Chiều ngày 29/10, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025) cùng các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, các đại biểu Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ về hai nội dung này.

Theo nội dung tờ trình, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 đã được thực hiện và mang lại nhiều kết quả quan trọng, có 17/22 mục tiêu của Kế hoạch đã được hoàn thành, 5 nhóm nhiệm vụ đã được tập trung triển khai.

Thảo luận tại tổ 5, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đã tham gia nhiều ý kiến về các nội dung trên.

plugin_ckeditor_upload.upload.81f58d87f370d031.74e1bb916920322e6a7067.jpg

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phú Bình phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Phú Bình cho rằng, cần xác định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của khu vực và trên toàn cầu để từ đó xác định được cần tập trung mũi nhọn vào đâu trong phát triển kinh tế. Về mục tiêu liên quan đến khai thác FTA, theo đại biểu, cần đặt ra mục tiêu ở quy mô lớn hơn, thay vì chỉ đặt ra mục tiêu chi tiết của việc cơ cấu lại ngành công nghiệp, ngành du lịch dịch vụ.

plugin_ckeditor_upload.upload.a9a0b246bfb092fa.74e1bb91692e6a7067.jpg

Đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu phát biểu

Liên quan đến vấn đề cơ chế điều phối đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu thực tế về việc liên kết dữ liệu trong phòng chống Covid-19 trong thời gian qua, mặc dù dữ liệu đơn giản, nhưng việc liên kết chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy đại biểu cho rằng, nên có cơ chế điều phối thực hiện chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quyết liệt hơn, đảm bảo sự liên kết, hiệu quả cao để tận dụng tốt hơn trong nhiều lĩnh vực trong đó có phát triển kinh tế.

Trước bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 trong nước và thế giới còn nhiều phức tạp, kéo dài, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

plugin_ckeditor_upload.upload.ab6a14d971de08b7.74e1bb9169312e6a7067.jpg

Đại biểu Quốc hội Trần Đức Thuận đưa ra một số kiến nghị, giải pháp tại phiên thảo luận tổ

Tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Đức Thuận đưa ra một số kiến nghị, giải pháp. Theo đại biểu, để đạt được mục tiêu như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt ra, đó là trở thành Quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 thì cần đẩy nhanh, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, phối hợp với đổi mới mô hình tăng trưởng; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để thích ứng tổng cầu phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; theo đó tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực đi đôi với phát triển đồng bộ các loại thị trường; khuyến khích đổi mới sáng tạo, tận dụng khai thác cơ hội công nghệ số.

Cũng trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã đóng góp một số ý kiến khác, nêu rõ việc xây dựng Kế hoạch là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của giai đoạn trước, đồng thời đưa các nội dung cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2025 đi vào thực chất, hiệu quả hơn.

Ngày 30/10, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất Quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025)./.

Hoàng Hoa

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh