Đồng thời nêu rõ, nên cạnh những thành tựu quản lý, cải tạo, sử dụng có hiệu quả các dòng sông phục vụ sản xuất và đời sống thì vẫn còn những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm tồn tại cả khách quan và chủ quan. Khách quan là, nguồn nước nói chung, sông suối nói riêng, hơn 60% khối lượng nước từ nước ngoài chảy vào, chỉ có gần 40% nguồn nước nội sinh cùng tác hại ghê gớm của biến đổi khí hậu. Chủ quan là, tổ chức, doanh nghiệp và người dân mạnh về khai thác sử dụng; nhẹ về ý thức bảo vệ, thậm chí còn làm xấu đi môi trường sông nước, lưu vực...

Để bảo vệ và phát huy thế mạnh vốn có của môi trường sông nước, rất cấp thiết phải triệt để sử dụng một số biện pháp vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Thứ nhất, phải làm cho mỗi người dân là một “chiến sĩ” bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước.

Thực tế cho thấy, tình hình gìn giữ, bảo vệ môi trường sông nước của người dân ở nhiều địa phương ít có chuyển biến (tình trạng vứt súc vật chết dịch, quẳng rác thải, xả nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra sông, ngòi, nơi công cộng vẫn rất phổ biến) làm cho môi trường ngày càng xấu đi nghiêm trọng. “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” mà từng người dân chưa vào cuộc thì có lẽ môi trường cũng khó có thể được cải thiện.

2024-6-4-3-2-1717899754876.jpg
Toàn cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn với lĩnh vực tài nguyên và môi trường ngày 4.6.2024

Bởi vậy, cấp bách phải đưa luật pháp về bảo vệ môi trường đến từng người dân. Quốc hội đã cân đối đủ kinh phí để Chính phủ triển khai công việc trọng đại này. Do vậy, hàng năm Chính phủ không chỉ báo cáo việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật mà rất cần báo cáo cụ thể với Quốc hội về kết quả việc triển khai và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường ở các địa phương như thế nào? Về quản lý ở cấp xã, đi đôi với việc nêu gương tốt bảo vệ môi trường, cũng cần thiết công bố công khai những điển hình xấu (gia đình, cá nhân) vi phạm nghiêm trọng luật pháp, làm hư hại môi trường. Mọi biện pháp nhằm làm cho mỗi người dân hiểu rõ, bảo vệ môi trường nói chung, môi trường sông nước nói riêng chính là bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của mình, từ đó mà mỗi người tự nguyện làm một “chiến sĩ” bảo vệ môi trường.

Thứ hai, người đứng đầu các khu công nghiệp, khu chế xuất, Tổng Giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp phải trực tiếp chịu trách nhiệm về những sai phạm môi trường thuộc phạm vi hoạt động của mình.

Nếu khu vực dân cư có sự vi phạm môi trường theo chiều rộng (mỗi người, mỗi hộ xả thải một ít, gộp lại trong cả nước thành khối lượng vô cùng lớn) thì khu vực sản xuất công nghiệp vi phạm cả chiều rộng và cả chiều sâu (nhiều doanh nghiệp cùng vi phạm, cùng xả thải với khối lượng lớn và tác hại là cực kỳ nghiêm trọng). Hiện tại, dư luận xã hội đang bức xúc nói về việc gây ô nhiễm nguồn nước của các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó ngành điện rất đáng quan tâm. Cả nhiệt điện than, thủy điện đều đang có những vấn đề lớn, gây ra những sự cố đặc biệt nghiêm trọng cho môi trường. Nhiệt điện than đang chiếm tỷ trọng lớn, hơn 50%. Ngoài phát thải khí CO2 chiếm tới 37% gây ra hiệu ứng nhà kính; ô nhiễm đất, không khí còn làm ô nhiễm nặng các nguồn nước, phần lớn các nhà máy nhiệt điện đều trực tiếp xả thải nước ra sông, suối. Trong nước xả thải này thường có thủy ngân, thạch tín là những nguyên tố rất độc hại (một số chuyên gia nói rằng, phát triển nhanh nhiều nhà máy nhiệt điện là đi ngược lại xu thế thời đại).

2024-6-4-3-3-1717899863081.jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh báo cáo một số vấn đề liên quan nội dung chất vấn

Gần 20 năm trước xây dựng thủy điện nhỏ như một phong trào rầm rộ, đến bây giờ bên cạnh “cái được” nho nhỏ thì một loạt “cái hại” to to, bất cập phát sinh, một số nơi sau mưa chỉ chưa đầy 10 phút là lũ đã "xóa trắng" cả một bản (bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa ngày 3.8.2019). Tình trạng tranh dành nước cho thủy điện và nước cho sản xuất nông nghiệp; tranh dành nước sinh hoạt từ cấp thôn bản lên đến cấp tỉnh diễn ra gay gắt... Bây giờ “phong trào” làm thủy điện nhỏ đã lắng xuống.

Nhiều doanh nghiệp tiếp tục vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi... với mức độ nghiêm trọng, nhưng vẫn chỉ bị phạt hành chính, “phạt cho tồn tại”, chưa có Giám đốc nào phải ra tòa. Nếu nhìn lại một số năm trước đây, thì hàng chục công ty bị xếp loại gây ô nhiễm nghiêm trọng nhất Việt Nam, cũng vẫn tồn tại sau khi nộp phát hành chính, “bồi thường” nhỏ giọt, đứng đầu là Công ty thép Formosa (Hà Tĩnh), xả thẳng nước thải chưa xử lý ra biển, làm đình đốn sản xuất và đời sống của nhân dân 4 tỉnh từ Hà Tỉnh đến Thừa Thiên-Huế. Công ty Vedan làm ngưng trệ cả dòng sông Thị Vải... Người dân hai tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa ở lưu vực sông Bưởi khốn đốn vì một công ty mía đường xả nước thải chưa qua xử lý ra sông... Tuy nhiên, tất cả các Tổng Giám đốc, Giám đốc đều “bình an”!...

Doan-Lang-Son-1717900058876.jpg
Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Nay, để thể hiện rõ quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”, thì phải xử lý ngay các vụ vi phạm nghiêm trọng môi trường sông nước. Nghĩa là, cứ cố ý xả thải nước thải, chất thải chưa qua xử lý đạt chuẩn (tức là đã trắng trợn vi phạm pháp luật) đều phải xử lý (kể cả hình sự) và phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý rằng, thiên tai đã ghê gớm, nhưng “nhân tai” cộng với thiên tai càng kinh hoàng hơn. Phải xem xét, xử lý hình sự ngay theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) các vụ phá rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, các khu rừng bảo tồn thiên nhiên quốc gia mà ai cũng xót xa.

Thứ ba, Quốc hội cần siết chặt công cụ pháp luật.

Một là, Quốc hội cần đặc biệt quan tâm giám sát việc thi hành luật tại các bộ, ngành, địa phương xem mức độ luật pháp ăn nhập với cuộc sống như thế nào? Tại sao các chủ thể quản lý chỉ chăm lo khai thác mà không quan tâm đúng mức tới bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường? Đây là một chuyên đề rất xứng đáng được giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội.

Đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình và tổ chức giám sát chuyên đề về việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và phòng, chống ô nhiễm môi trường nước. Qua đó, đánh giá thực trạng những việc đã làm được, những hạn chế, bất cập, tìm ra nguyên nhân của hạn chế, bất cập trong việc quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn nước. Trên cơ sở đó, sẽ sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan; phân công, kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước cho hợp lý.

DSC_0444-1717900115156.jpg
Các đại biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: Lâm Hiển

Hai là, không có gì khác hơn đối với Quốc hội trong việc này là chuẩn hóa, đồng bộ hệ thống pháp luật về môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng. Hệ thống pháp luật hiện hành thuộc lĩnh vực này, gồm: Luật Tài nguyên nước (2012), Luật Phòng, chống thiên tai (2013), Luật Bảo vệ môi trường (2014), Luật Thủy lợi (2017)... Ngoài ra, còn có Luật Đa dạng sinh học (2008).

