Do đó, ngày 25/4/2024, Tổng Thư ký Quốc hội đã ký ban hành Kế hoạch số 3546/KH-TTKQH về việc triển khai nghiên cứu, rà soát Luật Tổ chức Quốc hội.

Để bảo đảm thể chế hoá đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; tiếp tục cụ thể hoá và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trong khuôn khổ bài viết này xin đề xuất nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung sau:

Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành chưa có các quy định rõ về vị trí, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Theo cơ cấu tổ chức cụ thể của mỗi Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương có thể có Trưởng Đoàn chuyên trách, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách và đại biểu Quốc hội chuyên trách. Trong những năm qua, Quốc hội nước ta đã có nhiều đổi mới về tổ chức và hoạt động, góp phần vào thành công chung của công cuộc đổi mới đất nước, trong đó đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã đóng vai trò rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội ở các địa phương. Theo Điều 23, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội”. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, tỷ lệ này được quy định nâng lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội. Thực tế, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tăng qua các nhiệm kỳ: Quốc hội khóa XI có 121 đại biểu chuyên trách (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội khóa XII có 145 đại biểu chuyên trách (chiếm 29,41%), Quốc hội khóa XIII có 154 đại biểu chuyên trách (chiếm 30,8%), Quốc hội khóa XIV có 167 đại biểu chuyên trách (chiếm 33,80%), Quốc hội khóa XV có 126 đại biểu chuyên trách (chiếm 38,67%). Tuy nhiên, khung pháp lý cho hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chưa đầy đủ, vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách còn chưa cụ thể, đặc biệt là vị trí của chức danh đại biểu Quốc hội chuyên trách trong hệ thống chính trị ở địa phương, mối quan hệ của Trưởng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách với đại biểu Quốc hội trong Đoàn, vấn đề đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chế độ khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương… Do đó, sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần bổ sung nội dung quy định về vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng Đoàn, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách và đại biểu Quốc hội chuyên trách tại địa phương nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương phát huy tốt vai trò, hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đóng góp cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương.

Về xem xét báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước

Thời gian qua công tác phối hợp xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới kỳ họp của Quốc hội ngày càng chặt chẽ, chất lượng được nâng lên, được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng tình, đánh giá cao. Để ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân thực sự được quan tâm, giải quyết thấu đáo, đề nghị bổ sung quy định việc Quốc hội thảo luận đối với Báo cáo này tại các kỳ họp thường kỳ (có thể dành thời gian thảo luận tại Hội trường hoặc tại Tổ đại biểu Quốc hội).

Theo đó, đề nghị sửa khoản 1, Điều 20 theo hướng “Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị và giải quyết kiến nghị của cử tri cả nước do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình”.

Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội chuyên trách

Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành đã có quy định về tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội (Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội cũng như chất lượng của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ngoài những tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần bổ sung quy định về tiêu chuẩn đối với chức danh đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Trung ương và địa phương hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể về nội dung này.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tại Kỳ họp thứ 7

Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Để phát huy vai trò của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát, tiếp xúc cử tri, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước..., tiến tới Quốc hội hoạt động hiệu quả, chuyên nghiệp và thường xuyên, đề nghị sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên mức ít nhất 45% và cần bổ sung tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại các địa phương (Theo Điều 23, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2020, tỷ lệ này được quy định nâng lên ít nhất 40% tổng số đại biểu Quốc hội). Hiện nay chỉ có 4 địa phương có 2 đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách bao gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Nghệ An, các địa phương còn lại chỉ có một đại biểu hoạt động chuyên trách. Qua thực tiễn cho thấy, việc bố trí quá ít đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương sẽ làm cho Đoàn đại biểu Quốc hội gặp khó khăn trong công tác xây dựng pháp luật, tiếp xúc cử tri, giám sát, chuẩn bị các nội dung tham gia kỳ họp... nhất là khi các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa tham gia triển khai các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương, lại phải sắp xếp tham gia các hoạt động khi được Ủy ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội triệu tập.

 Về thời gian hoạt động của đại biểu Quốc hội

Tại khoản 2, Điều 24 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: “2. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách phải dành ít nhất một phần ba thời gian làm việc trong năm để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi đại biểu Quốc hội làm việc có trách nhiệm sắp xếp thời gian, công việc, tạo điều kiện cần thiết cho đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu”.

Thực tế cho thấy, hai Kỳ họp thường lệ của Quốc hội trong năm chiếm khoảng thời gian gần 4 tháng. Ngoài ra, các đại biểu Quốc hội không chuyên trách còn tham gia các hoạt động như các kỳ họp bất thường, hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân… Do vậy, quy định về thời gian tham gia hoạt động của đại biểu Quốc hội theo Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 là chưa hợp lý và chưa có cơ chế để ràng buộc đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Như vậy, việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần có các cơ chế cụ thể để các đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, như: quy định đại biểu Quốc hội cần có báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu hàng năm gửi cho Đoàn, thống kê thời gian và nội dung các hoạt động liên quan đến nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, những hoạt động tại cơ quan mang yếu tố lồng ghép với vai trò đại biểu Quốc hội và phải báo cáo với Đoàn đại biểu Quốc hội...Mặt khác, cần có quy định cụ thể về vai trò, trách nhiệm, cơ chế quản lý, điều hành của Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách đối với hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách để đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách dành thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội như hoạt động giám sát, xây dựng pháp luật, tiếp xúc cử tri...

 Quyền trình dự án luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội

Khoản 1 Điều 29 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 có quy định: 1. Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội theo trình tự và thủ tục do pháp luật quy định”. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 84 Chương V Quốc hội, Hiến pháp 2013 quy định “2. Đại biểu Quốc hội có quyền trình kiến nghị về luật, pháp lệnh và dự án luật, dự án pháp lệnh trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội”. Như vậy, Hiến pháp 2013 không quy định về quyền trình dự án luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội mà chỉ quy định quyền trình dự án luật, pháp lệnh của các chủ thể theo quy định tại khoản 1 Điều 84 của Hiến pháp 2013 bao gồm: Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận. Do vậy, đề nghị trong quá trình sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội cần nghiên cứu, ra soát lại cơ sở pháp lý của nội dung này. Đồng thời, để quyền trình dự án luật, pháp lệnh của đại biểu Quốc hội được khả thi, đề nghị quy định rõ về các cơ chế, chính sách hỗ trợ đại biểu Quốc hội trong việc lập, hoàn thiện hồ sơ về dự án luật, pháp lệnh. Đồng thời, đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định nhóm các đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh.

Về Kỳ họp Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua Quốc hội đã đổi mới kỳ họp Quốc hội, mỗi kỳ họp được chia thành hai đợt; có họp trực tiếp, họp trực tuyến …và gần đây, trước mỗi kỳ họp Quốc hội đã triệu tập Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Việc bố trí như vậy tạo điều kiện thuận lợi cho các đại biểu Quốc hội chủ động triển khai các nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức mình, đồng thời Thường trực Hội đồng Dân tộc các Ủy ban của Quốc hội có nhiều thời gian nghiên cứu, thảo luận, tiếp thu, chỉnh lý tài liệu kỳ họp. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy,  thời gian kỳ họp thường lệ còn dài, tổ chức nhiều kỳ họp bất thường (kỳ họp bất thường tương đương với kỳ họp thường lệ). Do đó, đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi quy định kỳ họp hàng năm theo hướng mỗi năm 4 kỳ (theo quý), đồng thời rút ngắn thời gian của 01 kỳ họp (khoảng 2-3 tuần) để tạo sự linh hoạt nhằm hướng tới Quốc hội chuyên nghiệp, hiệu quả, thường xuyên./.