Nghệ An - nơi khởi đầu nhiều phong trào yêu nước và cách mạng. Ngay sau khi Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Nghệ An được thành lập (20/3/1930), Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành cao trào cách mạng 1930 - 1931, với đỉnh cao là phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh. Đây là sự kiện chính trị đã làm rung chuyển cả hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa tư bản, là cuộc diễn tập, rèn luyện lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này.
Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, tình hình trong nước hết sức khó khăn, tại Nghệ An, bọn mật thám dày đặc, bắt giam hầu hết cán bộ chủ chốt trong Đảng bộ Nghệ An. Trước tình hình đó, Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo phong trào đấu tranh Nhân dân, giành lấy mục tiêu tự do và độc lập dân tộc. Trước chủ trương mới của Đảng, không khí cách mạng trong các tầng lớp Nhân dân tại Nghệ An càng sục sôi. Ngày 4/01/1941 học sinh các trường Quốc học, Chính Hóa, Minh Tâm đã bỏ học, đổ ra đường đấu tranh, đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của binh lính người Việt trong quân đội Pháp tại Rạng (Thanh Chương) và đồn Đô Lương do Đội Cung đứng đầu đã làm chấn động dư luận.
Giữa năm 1944 đầu năm 1945 Chiến tranh thế giới thứ 2 bước vào giai đoạn kết thúc, tình hình thế giới có nhiều thay đổi, Hồng quân Liên Xô đã quét sạch quân đội phát xít Đức ra khỏi lãnh thổ Liên bang Xô viết. Đông Dương nói chung, Việt Nam nói riêng trở thành căn cứ của Nhật. Tại Vinh, Pháp đã nhanh chóng quỳ gối đầu hàng Nhật, Nhật biến Nghệ An trở thành kho hậu cần, vừa phục vụ nhu cầu quân sự tại chỗ, vừa phục vụ chiến tranh, chúng tăng cường vơ vét làm cho tình hình xã hội càng trở nên nghiêm trọng. Từ đây, Chính phủ bù nhìn thân Nhật đã ra đời, chúng bành trướng thế lực trong hình thức tổ chức “Thanh niên tiền tuyến”, chúng tranh chấp quần chúng với Việt Minh từ tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, Việt Minh liên tỉnh đã lợi dụng tổ chức này để “lấy gậy ông đập lưng ông”, đưa cán bộ vào ứng cử, cài cắm, đưa cán bộ Việt Minh vào nắm các chức vụ Chánh, Phó thủ lĩnh. Với hình thức công khai hợp pháp này, Việt Minh tránh được khủng bố, phá hoại của địch. Tại Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Thanh Chương, Việt Minh đã tranh thủ tập luyện quân sự, mua sắm vũ khí, trang bị cho tự vệ, chuẩn bị công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.
Căn cứ vào nhận định và lời kêu gọi trong thư gửi Xứ ủy Trung Kỳ của Ban Thường vụ Trung ương, ngày 8/8/1945, Đại hội đại biểu Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh đã được tổ chức để bàn kế hoạch lãnh đạo chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Trước sự chuyển biến mau lẹ của tình hình, quân Đồng minh sắp đổ bộ vào Đông Dương, cơ hội cho cao trào kháng Nhật đang đến rất gần, Ban Thường vụ Việt Minh Nghệ Tĩnh đã nhạy bén lập ngay Ủy ban khởi nghĩa và chủ trương “cướp chính quyền bắt đầu từ xã hội đến huyện lỵ”. Ngày 15/8/1945 Ban Thường vụ Việt Minh Nghệ Tĩnh ra Chỉ thị khởi nghĩa. Ngay sau khi Đài phát thanh Đồng Minh chính thức đưa tin “Chính phủ Nhật đã đầu hàng vô điều kiện “Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh đã phát lệnh khởi nghĩa. Không khí khởi nghĩa sôi sục, trào dâng. Khắp các địa phương, Ủy ban khởi nghĩa, Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời được thành lập cấp tốc, truyền đơn, biểu ngữ xuất hiện khắp nơi, cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay trên các đỉnh làng. Nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết, biểu tình, tuần hành, thị uy... nổ ra liên tiếp, tạo khí thế tấn công cách mạng.