Trong quá trình thực thi các luật này đã phát sinh hàng loạt mâu thuẫn, có thể dẫn ra một số mâu thuẫn cụ thể, như: Mâu thuẫn giữa xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện với chủ trương bảo vệ đa tầng sinh học; mâu thuẫn giữa thượng lưu và hạ lưu do thủy điện chuyển dòng nước sang lưu vực sông khác; mâu thuẫn giữa phát triển thủy điện ở miền núi với việc sử dụng nguồn nước ở đồng bằng. Cùng với đó, còn là: Mâu thuẫn giữa các địa phương cùng sử dụng một con sông; mâu thuẫn trong việc chia cắt các nguồn nước để quản lý; mâu thuẫn giữa các bộ, ngành, địa phương khi cùng quản lý dòng sông, nguồn nước...

Do đó, cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các luật nói trên để giải quyết sớm các mâu thuẫn. Thiết nghĩ, đây là một trách nhiệm rất cấp bách của Quốc hội.

Thứ tư, Chính phủ cần “hành động và kiến tạo” quyết liệt trong khối công việc quốc kế dân sinh này.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức tổng kết đồng bộ việc thực hiện 3 đạo luật: Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Thủy lợi để đánh giá những mặt được, hạn chế, vướng mắc và làm rõ nguyên nhân, kiến nghị với Quốc hội sửa đổi, bổ sung kịp thời các luật này nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trước mắt, sớm rà soát hệ thống hóa các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật nêu trên, nhất là các Nghị định hướng dẫn thi hành các đạo luật này để khắc phục những chồng chéo, bất cập, bất hợp lý trong phân chia nguồn nước, phân công, phân cấp quản lý giữa ngành và lãnh thổ.

DBQH-Pham-Van-Hoa-Dong-Thap-1717900088693.jpg
ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tại phiên chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Hiện nay tổ chức bộ máy nhà nước của ta còn nhiều điều chưa hợp lý, đặc biệt riêng về lĩnh vực tài nguyên nước có 5 Bộ tham gia quản lý: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải. Cần phân loại tương đối chi tiết nguồn nước và phân định quản lý một cách khoa học. Từ đó, cấu trúc lại nhiệm vụ các bộ cho rành mạch, thông suốt, không “vướng chân” nhau, nhất là giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hiện đang có ý kiến cho rằng, việc thì ở Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhưng nhân lực thì phần lớn đang ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Thứ năm, các cơ quan tư pháp phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa.

Có một thực tế, đã từ lâu tội phạm về môi trường rất ít bị xử lý hình sự. Từ khi có Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đến nay vẫn trong tình trạng đó. Các tội phạm về môi trường, Bộ luật Hình sự mới này đã cụ thể hóa khá tốt, khá rõ ràng so với các Bộ luật Hình sự trước.

DBQH-Nguyen-Ngoc-Son-Hai-Duong-1717900184836.jpg
ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) tại phiên chất vấn. Ảnh: Hồ Long

Chương XIX- Các tội phạm về môi trường, gồm 12 điều (từ Điều 235 đến Điều 246), đều chi tiết hóa tội phạm; khá nhiều tội đã có căn cứ xác định được mức độ thiệt hại, đã có định lượng đi đôi với định tính. Trong đó, các tội thuộc “chuyên đề” này là: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), tội vi phạm quản lý chất thải nguy hại (Điều 236), tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản (Điều 242), tội hủy hoại rừng (Điều 243). Riêng tội gây ô nhiễm môi trường đã được cụ thể hóa, lượng hóa tới từng hành vi nhỏ; hiếm có một điều luật nào lại có độ dài tới 6 trang sách in khổ lớn...

Nói gọn lại là các chỗ “bó” trong xét xử hình sự tội phạm môi trường đã được tháo gỡ về cơ bản. Đề nghị các cơ quan tư pháp cần phát huy mạnh hơn hiệu lực của Bộ luật Hình sự mới, quyết liệt hơn trong xử lý các vụ vi phạm môi trường theo đúng pháp luật để an dân, để bảo đảm môi trường sống, làm việc yên lành của người dân và toàn xã hội.

Ts. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội