canh-chim-bang-thanh-than-a1.jpg

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến

Gần hai chục năm trước, khi phim “Đường đời” phát sóng trên VTV, cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bảo tôi, chú làm phim hay đấy, đưa những gương lập nghiệp lên màn hình là một lựa chọn không tồi. Chả là tôi tham gia nhóm biên kịch viết kịch bản “Đường đời” phóng tác câu chuyện của một doanh nhân từ hai bàn tay trắng lập lên sự nghiệp. Phim được khán giả hứng thú. Vẫn giọng đàn anh, Nguyễn Trọng Tạo nói thêm, anh sẽ đưa chú gặp một người này, đảm bảo chú sẽ thấy nước Việt ta không hiếm người tài nhưng để đặc biệt xuất sắc thì cũng chẳng nhiều đâu, chú tha hồ tìm hiểu và khai thác cho nghề phim của chú.

Nói là làm, ít ngày sau đó vị nhà thơ dẫn tôi đến nhà riêng người mà anh gọi là đặc biệt kia. Và đó cũng chính là lần đầu tiên tôi gặp gỡ tiếp xúc với doanh nhân Lê Thanh Thản, người từ nhiều năm nay được biết đến với thương hiệu “Mường Thanh” và biệt danh “ông Thản điếu cày” hoặc “đại gia điếu cày”.

canh-chim-bang-thanh-than-a2.png

Nghề nghiệp của tôi có điều kiện đi nhiều và gặp gỡ giao tiếp với những người ở mọi giai tầng xã hội. Có thể là chính khách, là yếu nhân là doanh nhân, công chức, người lao động thậm chí cả tầng lớp dân giang hồ và những thân phận dưới đáy. Bởi vậy việc gặp một người như nhà thơ đàn anh của tôi quảng bá suy cho cùng cũng là chuyện bình thường. Bấy giờ là năm 2004, ông Lê Thanh Thản đã chuyển vùng từ Lai Châu, Điện Biên tiến về Hà Nội, đặt chân ở khu Linh Đàm bằng khách sạn Mường Thanh Linh Đàm và khu đô thị Xa La ở Hà Đông.

Đã ít nhiều nghe tiếng tăm ông Thản điếu cày nhưng thú thật khi lần đầu gặp gỡ tôi khó hình dung ra nổi một người đặc biệt xuất sắc như mô tả của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại trong vóc dáng quê kiểng đến vậy. Đích thực là một nông dân chính hiệu, không chỉ ở trang phục đơn giản xuềnh xoàng, Lê Thanh Thản thấp đậm mới ngoài năm mươi nhưng lù khù chậm chạp như một con gấu vừa ngủ đông dậy. Khuôn mặt dầu dãi, ngang dọc hằn vết rãnh thời gian, dấu tích của sự vất vả từng trải. Duy có cặp mắt sáng nhận rõ sự tinh anh và hồn hậu cùng nụ cười ấm áp dễ gần. Giọng xứ Nghệ của ông trầm trầm hài hước. Chủ khách giới thiệu nhau. Ông bắt tay tôi rất chặt, tay kia vẫn khư khư cái điếu cày. Phả xong bụm khói to sụ che lấp gần hết mái đầu lốm đốm bạc, ông chỉ tay mời rất đỗi dí dỏm, ta mần cấy hầy. Tôi ngơ ngác trước phương ngữ Nghệ, Nguyễn Trọng Tạo hích hích tôi, nhậu nhậu ấy mà. Ra thế.

lethanhthan.png
Ông Lê Thanh Thản với chiếu điếu cày quen thuộc

Bữa cơm rượu gia đình, Lê Thanh Thản tiếp khách ngay tại nhà riêng ông mới làm khi chuyển về từ Điện Biên vài bốn năm trước. Khi quyết định chuyển về Hà Nội, ông đã khảo sát với những toan tính chỉ có những người làm kinh tế giỏi nghĩ ra, Linh Đàm thời kỳ đó còn hoang vu, đất đai rẻ, dồn vốn liếng ông mua đất làm nhà, xây khách sạn và mở ra những bước đầu tư tiếp theo cùng các doanh nghiệp khác biến Linh Đàm thành một khu đô thị lớn của Hà Nội.

