28 bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch thực hiện

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chính phủ đã có Nghị quyết số 170/NQ-CP về ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện. Kế hoạch xác định triển khai tiến hành lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm huy động trí tuệ, tâm huyết của Nhân dân hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

Theo báo cáo của Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến ngày 7.2.2023, đã có 28 bộ, ngành, địa phương trong cả nước ban hành Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo Nghị quyết số 170/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, về phía các bộ, ngành, hiện có Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện.

Về phía các địa phương, hiện có 25 tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch trên, bao gồm: Hà Giang, Điện Biên, Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận, Đắk Nông, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 2 ý kiến góp ý bằng văn bản; 197 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên website lấy ý kiến Nhân dân (www.luatdatdai.monre.gov.vn). Nội dung góp ý tập trung nhiều nhất tại Chương I quy định chung; Chương VII về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; Chương X về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Chương VI về thu hồi đất, trưng dụng đất; Chương XI về tài chính về đất đai, giá đất; Chương IX về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo trong tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, tổng hợp ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện một bước sẽ tổ chức các cuộc khảo sát, tạo đàm, hội thảo để lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động chính của dự án Luật, phục vụ công tác thẩm tra dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội cho ý kiến lần hai tại Kỳ họp thứ Năm.

pcn1-1675899120336.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai báo cáo tiến độ lấy ý kiến Nhân dân

Tập trung trao đổi chuyên sâu, chọn lọc vấn đề để lấy ý kiến

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại cuộc làm việc mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là nhiệm vụ trọng tâm, có nhiều vấn đề khó, phức tạp, một số nội dung được chỉ ra là bất cập, hạn chế nhưng chưa có phương án sửa đổi đích đáng. Trong khi đó, việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật tại các bộ, ngành, địa phương còn chậm, các nhóm nội dung lấy ý kiến Nhân dân còn rộng.

Nêu rõ, trong năm 2023, Ủy ban Kinh tế dành ưu tiên cao nhất, xác định trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực cho việc thẩm tra và giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, trong quá trình thẩm tra tới đây cần phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan của Quốc hội, có sự phân công, điều hòa với các nội dung lớn còn ý kiến khác nhau, các nội dung cần tập trung thảo luận để các cơ quan của Quốc hội cùng tham gia theo phạm vi lĩnh vực phụ trách.

Nhấn mạnh dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm và quan trọng nhất của Quốc hội Khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ động theo dõi, đôn đốc Chính phủ, các cơ quan thuộc Chính phủ triển khai công tác lấy ý kiến Nhân dân về dự luật này, bảo đảm tiến độ và hiệu quả. Chú ý tổ chức các hội thảo, tọa đàm góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) theo hướng tập trung vào một số vấn đề cụ thể, mang tính mấu chốt, bảo đảm kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, qua đó hỗ trợ hoàn thiện dự thảo Luật cao nhất.

Cùng với việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, để bảo đảm chất lượng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải lưu ý, trên cơ sở phân giao nhiệm vụ công việc cho Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Kinh tế chủ động đôn đốc các cơ quan của Quốc hội tham gia các nội dung của dự thảo Luật theo phạm vi phụ trách, giải quyết các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, với tinh thần từng bước tháo gỡ đi đến thống nhất chung. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng sẽ tổ chức các hoạt động khảo sát, tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học bám sát tinh thần lựa chọn tập trung vào một số vấn đề trọng tâm, trọng điểm để thảo luận.

Theo kế hoạch, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ kết thúc vào ngày 16.3 tới đây. Thời gian không còn nhiều, cử tri và người dân kỳ vọng việc tiếp thu ý kiến người dân được tiến hành công khai, minh bạch, khoa học và hiệu quả. Mục tiêu cao nhất là bảo đảm dự án Luật khi được Quốc hội thông qua sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và sớm đi vào cuộc sống.

- Mời bạn đọc và các tầng lớp Nhân dân xem toàn văn Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đóng góp ý kiến tại đây

Thanh Hải