Quy định về trợ cấp hưu trí xã hội có ý nghĩa nhân văn
Theo Điều 20 dự thảo luật, khoản 1 quy định “Công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây: a) Đủ 75 tuổi trở lên; b) Không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo quy định của Chính phủ; c) Có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”; khoản 2 quy định “Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đồng thời bảo đảm quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.
Đồng tình với quy định này, các ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình), Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), Thái Thị An Chung (Nghệ An)... cho rằng, đây là bước tiến mới đối với người cao tuổi, bảo đảm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và có ý nghĩa nhân văn khi số người cao tuổi ở Việt Nam ngày càng tăng, cử tri nhất là người cao tuổi rất phấn khởi và tin tưởng.
Theo đại biểu Thái Thị An Chung, so với quy định tại Luật Người cao tuổi, quy định tại dự thảo luật có tính ưu việt hơn khi giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và giảm xuống 70 tuổi đối với những người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị, nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp giảm độ tuổi xuống 70 tuổi đối với những người đã tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế và những trường hợp này chưa được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng theo Luật Bảo hiểm xã hội, cũng như chưa được hưởng trợ cấp, phụ cấp của người có công hàng tháng theo Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với Cách mạng.
"Việc bổ sung đối tượng này thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và sự tiếp nối tri ân đối với những cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong đã đóng góp sức lực tuổi trẻ để mang lại hòa bình và độc lập cho dân tộc. Đồng thời, việc bổ sung đối tượng này cũng góp phần mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội như mục tiêu dự thảo luật đã đề ra", đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh.
Cũng quan tâm đến đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng, người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo cơ bản đều có điều kiện khó khăn về thu nhập và đời sống như nhau và rất cần trợ cấp hưu trí xã hội. Vì vậy, cần rà soát, nghiên cứu mở rộng đối tượng “đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đều được hưởng chính sách trợ cấp hưu trí xã hội”.
Khoản 3 Điều 20 dự thảo luật quy định “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1 Điều này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ”.
Dẫn quy định trên, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đề nghị xem xét quy định trong dự thảo luật theo hướng: khi giảm dần độ tuổi ở điểm a khoản 1 thì đồng thời độ tuổi đối với trường hợp ở khoản 2 cũng sẽ giảm tương ứng, bởi nếu không sẽ dẫn đến có thể có trường hợp khi giảm độ tuổi nhiều lần ở điểm a khoản 1 sẽ về bằng với độ tuổi tại khoản 2.
“Lúc này sẽ không còn là quy định ưu tiên nữa, và trường hợp này người hưởng bình thường và người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn độ tuổi lại là như nhau”, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nói.
Quy định chi tiết hơn về bảo hiểm hưu trí bổ sung
Về mức trợ cấp hưu trí xã hội được quy định tại Điều 21 dự thảo luật, đại biểu Thái Thị An Chung đồng tình giao Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước từng thời kỳ.
Tuy nhiên, khoản 1 Điều 21 lại quy định “Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát và đề xuất việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội báo cáo Quốc hội khi trình Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm”.
"Quy định như vậy là chưa bảo đảm tính thống nhất về thẩm quyền là Chính phủ hay Quốc hội. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu để đảm bảo tính thống nhất", đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị.
Bên cạnh đó, dự thảo luật đã bổ sung một chương riêng (Chương VIIa) gồm 4 điều về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Cho rằng các nội dung này còn khá sơ sài, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, cần nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết hơn về bảo hiểm hưu trí bổ sung trong dự thảo luật.
Cụ thể là về các nội dung như: cơ chế hoạt động; tỷ lệ đóng góp; hồ sơ, thủ tục; quyền lợi, trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động; kết nối với quỹ hưu trí và tử tuất trong quỹ bảo hiểm xã hội; cơ chế chi trả, danh mục và phương thức đầu tư; cơ chế, chính sách ưu đãi với việc thành lập quỹ này đối với khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp tư nhân; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến quỹ hưu trí bổ sung; hoạt động đầu tư của quỹ.
“Việc quy định rõ ràng về quỹ hưu trí bổ sung sẽ góp phần tăng nhận thức, tăng sự đồng thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động; khuyến khích người sử dụng lao động tham gia đóng góp và thụ hưởng các quyền lợi của quỹ hưu trí bổ sung”, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.