Triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm 2020, tỉnh Nghệ An đã nghiêm túc triển khai sắp xếp, chuyển giao, hợp nhất các Trạm trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm chăn nuôi và thú y, Trạm khuyến nông, Ban phát triển nông thôn miền núi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cho UBND cấp huyện quản lý để thành lập 21 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Sau thời gian gần 04 năm đi vào hoạt động, việc hợp nhất, thành lập các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đã đạt được những kết quả nhất định trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối đơn vị. Tuy nhiên, các Trung tâm vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Giảm đầu mối, hạn chế sự chồng chéo trong công tác chuyên môn
Được thành lập từ tháng 8/2020, hoạt động của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn sau sắp xếp có nhiều chuyển biến tích cực. Việc hợp nhất ba trạm để thành lập Trung tâm đã giúp giảm được đầu mối, tránh sự chồng chéo trong quá trình chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Việc quản lý, chỉ đạo của UBND huyện với Trung tâm sâu sát, kịp thời hơn; sự phối hợp giữa Trung tâm với các phòng, ban, ngành của huyện cũng nhịp nhàng hơp, hiệu quả hơn. Đặc biệt là triển khai các nhiệm vụ chuyên môn xuống cơ sở thì được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo hơn hẳn khi còn trực thuộc đơn vị cấp 1 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo phản ánh của ông Nguyễn Trọng Sơn, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn: Sau sáp nhập, trong quá trình chỉ đạo sản xuất, phòng chống dịch bệnh, giữa các bộ phận trong Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp có thể hỗ trợ lẫn nhau; giúp giảm áp lực nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch, nhất là vào các đợt cao điểm về dịch bệnh. Chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đã bao trùm toàn bộ mọi hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
“Loay hoay” với vấn đề biên chế
Mặc dù vậy, hoạt động của Trung tâm hiện tại gặp không ít khó khăn do biên chế được giao không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc. Trung tâm được giao 09 biên chế hưởng lương từ ngân sách và 02 hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị. Đầu năm 2023, Trung tâm có 03 người nghỉ hưu và chuyển công tác, vì vậy hiện nay Trung tâm chỉ còn 07 viên chức và 01 hợp đồng tự trang trải. Số lượng viên chức quá ít, mỗi bộ phận chỉ có từ 01-> 02 đồng chí, không đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, nhất là địa bàn huyện Anh Sơn diện tích rộng.
Tuy Trung tâm được giao 02 hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị nhưng thực tế thì nguồn thu của đơn vị hầu như không đáng kể. Trung tâm bước đầu đã liên kết với Hội nông dân huyện, UBND các xã và mở gian hàng kinh doanh các loại cây trồng, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư, trang thiết bị thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp tại trung tâm nhưng không thể cạnh tranh trên thị trường nên kết quả thu về không được như mong đợi. Vì vậy, hoạt động cung ứng dịch vụ của Trung tâm gần như chưa thực hiện được.
Không chỉ khó khăn vì biên chế được giao chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, Trung tâm còn gặp vướng mắc vì Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập quy định đơn vị sự nghiệp công lập phải đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người (trừ các đơn vị sự nghiệp công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu được thành lập theo quy định của pháp luật chuyên ngành). Như vậy, nếu tính theo số người làm việc được giao thì Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn còn thiếu 04 người so với quy định; còn nếu tính theo số người làm việc hiện có thì Trung tâm vẫn còn thiếu 07 người so với quy định.
Đó không chỉ là bất cập của riêng Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn mà còn nhiều Trung tâm khác tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Năm 2024, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Cửa Lò và thị xã Hoàng Mai đều được giao 10 biên chế và 01 hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Thái Hòa được giao 10 biên chế; Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tân Kỳ được giao 11 biên chế và 02 hợp đồng lao động hưởng lương từ nguồn thu của đơn vị…
Vướng mắc, bất cập từ quy định của Trung ương
Báo cáo với Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nêu lên bất cập từ văn bản của Đảng (Nghị quyết TW6-khóa XII) và quy định pháp luật của nhà nước (Luật Thú y, Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Nghị định 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ…) có chồng chéo và chưa đồng bộ nên trong quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, làm gián đoạn và ảnh hưởng đến tiến độ, nhất là các văn bản về sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng đề án vị trí việc làm tại các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện.
Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra chủ trương hợp nhất trạm chăn nuôi và thú y, trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, trạm khuyến nông, khuyến ngư… cấp huyện thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Tuy nhiên, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và văn bản hướng dẫn thi hành lại quy định hệ thống cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến cấp huyện và cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp huyện trực thuộc cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật cấp tỉnh.
Tương tự, Luật Thú y và văn bản hướng dẫn thi hành quy định Trạm thuộc Chi cục có chức năng quản lý chuyên ngành thú y đặt tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Quy định của pháp luật có sự chưa đồng bộ với chủ trương tại Nghị quyết số 19-NQ/TW là một trong những khó khăn, vướng mắc đối với tỉnh trong quá trình triển khai sắp xếp Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện và tạo nên tâm lý, tâm tư của những người làm việc tại các Trung tâm.
Trăn trở với việc sắp xếp mô hình Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện
Trao đổi tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết Sở còn băn khoăn với việc sắp xếp mô hình Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh, có nhiều huyện chưa đảm bảo 15 biên chế tại Trung tâm như quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Biên chế sự nghiệp của tỉnh thì rất khó khăn, nhất là trước yêu cầu thực hiện tinh giản biên chế nên phương án bổ sung biên chế là không thể thực hiện được. Sở Nội vụ đã tính đến phương án sáp nhập thành các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp liên huyện nhưng vướng mắc với quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW vì mô hình liên huyện sẽ trực thuộc sự quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong khi đó, Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra chủ trương thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện.
Qua giám sát và làm việc trực tiếp với Sở Nội vụ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Anh Sơn và khảo sát thực tế tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn, đồng chí Thái Thị An Chung, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các thành viên Đoàn giám sát rất trăn trở trong việc tìm ra giải pháp hợp lý để sắp xếp Trung tâm. Thực tế tại địa bàn huyện Anh Sơn, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập không nhiều (ngoài các đơn vị sự nghiệp giáo dục và Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thì chỉ có 02 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc huyện là Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên). Việc sáp nhập Trung tâm vào một trong hai đơn vị sự nghiệp còn lại của huyện đều không khả thi vì các đơn vị không có sự tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Còn nếu sáp nhập thành Trung tâm dịch vụ nông nghiệp liên huyện thì sẽ quay lại mô hình trực thuộc Chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như trước kia. Đồng chí Phó trưởng Đoàn giám sát đặt ra băn khoăn với quy định tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP về số người làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập tối thiểu 15 người có phù hợp với thực tiễn hay không, khi thực tế đơn vị có thể không nhất thiết đảm bảo 15 người mà vẫn đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật.
Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc sắp xếp Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện nói riêng và đơn vị sự nghiệp nói chung, tại Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An”, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW nhất là về tổ chức bộ máy, tiêu chí và điều kiện sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập và xem xét, nghiên cứu sửa đổi quy định tại điểm đ khoản 1 điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP theo hướng quy định số lượng người làm việc tối thiểu là 12 người./.