Hiện trạng chất lượng nước sinh hoạt tại các trường nội trú, bán trú
Những năm gần đây, thực hiện chương trình nước sạch đô thị, nông thôn, nhiều nhà máy nước đã được đầu tư. Đến cuối năm 2020, bình quân cả tỉnh đạt tỷ lệ dùng nước sạch và nước hợp vệ sinh khoảng 85%. Đặc biệt, năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quy chuẩn địa phương về nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCĐP 01:2021/NA tại Quyết định số 12/2021 ngày 30/6/2021, công tác quản lý về chất lượng nước được các cơ quan chức năng quan tâm hơn.
Tuy nhiên, vì các cơ sở ở địa phương sử dụng nguồn cấp nước đa dạng, một số nguồn chưa được kiểm soát chất lượng một cách chặt chẽ. Chính vì vậy, để giúp UBND tỉnh cũng như các cơ quan chức năng có một bức tranh toàn cảnh về chất lượng nước sinh hoạt ở các trường học trên địa bàn toàn tỉnh, đầu năm 2023, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã tổ chức đợt khảo sát theo Quy chuẩn 01: 2021/NA. Do thời gian và kinh phí có hạn, cho nên đợt khảo sát này chỉ tập trung vào các trường nội trú, bán trú, nơi các em học sinh sử dụng nước thường xuyên và nhiều hơn.
Kết quả khảo sát 54/766 trường nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh, theo phương pháp bốc mẫu ngẫu nhiên - phân lớp thì có 28/56 số mẫu nước đạt chất lượng theo QCĐP 01: 2021/NA, chiếm tỷ lệ 50%; 28/56 mẫu nước không đạt chất lượng theo QCĐP 01: 2021/NA, chiếm tỷ lệ 50%. Trong đó, có 01 mẫu có chỉ tiêu Crom vượt 1,44% và chỉ tiêu PH thấp hơn so với quy định, chiếm 3,56 %; 01 mẫu có chỉ tiêu Nitrit vượt 53,2% và chỉ tiêu nitrat vượt 1,33%; chiếm 3,56 %; 01 mẫu có chỉ tiêu Nitrit vượt 1,5% và và chỉ tiêu PH thấp hơn so với quy định, chiếm 3,56 %; 01 mẫu có chỉ tiêu độ đục vượt 3,05%, chiếm 3,56 %; 24 mẫu có chỉ tiêu pH thấp hơn so với quy định, chiếm 85,7%.
Chúng ta biết rằng, nước sinh hoạt có độ pH thấp (tính axit) sẽ gây ra hiện tượng ăn mòn các thiết bị và vật dụng dẫn, đựng nước bằng kim loại và trong môi trường pH thấp sẽ tác động với Clo khử trùng tạo thành chất Trihalommethane, đây là chất gây ung thư. Ngoài ra, sử dụng nước có pH thấp còn gây tác động xấu đến hệ tiêu hóa, ruột, dạ dày.
Về dư lượng Crom, mặc dù vi lượng Crom có vai trò rất quan trọng với sức khỏe con người, như trong chuyển hóa Glucid, Lipid, thiếu vi lượng Crom có thể gây ra bệnh tiểu đường, tim mạch,... Tuy nhiên, nó là kim loại nặng, nếu dư lượng cao có thể gây nên bệnh thừa cân, thậm chí tử vong, tiếp xúc thường xuyên có thể gây viêm da, viêm mũi, viêm kết mạc, ảnh hưởng đến hô hấp...,
Dư lượng Nitrite, Nitrate cao ở trong nước là do nguồn nước bị ô nhiễm của sự phân giải hữu cơ (nhất là động vật, chất thải sinh hoạt,...). Nitrite nhiễm vào cơ thể chịu sự tác động của các axit amin trong cơ thể và thức ăn hàng ngày sinh ra hợp chất Nitrosamine, đây là chất tiền ung thư (hợp chất này tích lũy trong gan và gây ngộ độc gan, và có thể gây ung thư). Còn đối với Nitrate không gây độc nhưng khi vào cơ thể dưới sự tác động của một số vi khuẩn, nó được chuyển hóa thành Nitrite.
Sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt là yếu tố quyết định đến sức khỏe của mỗi người và của cả cộng đồng. Khi sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm sẽ gây ra các bệnh về đường ruột như: tả, lỵ, thương hàn...; các bệnh về da liễu, mắt, phụ khoa như: hắc lào, nấm, lang ben, ghẻ, chàm, đau mắt đỏ, đau mắt hột, viêm kết mạc, viêm màng tiếp hợp, viêm âm đạo… Các bệnh này có thể lây nhiễm do nguyên nhân chính là thiếu nước và sử dụng chung nguồn nước bị ô nhiễm để sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm các kim loại nặng lâu ngày có thể gây ra các bệnh ung thư…
Giải pháp đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cho học sinh
Thông tư liên tịch số 13/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12/5/2016 quy định về công tác y tế trường học nêu rõ:
- Trường học cung cấp đủ nước uống cho học sinh, tối thiểu 0,5 lít về mùa hè, 0,3 lít về mùa đông cho một học sinh trong một buổi học;
- Trường học cung cấp đủ nước sinh hoạt cho học sinh, tối thiểu 4 lít cho một học sinh trong một buổi học; nếu dùng hệ thống cấp nước bằng đường ống thì mỗi vòi sử dụng tối đa cho 200 học sinh trong một buổi học;
- Trường học có học sinh nội trú cung cấp đủ nước ăn uống và sinh hoạt, tối thiểu 100 lít cho một học sinh trong 24 giờ;
- Các trường học sử dụng nguồn nước từ các cơ sở đủ điều kiện cung cấp nước ăn uống và nước sinh hoạt. Trường hợp trường học tự cung cấp nguồn nước thì chất lượng phải bảo đảm tiêu chuẩn về nước ăn uống theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 01:2009/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống; về nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 6 -1:2010/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 34/2010/TT-BYT ngày 02 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; về nước sinh hoạt theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 02:2009/BYT) ban hành kèm theo Thông tư số 05/2009/TT-BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.
