Tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ
Đa số ĐBQH tán thành đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Đồng thời, cho rằng, việc đầu tư Dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng. Tạo động lực, sức lan tỏa, thuận lợi kết nối với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo ĐBQH Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), việc triển khai dự án sẽ từng bước hoàn thành mạng lưới cao tốc theo quy hoạch, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và tăng cường liên kết vùng nói chung và liên kết nội vùng nói riêng, tạo động lực, sức lan tỏa, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, hiện tại, thủ tục đầu tư cũng như việc triển khai thủ tục đầu tư dự án chiếm rất nhiều thời gian, gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Do đó, đề nghị cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn trình tự, thủ tục đầu tư, tránh bị kéo dài thời gian. Đồng thời, cần có sự phối hợp, tính toán toàn diện, chủ động trong quản lý việc thực hiện quy hoạch, tránh bị trùng lặp.
Quan tâm, đền bù thỏa đáng với người chịu ảnh hưởng của Dự án
Về phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư, theo báo cáo của Chính phủ, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.111ha (Đắk Nông khoảng 261ha; Bình Phước khoảng 850ha), trong đó: đất trồng lúa khoảng 2ha; đất nông nghiệp khác khoảng 1.051ha; đất thổ cư khoảng 12ha; đất rừng sản xuất khoảng 46 ha; số hộ bị ảnh hưởng khoảng 1.229 hộ.
Nêu rõ điều này, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, thực tế hiện nay ở một số tuyến đường, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư diễn ra chậm, gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành của dự án. Trong khi đó, đối với dự án này, nhu cầu sử dụng đất và số hộ dân bị ảnh hưởng lớn. Do đó, đề nghị, Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan thực hiện và có chế tài gắn trách nhiệm với các cấp chính quyền địa phương bảo đảm tiến độ hoàn thành Dự án. Đồng thời, cần quan tâm, ban hành chính sách hợp lý và đền bù thỏa đáng đối với người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Dự án, đặc biệt đối với khu vực giáp ranh giữa hai địa phương.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Trình Lam Sinh (An Giang) nêu rõ, dự này này có diện tích lớn, gồm nhiều loại, như đất nông nghiệp, đất rừng đất thổ cư… Do đó, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đền bù tái định cư sẽ chiếm khối lượng thời gian lớn khi Chính phủ đề xuất là "đất sạch" cho toàn tuyến. Vì vậy, Chính phủ cần yêu cầu 2 địa phương có dự án đi qua phải cam kết thật mạnh mẽ trong việc giao mặt bằng thi công nhanh nhất có thể, đại biểu Trình Lam Sinh nhấn mạnh.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, các ĐBQH tán thành với nhiều nội dung trong dự thảo Nghị quyết; đồng thời đề nghị rà soát việc tuân thủ các quy hoạch, chỉ tiêu, kế hoạch sử dụng đất, phạm vi, quy mô phân kỳ đầu tư, phân chia dự án thành phần và cũng có đại biểu lưu ý về việc kết nối đoạn qua thị trấn Đức Hòa và điều chỉnh một số tuyến.
Về việc thu hồi đất, đền bù hỗ trợ tái định cư, đề nghị cần công khai, minh bạch có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và địa phương, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người dân. Việc triển khai các chính sách đặc thù phải tiết kiệm, hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Việc phân cấp cho địa phương cần bảo đảm khả năng thực hiện, phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện dự án.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại Tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét thông qua.