Các đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An trao đổi xung quanh vấn đề biên soạn sách giáo khoa bên lề phiên thảo luận tại Hội trường kỳ họp thứ 6

Trước những quan điểm khác nhau liên quan đến việc có nên giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa hay không, Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An đã có những trao đổi xung quanh vấn đề này.

Nghiên cứu, đánh giá kỹ sau khi kết thúc chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục đã quy định việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Năm 2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 122, trong đó nêu rõ: "Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó".

Thực hiện chủ trương đó, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu. “Các bộ sách hiện nay cũng đã đáp ứng được yêu cầu của học sinh, nhu cầu của giáo viên, tạo sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên khi lựa chọn, sử dụng các bộ sách” Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành cho biết.

Chính vì vậy, đại biểu Thái Văn Thành bày tỏ sự băn khoăn “Liệu thời điểm này biên soạn thêm một bộ sách có gây xáo trộn, khó khăn không? Nhất là khi lộ trình thực hiện chương trình mới, chỉ còn một năm sau nữa là chúng ta đã hoàn tất chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Giáo sư, Tiến sĩ Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An trao đổi về vấn đề giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa

Bên cạnh đó, dư luận hiện nay đang lo ngại nếu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa sẽ dẫn tới tình trạng độc quyền. Theo đại biểu Thái Văn Thành, đây là điều dễ hiểu. Bởi khi có thêm một bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, phát hành, các địa phương sẽ có áp lực trong việc lựa chọn sách giáo khoa, nhiều địa phương sẽ ưu tiên lựa chọn sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thay vì căn cứ vào những tiêu chí để lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với đặc điểm của địa phương và việc tổ chức dạy và học tại địa phương. Ngoài ra, điều này có thể ảnh hưởng tới các đơn vị tư nhân tham gia thực hiện xã hội hóa sách giáo khoa.

Do đó, đại biểu Thái Văn Thành cho rằng trước khi tính đến việc có cần một bộ sách do Bộ biên soạn hay không, cần nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề này và đánh giá những tác động có thể xảy ra, cùng với đó, nghiên cứu thêm các tác động, ảnh hưởng khác.

Theo đại biểu Thái Văn Thành, chỉ nên xem xét việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa khi ngành giáo dục đã thực hiện hết chu trình đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tức là sau năm học 2024 – 2025. Đến thời điểm đó, cần phải có đánh giá, phân tích sâu sắc những tác động ảnh hưởng từ nhiều mặt, căn cứ vào các kết luận khoa học và thực tiễn triển khai để điều chỉnh, rà soát, hoàn thiện lại chương trình, sách giáo khoa. Đồng thời, cần nghiên cứu kỹ việc triển khai thực hiện, “nếu triển khai thực hiện thì phải xem triển khai ở mức độ nào, ở những môn học nào và vào thời điểm nào”.

Có thể cân nhắc, lựa chọn một số môn học nhằm đảm bảo tính định hướng

Đại biểu Thái Văn Thành cũng bày tỏ sự trăn trở, băn khoăn nếu giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn sách giáo khoa thì có nhất thiết biên soạn sách cho tất cả các môn học hay không. “Thực tế thì không cần thiết Bộ tham gia biên soạn sách giáo khoa cho tất cả các môn học, mà với một số môn học đặc thù, Bộ mới cần giữ vai trò chủ đạo”.

Theo đại biểu, với các môn học thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ thì tri thức, kiến thức môn học là chân lý của nhân loại, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể không tham gia biên soạn sách giáo khoa những môn học này.

Thay vào đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cân nhắc biên soạn một số môn học như Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tiếng Dân tộc… Đại biểu Thái Văn Thành cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia biên soạn sách giáo khoa các môn học như Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý để đảm bảo định hướng lý tưởng, đạo đức cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng, giáo dục bản sắc văn hóa, lối sống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nhằm đào tạo thế hệ trẻ là những con người cách mạng để tiếp tục duy trì, phát huy những thành quả cách mạng của Đảng ta. Muốn làm tốt công tác định hướng tư tưởng, sách giáo khoa cũng cần phải thực sự chuẩn mực. Chính vì vậy, Bộ có thể cân nhắc để tham gia biên soạn ở những môn học này.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể biên soạn sách giáo khoa một số môn như môn tiếng Dân tộc vì tính chất đặc thù việc biên soạn khó khăn hơn các môn học khác, có thể ít đơn vị tư nhân tham gia soạn thảo vì tính toán đến lợi ích đầu tư.