Vấn đề cung cấp nước cho trường học là một vấn đề lớn trong Chương trình Y tế học đường, do vậy để làm tốt quy định của Nhà nước cũng như đảm bảo sức khỏe cho con trẻ, tác giả đề xuất 1 số ý kiến như sau:
- Sở Khoa học và Công nghệ chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng bên cạnh cung cấp thông tin kết quả cho các trường và UBND huyện, xã, đồng thời báo cáo kết quả cho các cơ quan chuyên ngành quản lý.
- Các ngành chức năng quản lý về nước sạch chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tổ chức kiểm tra, kiểm nghiệm toàn bộ nước uống, nước sinh hoạt ở tất cả các trường còn lại để chỉ đạo khắc phục.
- Đối với các trường sử dụng nguồn nước từ các nhà máy mà chất lượng không đạt, đề nghị các cơ quan chuyên môn tổ chức tái kiểm để xử lý và yêu cầu nhà máy khắc phục.
- Tổ chức kiểm tra các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh sản xuất nước đóng bình về điều kiện sản xuất, quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm để xử lý nghiêm túc.
Đối với các trường học sử dụng nước giếng khoan, giếng đào không đạt quy chuẩn cần hỗ trợ hệ thống thiết bị lọc nước đạt tiêu chuẩn quy định. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng sớm tham mưu chính sách hỗ trợ thiết bị lọc nước sinh hoạt cho các trường học chưa sử dụng nước máy trên địa bàn tỉnh (hiện nay tỉnh đã có chính sách hỗ trợ cho Nhân dân vùng chưa có nước máy theo Chương trình nông thôn mới – do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật Nghệ An đang triển khai, tuy nhiên đối với trường học thì cần bổ sung cơ chế hỗ trợ 100%). Hỗ trợ chi phí kiểm nghiệm chất lượng nước giếng khoan, đào, nước tự chảy cho các trường chưa có nước máy.
- Cần tổ chức rà soát lại đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ y tế học đường ở tất cả các trường theo quy định. Hàng năm tiến hành tập huấn cập nhật kiến thức để hoàn thành nhiệm vụ được phân công (y tế dự phòng, sơ cứu, kiểm tra ánh sáng, nước, vệ sinh, an toàn thực phẩm…). Trong đó, cần lưu ý kiểm tra định kỳ và đột xuất nước uống, nước sinh hoạt, ánh sáng,..
Nước là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Nó không những phải đủ mà còn phải đảm chất lượng. Nước không đảm bảo chất lượng sẽ tác động rất lớn đến trẻ em. Do vậy, cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan chuyên ngành. “Dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em!” hãy từ những thứ nhỏ nhưng không hề nhỏ này!
Tình hình chất lượng nước qua khảo sát:
- Tổng số mẫu nước được lấy đưa đi thử nghiệm: 56 mẫu/ 54 trường
Trong đó: 31 mẫu/30 trường mầm non; 14 mẫu/14 trường tiểu học; 02 mẫu/02 trường PTTH DTNT; 06 mẫu/05 trường PTDTBT-THCS; 02 mẫu/02 trường PTDTBT.TH; 01 mẫu/01 trường PTDTBT.TH và THCS.
- Số mẫu nước đạt chất lượng theo QCĐP 01: 2021/NA: 28/56 mẫu, chiếm tỷ lệ 50%.
- Số mẫu nước không đạt chất lượng theo QCĐP 01: 2021/NA: 28/56 mẫu, chiếm tỷ lệ 50%.
Trong đó, số mẫu nước từ các nhà máy nước có 9 mẫu, nước giếng khoan, giếng đào có 15mẫu, thậm chí nước đóng bình có 4 mẫu không đạt Quy chuẩn.
Theo Quy chuẩn địa phương về nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt QCĐP 01:2021/NA tại Quyết định số 12/2021 ngày 30/6/2021 của UBND tỉnh Nghệ An, thì các chỉ tiêu nêu ở trên chỉ cho phép:
pH: 6,0 – 8,5
Crom: 0,05 mg/L
Nitrite ( tính theo N): 0,05 mg/L
Nitrate (tính theo N): 2 mg/L
Độ đục (NTU): 2