Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi năm 2019 và năm 2020, làm căn cứ cho địa phương triển khai thực hiện hỗ trợ cho người chăn nuôi có gia súc bị tiêu hủy. Năm 2021, tình hình bệnh Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục diễn biến phức tạp. Cử tri nhiều lần kiến nghị việc hỗ trợ thiệt hại do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ trong năm 2021 nên tỉnh chưa có căn cứ để hỗ trợ. Cử tri kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi năm 2021.
Ngày 10/8/2022, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn có Công văn số 5229/BNN-TY trả lời kiến nghị cử tri Nghệ An.
Theo đó, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều hoặc thay thế Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Trong đó, dự thảo Nghị định đã bổ sung, điều chỉnh đối với cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh (đối tượng, điều kiện và mức hỗ trợ, ..hiện tại, Bộ đang lấy ý kiến các Bộ, ngành và địa phương về dự thảo Nghị định, dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành vào Quý IV/2022.
Bên cạnh đó, ngày 08/6/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 3646/BNN-TY gửi Bộ Tài chính về việc đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Cụ thể đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh tại Nghị định số 02/2017/NĐ -CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ để hỗ trợ cho người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy bắt buộc do mắc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trong các năm 2021 và 2022 tại các địa phương cho đến khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 02/2017/NĐ - CP được ban hành. Sau khi có ý kiến chính thức từ Bộ Tài chính đối với đề xuất nêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có hướng dẫn cụ thể để các địa phương căn cứ thực hiện.
Ngoài ra, do tính đặc thù chuyên môn và để chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, ngày 20/6/2022, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Tờ trình số 3933/TTr-BNN-TY gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng Nghị định riêng quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật; hiện nay đang được lấy ý kiến các Bộ có liên quan./.