Lại nói bữa rượu. Đa phần khách dự hôm ấy là người Nghệ thành thử thằng tôi Hà Nội nghe không rõ âm, hiểu không rõ nghĩa cứ ngơ ngơ như bò đội nón. Câu chuyện rượu chỉ xoay qua nghệ thuật bởi Nguyễn Trọng Tạo luôn là thủ lĩnh mọi mâm tiệc. Như thói thường khi ngà ngà bao giờ vị nhà thơ kiêm nhạc sĩ cũng chiêu đãi mọi người màn hát vo rất điệu đà những bài hát anh sáng tác bằng chất giọng cực khỏe.

Nghề nghiệp của tôi luôn thu nạp quan sát bằng sự cảm nhận. Cái cách đãi đằng bạn bè của chủ nhà tôi biết là rất chân tình. Bằng cớ là sự nhiệt tình, dân dã, cách bông lơn hóm hỉnh không khoảng cách dù trong bàn rượu có mấy người là cấp dưới của ông. Quả xứng danh ông Thản điếu cày, ông hút thuốc lào liên tục. Môn này dạo bộ đội tôi cũng đã dùng nên biết, hút như ông là quá nghiện và phổi quá khỏe.

nha-van-pham-ngoc-tien-trai-va-ong-le-thanh-than.jpg
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến (trái ảnh) và ông Lê Thanh Thản

Lê Thanh Thản chân thật nói choa không xem phim nhưng có nghe tiếng tôi, rồi bất ngờ ông nhìn kỹ mặt tôi nói, nhà văn bị bệnh lâu chưa. Lúc đó tôi mới phát hiện bệnh tiểu đường và gan B nên mặt bị phá bởi những nốt mẩn đỏ dị ứng rất xấu mã. Hỏi và ông đi vào trong lấy ngay ra tặng tôi mấy thứ biệt dược rừng núi quý hiếm, bảo em dùng thứ này sẽ đỡ. Tôi biết món quà của ông rất quý, lòng đầy cảm kích. Sự hào sảng dành cho người mới quen, gặp gỡ lần đầu này tôi biết chỉ có ở những người trọng thị tình cảm, không nệ vật chất, vượt qua mọi ranh giới quan hệ.

Bẵng một dạo, thương hiệu “Mường Thanh” đã nổi tiếng bằng những khách sạn ở những vị trí độc đáo thậm chí tách biệt ở các vùng dân cư khắp đất nước với một tốc độ khó tưởng tượng. Thi thoảng tôi có dịp gặp lại ông Lê Thanh Thản ở những cuộc giao tiếp doanh nghiệp như khánh thành khai trương công trình, dự án. Nói đến khách sạn Mường Thanh, tôi rất tâm đắc với lô gô hai cánh chim dang rộng rất riêng không trộn lẫn bất cứ một thương hiệu nào gắn trên nóc khách sạn. Ban đêm từ rất xa đã nhận ra Mường Thanh bằng chính lô gô cánh chim vàng sặc như kẻ dẫn lối rực rỡ ánh đèn. Ít gặp nhưng tôi quý trọng ông và luôn để tâm dõi theo sự phát triển của Mường Thanh cũng như tìm hiểu những gì nơi con người ông.

Năm 2017 nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo bị đột quỵ. Hồi phục chút ít anh lại bị mắc căn bệnh hiểm nghèo ung thư phổi. Cầm cự được một thời gian, đầu 2019 Nguyễn Trọng Tạo trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện Bạch Mai. Nhắc nhiều đến Nguyễn Trọng Tạo là bởi chính anh là cầu nối cho tôi gặp ông Thản điếu cày. Cũng chính anh kể nhiều chuyện về người bạn lính đồng hương này.

Ong-Le-Thanh-Than-va-----1.png
Ông Lê Thanh Thản và Giáo sư sử học Lê Văn Lan (ảnh trái); Ông Lê Thanh Thản cùng nhà văn Phạm Ngọc Tiến và anh em quê nhà (ảnh phải)

Những ngày sau cùng khi bệnh nhà thơ trở nặng, tôi nói với con gái Nguyễn Trọng Tạo bố trí cho tôi vào bệnh viện làm chút nghĩa cuối cùng chăm sóc một người anh tôi yêu quý. Hai đêm trong bệnh viện, anh Tạo còn tỉnh táo nói với tôi một số chuyện trong đó có nhắc về Lê Thanh Thản. Tôi biết hai người cùng đồng hương Diễn Châu, cùng chí khí hào sảng và cùng là lính một thời nên trân quý nhau luôn tìm đến nhau lúc khó khăn cũng như lúc trên đỉnh thành đạt. Trong mạch chuyện ngắt quãng vì sức yếu, Nguyễn Trọng Tạo nhắc nhiều về sự giúp đỡ của ông Thản điếu cày khi anh lâm bệnh dù đây là giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp Mường Thanh khi ông Thản lâm nạn vướng mắc chuyện pháp luật. Anh cũng nhắc lại điều mười mấy năm trước khi anh dẫn tôi đến gặp ông Thản ở nhà riêng Linh Đàm, phải làm một cái gì đó về con người đặc biệt này, anh chỉ có thơ và nhạc còn chú văn xuôi và phim. Tôi mỉm cười gật đầu để đẹp lòng anh dù biết rằng điều đó là rất khó thực hiện ở cả hai phía, tôi và ông Lê Thanh Thản.

Không hẳn là di nguyện, nhưng những điều nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói luôn xoay trở trong tôi. Đến mức lần gặp gần nhất cách đây hơn tháng, tôi không cầm lòng được buộc phải nói ra với ông. Lê Thanh Thản chỉ cười và khẽ lắc đầu. Tôi biết tính ông rất không khuyến khích những người viết về mình bất cứ thứ gì nhưng cũng không từ chối ai nếu người đó tự cất công tìm hiểu và tư liệu phải chính xác. Đã từng có cuốn sách cách đây chục năm viết về cuộc đời ông và không ít bài báo tán dương sự thành đạt cũng như tấn công ông về những trúc trắc có phần sai phạm khi hoạt động doanh nghiệp. Điều đó cũng là lẽ thường với một tập đoàn lớn như Mường Thanh và con người như ông. Mọi sự thành công và khác biệt đều phải chịu búa rìu phán xét.

Làm phim truyện về một nhân vật cụ thể ở nước ta là điều rất hãn hữu. Nó có những khó khăn riêng về loại thể. Dạo làm phim “Đường đời” chúng tôi dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hoàng Dự viết về nhân vật lương y Nguyễn Hữu Khai. Mọi chất liệu cũng như câu chuyện phim hoàn toàn dựa vào tiểu thuyết khắc họa sự lập nghiệp thành công của nhân vật. Kết của phim dừng ở thời điểm đó và oái ăm nó lại không trùng hợp với cái kết cuộc đời nhân vật nguyên mẫu. Vẫn biết phim truyện là hư cấu là biến hóa nguyên mẫu nhưng cái sự lệch pha kia cũng là điều chẳng mấy vui vẻ. Với ông Thản điếu cày thì khác, những gì tôi biết được về ông về Mường Thanh bộn bề chất liệu nhưng doanh nghiệp đang gặp khó, bản thân ông đang phải giải quyết những vấn đề liên quan đến pháp luật chưa phải là thời điểm thích hợp để thuận tiện làm phim nhưng….

