Theo phản ánh của người dân, liên tục trong 4 năm nay (2020 – 2023) đều xảy ra sạt lở bờ sông. Ông Phạm Văn Long, một người dân ở xóm Liên Khai nhớ lại: Vào mùa mưa năm 2022, nước trên sông Giăng dâng cao, gây sụt lở sâu vào chân đê ở nhiều đoạn, trong đó có đoạn vào sâu 20m, có đoạn hiện chỉ cách mặt đê khoảng 4 – 5 m. Ngay trong đêm, cả huyện và xã huy động lực lượng quân đội, dân quân các xã hỗ trợ dân di chuyển cả người và tài sản; đồng thời tập trung lực lượng gia cố bờ sông.

Bờ sông Giăng có đoạn sạt lở gần đến bờ đê và sát nhà dân ở

Cùng xóm Liên Khai, nhà ông Lê Văn Hà cách mặt đê khoảng 30m và là người trực tiếp chứng kiến cảnh cả khối đất ở bờ sông đổ sụt xuống khi nước sông Giăng lên và chảy siết vào chân đê vào tháng 8/2023, ông lo lắng: “Không chỉ hơn 400 hộ dân xóm Liên Khai nằm ngay dọc đê sông bị đe dọa an toàn khi mùa mưa đến, nước sông Giăng dâng cao, mà còn là nguy hiểm cho người dân ở các xóm Liên Trường, Liên Minh, Liên Đức bởi địa hình Thanh Liên thấp trũng.

Không chỉ đe doạ đến an toàn của người dân, ông Lưu Công Hiệp – Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liên cho biết: Tình trạng xói lở bờ sông thời gian qua đã gây sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân với chiều dài hơn 1 km và độ sâu sạt lở vào 5m; đồng thời làm sạt lở công trình trạm bơm tưới tiêu của địa phương, nguy cơ sẽ bị cuốn trôi trạm bơm này. Đặc biệt dự án nhà máy may Masuka của Nhật Bản nằm sát sông Giăng đang có nguy cơ bị sạt lở nếu không có giải pháp xây dựng bờ kè sông Giăng và gia cố bờ đê. Vấn đề này, không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của nhà máy, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động là con em huyện Thanh Chương với khoảng 1.500 người, mà còn ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của tỉnh. Trước mắt, để chống việc trôi trạm bơm phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa qua huyện đã trích từ nguồn hỗ trợ thiên tai để gia cố kè khoảng 30m ở khu vực trạm bơm.

Đoạn kè và đê sông xung yếu qua dự án nhà máy may Nhật Bản

Thực trạng xói lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân Thanh Liên đã diễn ra trong nhiều năm. Quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, trên tuyến sông Giăng đã có dự án đầu tư xây dựng đê chống lũ, trong đó đoạn đi qua xã Thanh Liên dài hơn 6,5 km và xây dựng kè gần 3 km, tuy nhiên đã dừng thi công từ đầu năm 2022 đến nay. Do làm dang dở, nên mỗi khi mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về tạo thành “túi nước” tại đoạn chưa làm kè, càng gây sạt lở nghiêm trọng hơn. Lý do dừng dự án, theo thông tin từ Chi cục Thuỷ lợị Nghệ An là thiếu nguồn vốn đầu tư và hiện nay để tiếp tục thi công dự án này, UBND tỉnh đã có chủ trương cho dừng dự án và lập dự án mới, huy động nguồn vốn tiếp tục xây dựng kè, đê chống lũ đoạn qua Thanh Liên.

Trước tình trạng sạt lở như hiện nay, thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm vào cuộc, coi đây là công trình cấp bách, tập trung đẩy nhanh tiến độ các bước triển khai, để dự án sớm được đầu tư đồng bộ và hiệu quả, góp phần đảm bảo cuộc sống của hơn 2.100 hộ dân bị ảnh hưởng và hơn 520 ha diện tích sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương Thanh Liên./.