Xem xét lại quy định giới hạn về địa bàn hỗ trợ
Theo ĐBQH Trần Văn Thức, dự thảo nghị quyết lần này là bước kế thừa triển khai bổ sung tiếp theo Nghị quyết số 36/2021/QH15 để hiện thực hóa những chủ trương của Đảng đã có từ trước đó về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An.
Theo đó, năm 2013, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 26-NQ/TW và sau 10 năm thực hiện nghị quyết này, đến ngày 18.7.2023, Bộ Chính trị tiếp tục có Chỉ thị số 39-NQ/TW với quan điểm: “Xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Nghệ An và cả nước".
Đại biểu khẳng định, việc xây dựng và ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An tại thời điểm này là phù hợp và hết sức cần thiết.
Cơ bản thống nhất với các chính sách tại dự thảo Nghị quyết, song đại biểu cho rằng, cần xem xét đối với quy định tại khoản 2, Điều 3: “Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An”.
Theo đại biểu, quy định như vậy không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước nhưng được Quốc hội cho phép thí điểm thực hiện để phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Nghệ An. Tuy vậy, trong trường hợp hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội mà giới hạn, đóng khung ở phạm vi địa bàn huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An thì liệu đã phù hợp với định hướng, quan điểm phát triển Nghệ An của Bộ Chính trị, cũng như nguyện vọng của đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Đại biểu đặt câu hỏi, nếu địa phương khác mong muốn hỗ trợ cho Nghệ An bằng thế mạnh, bằng nguồn lực của mình trong một lĩnh vực, dự án, công trình cụ thể nhưng không phù hợp để triển khai trên các địa bàn đã được giới hạn thì có thể triển khai được hay không? Qua đó, nhấn mạnh, giới hạn về địa bàn trong trường hợp này là đã giới hạn đi cơ hội phát triển của Nghệ An. Do vậy, nên cân nhắc, xem xét lại quy định nêu trên để thay thế bởi các quy định theo hướng mở và linh hoạt hơn nhằm mục tiêu tiếp cận tối đa mọi sự hỗ trợ từ các địa phương khác dành cho Nghệ An.
Tăng nguồn lực cho khu vực khó khăn
Đối với chính sách quy định tại khoản 3 Điều 3: “Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An”, đại biểu đề nghị, nên cân nhắc mở rộng phạm vi thực hiện chính sách này.
Theo lý giải của đại biểu, đây là nguồn thu tại địa phương và phục vụ trở lại cho nhu cầu của địa phương. Mặt khác, hầu hết các cơ sở thủy điện và các hoạt động khai thác khoáng sản của Nghệ An cũng chỉ tập trung trên địa bàn miền Tây Nghệ An. Nếu mở rộng không chỉ tăng thêm nguồn lực cho phát triển địa bàn miền Tây Nghệ An (11 huyện phía Tây) mà còn là cơ sở để tạo đà bứt phá cho khu vực khó khăn nhất của tỉnh.
ĐBQH Trần Văn Thức cũng cho biết, xét một cách tổng quát các chính sách mà dự thảo nghị quyết áp dụng cho Nghệ An thì các chính sách giải quyết khó khăn có tỷ trọng lớn hơn các chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, như: phát triển kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Do đó, đại biểu đề nghị, cần có những chính sách mạnh mẽ và tập trung hơn nữa cho việc phát triển các thế mạnh, tiềm năng của Nghệ An.