Cuộc đời có những sự nhưng như thế. Tôi bảo Lê Thanh Thản, bác phải tự mình viết ra cuốn tự truyện về cuộc đời của mình kẻo phí lắm, phim phọt tính sau. Bao nhiêu khách sạn, nhà chung cư, khu đô thị sẽ vẫn nằm yên đó, chỉ cuốn sách là theo bác mãi mãi, phải tự mình viết, không ai có thể nói thay cuộc đời của bác được, nhất là những gì đang xảy đến. Nhấn mạnh điều này bởi chả có gì hay hơn, thật hơn người trong cuộc trải lòng mình về mọi sự, cả biến cố, thành công lẫn thất bại.

Ông Thản chăm chú nghe tôi nói, vê một mồi thuốc và hút thật sâu, phả khói. Khuôn mặt ông như quắt lại trầm ngâm, ánh mắt xa xăm vẫn hồn hậu tinh anh nhưng thoáng sập xuống một nỗi buồn mênh mang. Tôi biết ông đang phân tâm nên thuyết phục thêm. Đại loại tuổi ông ngoài bẩy chục rồi, giờ viết là đúng lúc nhất. Tôi kể một chuyện cách đó vài năm, một nữ doanh nhân thông qua một trí thức tên tuổi đề nghị tôi viết một cuốn sách về sự nghiệp lừng lẫy của người chồng đã quá cố. Tôi từ chối dù biết mức thù lao rất cao. Tôi nhắn lại chị nên tự viết hơn là để người khác viết, làm thế sẽ hiệu quả và không mang tiếng là thuê người viết sách ca ngợi chồng. Nếu không có khả năng thể hiện bằng ngôn ngữ thì đã có biên tập, hiệu đính. Không biết chị tiếp nhận thế nào nhưng đến tận bây giờ tôi vẫn chưa thấy cuốn sách ra đời. Ông Thản vẫn im lặng, vê tiếp một mồi thuốc lào hút, ánh mắt vẫn mênh mang và gật đầu.

Tôi nhìn khuôn mặt ông lúc ấy hiểu rằng có thể còn rất lâu nữa ông mới bắt tay vào làm cái việc như bất đắc dĩ này. Nhưng trong tôi đã hiện lên dù mông lung những gì cuộc đời ông đã trải, từ anh lính trơn trở về làng quê nghèo với hai bàn tay trắng, tham gia hoạt động đoàn thể địa phương, đi học, công tác và mầy mò tìm cách vượt qua mọi hoàn cảnh để vươn lên trở thành một doanh nhân thành đạt như ngày hôm nay.

Lê Thanh Thản sinh năm 1950 ở một làng quê nghèo thuộc Diễn Lâm, Diễn Châu, Nghệ An. Như nhiều thanh niên thời đó đang dở lớp 10 phổ thông, ông tham gia quân đội năm 1970. Là lính thông tin, ông trực tiếp tham gia chiến đấu ở mặt trận Trị Thiên - Huế và chiến dịch Hồ Chí Minh thống nhất đất nước. Trở về làng anh lính Lê Thanh Thản công tác đoàn thể làm bí thư đoàn xã, tham gia lãnh đạo TNXP Diễn Châu chinh phục khu Trại Bò sản xuất lương thực, học trường Đảng tỉnh Nghệ An rồi được phân nhiệm đi tăng cường cán bộ Đảng cho Lai Châu năm 1984.

canh-chim-bang-thanh-than-a5.png

Từ đây, với tố chất của một người có trí tuệ khác người, dám nghĩ trước, nghĩ xa dám làm, từng bước một ông tạo dựng sự nghiệp doanh nhân của mình ngay trong cơ quan nhà nước và thoát ly ra ngoài làm tư nhân khi cái áo cơ chế quá chật cho khát vọng bay cao, vươn xa của ông. Năm 1992, ông thành lập Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, mở đầu cho thương hiệu Mường Thanh lừng lẫy sau này. Hoạt động ở Lai Châu nhưng Lê Thanh Thản đã sớm nhận biết việc phát triển tất yếu của Điện Biên về sau nên ông đã chuyển địa bàn về Điện Biên khi nơi này còn hoang vu chưa có bất cứ công trình xây dựng nào đáng kể.