Do đặc điểm tình hình nên cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã hình thành 3 vùng khác nhau:
Tại Vinh – Bến Thủy, nơi tập trung lực lượng bộ máy chính quyền bù nhìn và quân đội Nhật nên chưa thể tiến hành sớm hơn vùng nông thôn. Sau khi một số địa phương đã giành được chính quyền, quân Nhật và bù nhìn nằm co ro trong doanh trại và công sở. Ngày 19/8/1945 Ủy ban khởi nghĩa Nghệ Tĩnh đã họp bàn kế hoạch khởi nghĩa ở Vinh. Ngay sáng 21/8/1945 hàng vạn Nhân dân thành phố Vinh và ngoại thành từ mọi tầng lớp, thành phần xã hội với gậy gộc, giáo mác đã giương cao cờ đỏ sao vàng rầm rập biểu tình, tuần hành thị uy dọc các đường phố. Trước khí thế hùng mạnh của cách mạng, quân Nhật phải chấp nhận mọi yêu cầu của Nhân dân đưa ra. Đúng 12 giờ trưa ngày 21/8/1945, quần chúng kéo đến bao vây Dinh tỉnh trưởng Nghệ An, buộc tỉnh trưởng Đặng Hướng phải tuyên bố đầu hàng cách mạng.
Tại các huyện đồng bằng và trung du, khởi nghĩa diễn ra rộng khắp, sau khi Nhân dân huyện Quỳnh Lưu khởi nghĩa thành công vào ngày 18/8/1945, Nhân dân các huyện khác lần lượt giành chính quyền thắng lợi: Diễn Châu, ngày 21/8/1945: Nghĩa Đàn, ngày 22/8/1945; Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, ngày 23/8/1945; Nghi Lộc, Yên Thành, ngày 25/8/1945. Điểm nổi bật của các cuộc khởi nghĩa vùng đồng bằng và trung du là diễn ra rất sinh động, không máy móc. Tại Diễn Châu, khởi nghĩa diễn ra thắng lợi ở hầu hết các làng, xã rồi mới giành chính quyền ở phủ lỵ. Ở Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Nam Đàn, sau khi giành chính quyền ở một số làng rồi mới giành chính quyền ở huyện lỵ. Ngược lại, ở các huyện Thanh Chương, Yên Thành, Anh Sơn, Nghi Lộc thì giành chính quyền ở huyện lỵ xong mới kéo về giành chính quyền ở làng xã.
Tại vùng thượng du, miền núi các phủ, huyện Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu có đặc điểm riêng nên hình thái khởi nghĩa cũng có những khác biệt so với các vùng khác. Vì trong những địa phương ấy quần chúng chưa được tổ chức và phát động, bộ máy chính quyền cũ còn có thế lực, để tránh sự phản kháng của tầng lớp trên, tranh thủ sự đồng tình của đồng bào các dân tộc nên Việt Minh đã triển khai khởi nghĩa bằng phương pháp mềm dẻo hơn, tập trung thuyết phục hàng ngũ quan lại và châu phà, thổ ty, lang đạo là chủ yếu. Chỉ có xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) - cơ sở cách mạng của thời kỳ 1930 -1931 đã liên lạc với huyện Anh Sơn, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi vào ngày 23/8/1945, sớm hơn giành chính quyền ở huyện lỵ. Các phủ, huyện Vĩnh Hòa, Tương Dương, Con Cuông, việc cải tổ chính quyền được tiến hành dưới hình thức một cuộc họp giữa đại biểu Việt Minh với số quan lại và tổng lý các làng bản vào ngày 26/8/1945. Đại biểu Việt Minh đã đứng lên tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ, thành lập chính quyền mới. Những tri phủ, tri huyện đã quy thuận cách mạng được giữ làm cố vấn cho chính quyền, các quan lại không được quần chúng tín nhiệm thì thay thế bằng một số cán bộ Việt Minh. Ở Phủ Quỳ Châu, ta tuyên bố chuyển tổ chức chính quyền cũ sang chính quyền mới về mặt hình thức (đổi tên), còn các làng, bản hầu hết vẫn để nguyên bộ máy hào lý, chờ khi xây dựng được cơ sở quần chúng cách mạng mới tổ chức chính quyền mới.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 trong cả tỉnh Nghệ An đã thắng lợi rực rỡ trong vòng 9 ngày. Khi cơ hội ngàn năm có một đã đến, Việt Minh tỉnh Nghệ Tĩnh đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt chủ trương của Mặt trận Việt Minh; tổ chức tập hợp mọi tầng lớp nhân dân khởi nghĩa, giành thắng lợi. Đây là kết quả của cả một quá trình đấu tranh, lâu dài, đầy gian khổ, hi sinh; là tất yếu của những cuộc diễn tập nhiều xương máu, hi sinh của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cả nước, phá tan xiềng xích nô lệ của chế độ phát xít thực dân - phong kiến trên đất nước ta, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam.
77 năm qua, những bài học và ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 đã được Đảng bộ tỉnh Nghệ An vận dụng và phát triển, đạt được những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phấn đấu xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh kiểu mẫu như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
Kim Lưu