặc giải quyết chưa thấu đáo; nhất là những vấn đề có liên quan đến chính sách xã hội; quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Từ nhiều kênh thông tin như giám sát, tiếp xúc cử tri, đề xuất của các đại biểu HĐND, từ các phương tiện thông tin đại chúng và thực tiễn cuộc sống, nội dung chất vấn được lựa chọn và nhóm thành các lĩnh vực cụ thể. Sau khi chọn nội dung dự kiến chất vấn sẽ có văn bản và thống nhất để UBND tỉnh, các cơ quan liên quan có thời gian chuẩn bị trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn liên quan đến thẩm quyền chức năng giải quyết của nhiều cá nhân, đơn vị hoặc có những nội dung không giải quyết được trong kỳ họp, cần có thêm thời gian kiểm chứng, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các tổ chức, cá nhân được chất vấn tiếp thu để trả lời trực tiếp tại kỳ họp sau.

Sau khi xác định nội dung sẽ chất vấn, các Ban HĐND tổ chức thẩm tra các báo cáo của UBND và các cơ quan chuyên môn một cách chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Nâng cao chất lượng công tác giám sát, khảo sát chuyên đề, nhất là những lĩnh vực nổi cộm ở địa phương, lĩnh vực có nhiều ý kiến cử tri quan tâm. Qua đó, cung cấp những thông tin chính xác, khách quan về những lĩnh vực mà nhiều cử tri quan tâm để đại biểu HĐND nắm bắt, làm căn cứ đặt câu hỏi chất vấn. Trong quá trình diễn ra phiên chất vấn, các Ban cần theo dõi, giám sát chặt chẽ việc trả lời chất vấn của các tổ chức, cá nhân có liên quan, có ý kiến phản biện nếu những vấn đề đó thuộc lĩnh vực Ban mình phụ trách hoặc tham mưu cho Chủ tọa kỳ họp để yêu cầu người trả lời chất vấn làm rõ.

gs.jpg
Một số hình ảnh Đoàn Giám sát chuyên đề Thường trực HĐND tỉnh

Bên cạnh vai trò của các Ban HĐND tỉnh, mỗi đại biểu HĐND cần nâng cao nhận thức, làm tốt vai trò của mình trong hoạt động chất vấn để đưa ra những câu hỏi cụ thể, rõ ràng, thể hiện chính kiến của mình, của cử tri, của địa phương hoặc vấn đề điển hình của việc thực thi pháp luật của các ngành, các cấp chính quyền. Đại biểu phải nắm thông tin chính xác, trên cơ sở đi thực tế hoặc qua giám sát để lựa chọn vấn đề cử tri quan tâm chất vấn. Quá trình chất vấn đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh, tự tin và nghị lực, không nể nang, e ngại; tranh luận đến cùng vấn đề đại biểu đưa ra để làm sáng tỏ và tìm ra những giải pháp có tính khả thi. Đối với những nội dung chất vấn đại biểu không đồng tình với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị HĐND thảo luận tại kỳ họp hoặc kiến nghị HĐND xem xét trách nhiệm đối với người được chất vấn. Sau chất vấn, đại biểu HĐND cần tích cực giám sát việc thực hiện lời hứa của các cơ quan với cử tri.

Để chất vấn đạt hiệu quả cả bên hỏi và bên trả lời cần phải tích cực, thiện chí, trách nhiệm. Về phía HĐND cần chất vấn đúng vào những vấn đề đông đảo cử tri quan tâm hoặc những vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đồng thời, phải tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết của HĐND cùng cấp và giám sát việc thực hiện lời hứa của người được chất vấn đối với cử tri. UBND và các cơ quan chuyên môn liên quan cần nêu cao trách nhiệm trong trả lời chất vấn. Nội dung trả lời phải cụ thể, trọng tâm, rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm, đưa ra được phương hướng, lộ trình cụ thể giải quyết vấn đề đại biểu, cử tri kiến nghị. Ngay sau phiên chất vấn, UBND cần chỉ đạo kịp thời thực hiện các nội dung việc giải quyết các vấn đề đại biểu, cử tri đã chất vấn. Để làm được điều đó, cần duy trì thực hiện nghiêm túc Quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp. Qua đó, những vấn đề phát sinh được trao đổi, tháo gỡ kịp thời, hiệu quả, trong đó có công tác chuẩn bị cho hoạt động chất vấn và giải quyết các vấn đề sau phiên chất vấn.

Thông qua hoạt động chất vấn, các vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội, những ý kiến, kiến nghị của cử tri được đại biểu phản ánh rõ nét tại các kỳ họp của HĐND tỉnh. Qua việc trả lời chất vấn, HĐND xem xét, đánh giá hiệu quả công tác của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu cơ quan, đơn vị của UBND tỉnh. Vì vậy nâng cao chất lượng của hoạt động này là một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An Khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.