Năm 1994, Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu xây khách sạn Công đoàn là khách sạn đầu tiên ở Điện Biên Phủ. Năm 1997 sau khi chuyển nhượng khách sạn này cho địa phương ông Thản điếu cày chính thức cho ra mắt khách sạn Mường Thanh Điện Biên Phủ mở đầu cho thương hiệu khách sạn Mường Thanh. Cũng thời gian này ông cùng xí nghiệp non trẻ của mình nhận nhiều công trình xây dựng và công trình giao thông ở Điện Biên và nước bạn Lào.

Đầu những năm 2000, cũng từ tầm nhìn xa trông rộng như từ Lai Châu chuyển về Điện Biên năm nào bằng tư duy kinh tế nhạy bén đón đầu, Lê Thanh Thản kéo quân về Hà Nội. Lần này là vùng Linh Đàm còn ngổn ngang chưa phát triển và khách sạn Mường Thanh Linh Đàm ra đời năm 2003 mở đầu cho một giai đoạn mới chinh phục các mốc xây dựng khách sạn và khu đô thị.

Năm 2007, ông Lê Thanh Thản cho xây dựng bệnh viện Phủ Diễn trên quê hương Diễn Châu. Với Nghệ An, ông đầu tư nhiều khách sạn nhất. Có một lần đoàn cựu chiến binh đi thăm chiến trường cũ ở Cánh Đồng Chum, Lào chúng tôi dừng chân nghỉ ở thị trấn Con Cuông. Khách sạn Mường Thanh Con Cuông quy mô nhỏ hơn nơi khác nhưng đúng là một điểm nhấn làm thay đổi diện mạo và công năng cho thị trấn miền núi nghèo này. Sang Viên Chăn chúng tôi cũng nghỉ ở khách sạn Mường Thanh 5 sao có độ cao tầng nhất thủ đô nước bạn ở thời điểm ấy. Thời điểm hiện tại con số khách sạn Mường Thanh là hơn 60, trải trên mọi miền đất nước và nước bạn Lào.

Gần đây năm 2019 ông Thản điếu cày cho đi vào hoạt động sân golf Mường Thanh Diễn Lâm tại chính nguyên quán của ông. Sân golf này nằm trong tổ hợp Khu du lịch sinh thái Mường Thanh Diễn Lâm, một địa điểm du lịch kỳ thú với nhiều loài thú hoang dã quý hiếm. Mới nhất sân golf Xuân Thành, Hà Tĩnh cũng đi vào hoạt động tháng 3/2021.

Tôi chỉ lướt qua những mốc dấu thời gian để điểm một số những thành tựu nổi bật của thương hiệu Mường Thanh của cá nhân ông Lê Thanh Thản. Những gì cụ thể tra google cũng khá đầy đủ về thương hiệu này. Từ Xí nghiệp Xây dựng số 1 Lai Châu tiền thân, thương hiệu Mường Thanh đã phát triển thêm những thành viên khác trong đó Tập đoàn Mường Thanh là nổi tiếng nhất. Nhiều khu đô thị ở Hà Nội được ông Thản cho xây dựng với phương châm giá rẻ được khách hàng đón nhận. Đáng tiếc trong phân khúc này ông đã gặp nhiều hệ lụy liên quan đến quy hoạch đến cấp phép và bản thân ông chịu những rắc rối pháp luật.

