Bổ sung báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật

Cho ý kiến về dự án Luật đầu tư công (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, cơ quan soạn thảo cần bổ sung báo cáo đánh giá tác động với dự án luật, làm rõ chính sách nào đặc thù, vượt trội.

Theo đó, “cần rà soát các điều khoản đề nghị sửa đổi bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, tuân thủ Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt, đã là vấn đề liên quan đến ngân sách nhà nước thì một đồng ngân sách cũng phải đánh giá kỹ tác động, bởi vấn đề này thuộc thẩm quyền của Quốc hội; Nếu có ủy quyền pháp luật thì ủy quyền đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn đối với quy trình, thủ tục hành chính, tiêu chí, điều kiện có thể ủy quyền cho Chính phủ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý.

ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) bày tỏ sự băn khoăn về việc Quốc hội xem xét, quyết định thông qua dự án Luật theo quy trình tại một kỳ họp.

Theo đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) mới được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; với thời gian gấp, phạm vi sửa đổi lớn, Chính phủ mới chỉ lấy ý kiến các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, chưa lấy ý kiến HĐND là đối tượng chịu tác động lớn của dự án Luật; cơ quan thẩm tra không đủ thời gian tổ chức các hội thảo, khảo sát lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là những nội dung mới, còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, việc trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám là rất gấp.

Đại biểu đề nghị, nếu sửa đổi toàn bộ Luật Đầu tư công thì nên theo quy trình 2 kỳ họp; trường hợp cần thiết phải ban hành Luật tại kỳ họp này theo quy trình một kỳ họp để giải quyết các vấn đề cấp bách, thì chỉ xem xét sửa đổi một số điều khoản thực sự cấp bách, cần thiết để giải quyết kịp thời tồn tại, vướng mắc cụ thể nhằm giải phóng nguồn lực đầu tư công.

Cùng quan điểm, ĐBQH Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cho rằng, việc thông qua dự án Luật tại một kỳ họp chưa bảo đảm về mặt thời gian để tổ chức hội thảo lấy ý kiến của HĐND các cấp, ý kiến nhân dân, doanh nghiệp, nhà khoa học… Từ đó, mới hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc trong đầu tư công.

Cho phép Chủ tịch UBND các cấp quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án phù hợp

Về phân loại dự án theo quy mô vốn đầu tư, theo dự thảo Luật, quy mô dự án quan trọng quốc gia từ 30.000 tỷ đồng trở lên (tăng 3 lần); dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C có quy mô gấp 2 lần so với các quy định hiện hành. Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị cân nhắc tính phù hợp với thực tế của quy định này.

Lý lẽ là bởi, "Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, tuy nhiên thực tế nhiều năm qua, số lượng các dự án có quy mô vốn trên 10.000 tỷ đồng là không nhiều, bây giờ tăng lên 30.000 tỷ đồng thì Quốc hội hiếm khi quyết định chủ trương đầu tư".

Đối với HĐND cấp tỉnh, tại khoản 6, Điều 18 dự thảo Luật quy định HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên do địa phương quản lý.

img-9461.jpeg

ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) phát biểu

Nhưng qua thực tế, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương thẳng thắn, địa phương chưa có dự án trên 10.000 tỷ đồng sử dụng vốn ngân sách địa phương. Do đó, cần làm rõ cơ sở thực tiễn. Vì "chúng ta đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mà không có dự án nào để quyết định chủ trương đầu tư thì quy định phân cấp, phân quyền không có ý nghĩa".

Tại điểm b, khoản 2, Điều 58 dự thảo Luật quy định “Chủ tịch UBND các cấp quyết định thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đối với dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý, báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp HĐND gần nhất”, không quy định việc Chủ tịch UBND các cấp cho phép gia hạn, trong khi đối với dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương thì cho phép cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án.

Cụ thể dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C không quá một năm, dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 10.000 tỷ đồng đến dưới 30.000 tỷ đồng không quá 2 năm (quy định tại điểm a khoản này).

Để thống nhất, và tạo điều kiện cho địa phương linh hoạt bố trí vốn ngân sách địa phương, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương đề nghị nghiên cứu quy định cho phép Chủ tịch UBND các cấp quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn thực hiện dự án phù hợp.

ĐBQH Trần Nhật Minh (Nghệ An) lưu ý, về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện và cấp tỉnh trở lên tại Điều 30 và 31, dự thảo Luật quy định: “các UBND cấp tỉnh, cấp huyện có liên quan có trách nhiệm thống nhất phương án giao một UBND làm cơ quan chủ quản thực hiện, báo cáo HĐND cùng cấp”. Theo quy định này, cần làm rõ việc báo cáo HĐND thông qua là HĐND của 2 địa phương hay chỉ một địa phương mà UBND được giao chủ quản. Đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ, để trong quá trình thực hiện địa phương "đỡ vướng mắc".

Cũng theo dự thảo Luật, trên cơ sở quyết định của HĐND cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh được đề xuất là cơ quan chủ quản dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định, tức là báo cáo Thủ tướng Chính phủ sau khi hai địa phương đã thống nhất. Vậy trong trường hợp hai địa phương không thống nhất thì cơ quan nào đứng ra làm trọng tài? - đại biểu Trần Nhật Minh thẳng thắn.

H.Ngọc