Theo đó, Điều 115 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương; liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri, thực hiện chế độ tiếp xúc, báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân, trả lời những yêu cầu, kiến nghị của cử tri; xem xét, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.”. Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2019 nêu rõ: “Đại biểu Hội đồng nhân dân phải liên hệ chặt chẽ với cử tri nơi mình thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chịu sự giám sát của cử tri, có trách nhiệm thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri; thực hiện chế độ tiếp xúc cử tri và ít nhất mỗi năm một lần báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và của Hội đồng nhân dân nơi mình là đại biểu, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri.”. Để làm tốt trách nhiệm này đòi hỏi đại biểu phải có kiến thức và kỹ năng. Trong đó, kỹ năng giao tiếp được coi là mắt xích quan trọng mà mỗi đại biểu cần trau dồi và hoàn thiện.

Kỹ năng giao tiếp là sự vận dụng những tri thức, kinh nghiệm, hiểu biết của bản thân về quá trình giao tiếp vào trong từng hoàn cảnh, đối tượng cụ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Đây là “tài sản riêng’ của cá nhân, nhưng góp phần rất lớn vào hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Kỹ năng giao tiếp của đại biểu trong tiếp xúc cử tri gồm: lắng nghe tích cực; truyền đạt; giải thích, tuyên truyền và thuyết phục.

- Lắng nghe tích cực: lắng nghe tức là “nghe cử tri nói”. Khi tiếp xúc cử tri, đại biểu không đơn giản chỉ ngồi nghe đầy đủ những ý kiến, kiến nghị của cử tri cho xong việc rồi về. Lắng nghe “tích cực” là nghe phải đi cùng với ghi chép, tổng hợp, phân tích, phân loại nhóm ý kiến, kiến nghị. Ý kiến thuộc thẩm quyền của cấp nào thì gửi đến đúng “địa chỉ” cần phải trả lời và giải quyết. Nghe có lựa chọn, chắt lọc từ những ý kiến mang tính cá biệt, riêng lẻ của một số cử tri, khái quát thành ý kiến chung mang tính đại diện. Có như vậy, đại biểu mới đưa được những vấn đề xác đáng vào thảo luận, tranh luận tại Hội đồng.

1.jpg
Đại biểu lắng nghe ý kiến của cử tri tại Hội nghị Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 04 HĐND huyện – thị khoá XIX, Nhiệm kỳ 2021-2026

- Truyền đạt, tức là “báo cáo cho cử tri biết”. Đại biểu được chuẩn bị trước nội dung; xác định được thời lượng báo cáo nên chủ động lựa chọn những thông tin thiết thực, bổ ích; nói trúng, nói đúng vấn đề cử tri cần nghe, tránh nói tràn lan, chung chung và kéo dài thời gian. Khi nói cần kết hợp những vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn để làm sâu sắc hơn nội dung báo cáo. Hạn chế việc đọc nguyên văn tài liệu; tập trung theo dõi để có sự điều chỉnh, tránh nhắc lại những thông tin mà đại biểu khác đã nói tới.

- Giải thích, tuyên truyền: Đại biểu phải làm tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Đảng, chính quyền, mang chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cử tri. Việc giải thích, tuyên truyền có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả tổ chức thực hiện. Đại biểu HĐND cần có hiểu biết về pháp luật, nắm vững nội dung HĐND quyết định tại kỳ họp để phổ biến, tuyên truyền tới nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Khi giải thích, tuyên truyền, lưu ý những điểm mới, điểm đặc trưng; những nội dung mang tính thời sự, cấp thiết, đáp ứng nhu cầu về quyền và lợi ích hợp pháp của cử tri.

- Thuyết phục tức là “nói cho cử tri nghe”. Để nói cho cử tri nghe, tin và làm theo là điều không dễ. Muốn vậy, đại biểu phải tìm hiểu đối tượng cần thuyết phục, thời gian, địa điểm; xác định rõ nội dung, thông điệp cần chuyển tải. Từ đó chuẩn bị kỹ kiến thức, tài liệu, thông tin, số liệu, ví dụ minh hoạ; xây dựng những lập luận logic. Đại biểu nên nói những vấn đề, lĩnh vực mà mình hiểu biết sâu, có nhiều thông tin có thể trao đổi; không nói những gì mình không nắm vững hoặc phỏng đoán. Trong thuyết phục, thái độ, cử chỉ, phong thái của người đại biểu cũng vô cùng quan trọng. Đại biểu cần giữ thái độ chuẩn mực, phù hợp; phong thái điềm tĩnh, tự nhiên; giọng nói rõ ràng, rành mạch, có sức thu hút, có điểm nhấn, tạo ấn tượng với người nghe.

Trên thực tế, kỹ năng giao tiếp của đại biểu bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố như: văn hoá truyền thống, văn hoá ứng xử; kinh nghiệm sống, làm việc; kiến thức; đặc điểm tâm lý cá nhân; thói quen, nhận thức, thái độ; động cơ làm việc; giọng điệu, hài hước, sự tự tin…. Mỗi đại biểu nên nắm bắt thế mạnh của mình, tiếp tục khai thác, phát huy. Đồng thời nhìn nhận rõ những điểm yếu, có phương hướng rèn luyện, khắc phục. Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đến công tác cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu; mở lớp tập huấn; các diễn đàn để đại biểu ở nhiều địa phương cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng với nhau qua thực tiễn hoạt động ở địa phương mình.

Giao tiếp trong tiếp xúc cử tri không phải ở vai trò cá nhân với cá nhân mà được xác định dựa trên vị trí, trách nhiệm của một đại biểu. Luôn có những chuẩn mực chung, những yêu cầu, kỹ năng mà mỗi đại biểu cần chủ động tìm hiểu, rèn dũa và hoàn thiện. Bản lĩnh, trí tuệ, cảm xúc của người đại biểu được biểu hiện rất rõ thông qua các quá trình giao tiếp với cử tri. Mong rằng trong nhiệm kỳ này, các đại biểu với tinh thần trách nhiệm cao và bản lĩnh vững vàng, sẽ nghe được “hơi thở cuộc sống”, góp nhặt và “hiện thực hoá” vào trong hoạt động của Hội đồng nhân dân./.

Ảnh và bài viết: Hoàng Giang