Tren-dia-ban-tinh-Nghe-An-ong-da-dau-tu-10-khach-san-3-den-5-sao.png
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An ông đã đầu tư 10 khách sạn 3 đến 5 sao và nhiều công trình khác như: bệnh viện, trường học... (Trong ảnh: Một số khách sạn Mường Thanh trên địa bàn tỉnh Nghệ An)

Những dòng sơ lược tóm tắt tôi vừa mường tượng trong cuốn sách đời của ông Lê Thanh Thản chỉ là những con số khô khan hẳn sẽ bội phần sinh động nếu được chính ông viết ra bằng những chi tiết đời sống. Có rất nhiều chuyện thú vị tôi được nghe ông và bạn bè kể cũng như truyền thông khai thác. Nói về tư duy nhạy bén kinh tế của ông Thản tôi nghĩ đây là do trời phú cộng thêm gen trội từ bố mẹ truyền sang cộng với nghị lực và khát vọng thay đổi mới tạo nên được những đột phá sáng tạo trong làm ăn để đạt được thành tựu.

Dạo mới phục viên, nghèo quá đói vàng mắt anh lính Lê Thanh Thản đã dám nghĩ chuyện vay bố chiếc xe đạp cũ bán đi lấy tiền mua sắn vùng khác về bán và giúp gia đình ăn chống đói. Ông hứa sẽ hoàn trả lại bố chiếc xe đạp khác. Đận đó không chỉ đạt mục tiêu chống được đói mà ông còn dư tiền mua trả cho bố chiếc xe đạp Phượng Hoàng tốt hơn giữ được lời hứa. Về kinh tế ông bảo toàn được vốn và sinh lời. Một bài học đầu đời kinh doanh vô cùng ý nghĩa.

chu-tich-le-thanh-than-don-nhan-ky-luc-chuoi-khach-san-tu-nhan-lon-nhat-viet-nam-do-to-chuc-ky-luc-viet-nam-xac-lap-nam-2013.jpg
Chủ tịch Lê Thanh Thản đón nhận Kỷ lục Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập năm 2013

Chuyện này nữa khi làm Tổng đội phó TNXP của huyện Diễn Châu khai khẩn vùng đất rừng Trại Bò để canh tác lương thực, ông đã có sáng kiến khoán. Khoán khi không có tiền ông cho dồn tiêu chuẩn ăn của các đội viên để khoán chỉ tiêu định mức. Nếu làm vượt năng suất được ăn dồn tăng khẩu phần gấp rưỡi, gấp đôi. Đang mùa đói được ăn no hẳn sẽ là điều kích thích mạnh sản xuất. Năng suất tăng, thời gian khai hoang rút ngắn mà địa phương không phải chi phí thêm bất cứ khoản gì. Và điều này nữa, mấy chục năm sau khu Trại Bò được chính vị Tổng đội phó năm nào biến thành dự án khu sinh thái Diễn Lâm Mường Thanh bề thế hôm nay. Có lẽ chỉ có một trí tuệ đặc biệt mới giúp ông Thản điếu cày làm nổi những điều đó. Chính vì thế tôi không hề ngạc nhiên khi ông đã nhìn trước vấn đề để làm nên những cuộc di chuyển thương hiệu Mường Thanh từ Lai Châu sang Điện Biên về Hà Nội và khắp mọi miền đất nước cùng nước bạn Lào.

Còn rất nhiều điều để nói về tư duy đặc biệt của ông Thản điếu cày, tôi chỉ dẫn ra vài điều từ thuở ban đầu ông chập chững lập nghiệp. Có thế sự nghiệp của ông mới được như ngày hôm nay. Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản hiện có hơn ba chục ngàn nhân viên. Dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp lao đao, kinh tế đất nước, gia đình giảm sút, ông Thản nổi tiếng với phương châm khó khăn không sa thải nhân viên, khó nhất thì luân phiên giảm ca chứ không để bất cứ một ai bị mất việc. Chính thế nên nhân viên của Mường Thanh kính trọng ông coi ông như một “Bố già” đáng kính dù ông rất nóng tính và nghiêm khắc. Cũng đợt dịch căng thẳng, ông và Tập đoàn Mường Thanh âm thầm góp sức chống dịch. Chưa kể vật chất, tiền bạc ủng hộ, một số khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly, điều trị người bệnh. Bệnh viện Phủ Diễn cử bác sĩ điều dưỡng tham gia tuyến đầu chống dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát diện rộng.

