Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, Đảng đã kịp thời ban hành nhiều chủ trương, quan điểm chỉ đạo về lĩnh vực lao động, việc làm, trong đó nêu rõ “hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động cả về quy mô, chất lượng lao động và cơ cấu ngành nghề” trước yêu cầu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, cạnh tranh về thị trường lao động khu vực và toàn cầu ngày càng gay gắt.
Tiếp tục thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về vấn đề lao động, việc làm và thất nghiệp, sau khi Bộ luật Lao động được sửa đổi toàn diện năm 2019, Luật Bảo hiểm xã hội được Quốc hội thông qua năm 2024, Quốc hội tiếp tục đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 dự án Luật Việc làm (sửa đổi) nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật để phát triển thị trường lao động lành mạnh, tạo việc làm bền vững và giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề không mong muốn phát sinh trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Do đó, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh Hội nghị bồi dưỡng “Kỹ năng phân tích chính sách đối với một số chế định về việc làm cho người lao động” nhằm mục đích hỗ trợ đại biểu Quốc hội có thêm kiến thức, kỹ năng để xem xét, thảo luận về dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ Tám tới đây trên cơ sở phân tích, đánh giá của các chuyên gia về pháp luật, lao động, việc làm, an sinh xã hội. Các đại biểu sẽ vận dụng kỹ năng phân tích chính sách để xem xét một số nội dung lớn trong dự thảo Luật Việc làm.
Hội nghị còn là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội khóa trước trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với đại biểu đương nhiệm nhằm giúp đại biểu nắm bắt và biết cách vận dụng một số kỹ năng cơ bản khi phân tích chính sách cụ thể cho từng lĩnh vực.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Quang Tuấn cũng đánh giá Hội nghị sẽ giúp các đại biểu nghiên cứu, phân tích, trao đổi các quy định của pháp luật liên quan đến bảo đảm việc làm cho người lao động nhằm hoàn thiện pháp luật.
Thông tin thêm, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau hơn 4 năm triển khai Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, bảo đảm điều kiện trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Tám tới.
Ngay sau nội dung khai mạc, các đại biểu nghe TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội trình bày chuyên đề "Tổng quan về việc làm ở Việt Nam".
Theo đó, tình hình lực lượng lao động đã quay trở lại theo xu hướng bình thường trong giai đoạn trước thời kỳ dịch Covid-19; chính sách giải quyết việc làm 10 năm qua đã đạt được nhiều thành tựu, kể cả trong giai đoạn nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng. Việt Nam luôn bảo đảm tỷ lệ dân số có việc làm thuộc nhóm cao trên thế giới; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp dưới 3%. Cùng với đó, việc hoàn thiện pháp luật việc làm là cần thiết để thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển thị trường lao động đồng bộ với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với các cam kết quốc tế, thúc đẩy phát triển thị trường lao động...
Hội nghị sẽ nghe, thảo luận về 6 chuyên đề, gồm: Kỹ năng phân tích chính sách đối với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; một số lưu ý khi phân tích chính sách bảo hiểm thất nghiệp; kỹ năng phân tích chính sách hỗ trợ người lao động tìm việc làm thông qua phát triển kỹ năng nghề và tiếp cận dịch vụ việc làm; kỹ năng phân tích chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người lao động; phân tích chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên và người cao tuổi.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày từ 3 - 4.10.