ong-le-thanh-than-trong-mot-chuyen-lam-viec-tai-benh-vien-phu-dien-do-ong-dau-tu-xay-dung-vao-nam-2007.jpg
Ông Lê Thanh Thản trong một chuyến làm việc tại bệnh viên Phủ Diễn do ông đầu tư xây dựng vào năm 2007

Có rất nhiều góc khuất của ông Thản điếu cày. Những ai từng làm việc với ông, nhân viên ông, bạn bè ông, gia đình, họ hàng, làng xóm, quê hương ông đều ghi nhận cốt cách nghĩa tình của một người từng vào sinh ra tử từng lăn lộn bươn chải lập nghiệp. Với quê hương Nghệ An, ông Thản luôn dành tình cảm sâu đậm nhất với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Không kể những công trình ông đầu tư, nhiều sự hỗ trợ vật chất khác như đài tưởng niệm, đình, chùa, đường sá…được ông trợ giúp vô điều kiện. Với bạn bè thời quân ngũ, đồng hương, ông luôn tận tình giúp đỡ những ai khó khăn. Nhiều người nhờ chung cư giá rẻ và sự ưu tiên trợ giúp của ông đã có được tổ ấm trong những căn hộ đàng hoàng trong khi hoàn cảnh eo hẹp.

Không thể nói hết được dù chỉ là một lát cắt về thân thế con người ông Thản điếu cày chỉ trong vài trang viết. Chính vì thế hơn ai hết, tôi mong mỏi cuốn tự truyện từ ông. Trước khi viết bài này tôi vào gặp ông chỉ để hỏi một câu, ông có ý kiến gì về việc của ông đang vướng phải với pháp luật. Ông chỉ nói ngắn gọn thì nó như thế. Rồi ông lại cầm điếu mồi thuốc và hút.

Tôi nhìn khuôn mặt ông thấp thoáng trong bụm khói sụ đang quẩn quanh vương vít, tan dần. Một khuôn mặt trầm sâu ánh mắt xa xăm vời vợi buồn nhưng vẫn tinh anh, hồn hậu và quyết liệt. Bên tai tôi chợt vẳng lại tiếng của cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với những lời gửi gắm nghĩa tình.

canh-chim-bang-thanh-than-a4.png

Ông Thản điếu cày vẫn im lặng nhìn ra cửa sổ. Vẫn ánh mắt đó. Sau cửa sổ là bầu trời. Tự nhiên tôi liên tưởng đến lô gô đôi cánh chim dang rộng của biểu tượng Mường Thanh. Ý nghĩ chim bằng ập đến. Có lẽ chẳng vô tình khi ông chọn lô gô cánh chim biểu tượng ấy. Chim bằng - Loài chim huyền tích luôn bay cao bay xa bằng đôi cánh rộng trên bầu trời bao la bất chấp giông bão. Chim bằng tượng trưng cho ý chí khát vọng của người bản lĩnh, trí tuệ làm nên đại nghiệp.

Tôi đã nhận ra trong ánh mắt của ông, một sự tự tin chấp nhận những gì giông bão có thể ập đến ở phía trước. Tôi biết ông Thản điếu cày, dẫu còn bao điều ngổn ngang nhưng lòng ông đang thanh thản khi hầu như ông đã hoàn tất những gì có thể của đời người và chưa dừng lại.

Còn có thể là gì khác, Lê Thanh Thản, ông chính là chim bằng tung đôi cánh trên bầu trời bằng biểu tượng Mường Thanh sống cùng năm tháng./.

Hà Nội 2/1/2022

PNT