Trong thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh được thực hiện nghiêm túc, việc tiếp xúc cử tri được tiến hành trước và sau 2 kỳ họp thường lệ hàng năm, bảo đảm đúng quy định, đồng thời có sự đổi mới, nâng cao chất lượng. Các cuộc tiếp xúc cử tri đã thu hút được sự quan tâm, tham dự của cử tri và nâng cao ý thức về trách nhiệm giải trình, tiếp thu của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương; thể hiện rõ mối liên hệ giữa đại biểu và cử tri. Vai trò, trách nhiệm, kỹ năng của đại biểu trong tiếp xúc đã nâng lên theo hướng đi vào những vấn đề cụ thể, sát với nội dung kỳ họp và tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; không chỉ ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhiều đại biểu còn trực tiếp thông tin, trao đổi lại, giải đáp rõ về các kiến nghị đã được cơ quan chức năng giải quyết, qua đó góp phần hạn chế việc cử tri kiến nghị nhiều lần. Bên cạnh hình thức tiếp xúc thường lệ, HĐND tỉnh đã tổ chức một số cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, hướng đến đối tượng trực tiếp chịu sự tác động của chính sách dự kiến ban hành để có thêm nhiều thông tin phục vụ việc xem xét, quyết định tại kỳ họp; ngoài ra, còn tổ chức lồng ghép tiếp xúc cử tri đối với 2 hoặc 3 cấp (như tiếp xúc của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh, đại biểu HĐND huyện), qua đó tạo thuận tiện cho việc tiếp thu, trao đổi, trả lời cử tri.
Mặc dù vậy, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: hình thức tiếp xúc cử tri chưa đa dạng, chủ yếu là tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử trước và sau kỳ họp thường lệ theo quy định; chưa tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, tiếp xúc cử tri nơi cư trú, tiếp xúc trực tiếp cử tri tại xóm, thôn, bản, tổ dân phố… Ý kiến, kiến nghị cử tri chủ yếu là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh của cử tri; chưa thu hút được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của cử tri đối với các vấn đề về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, nội dung dự thảo Nghị quyết, quyết sách sẽ được HĐND tỉnh thông qua tại các kỳ họp. Việc tổng hợp kiến nghị cử tri có khi chưa đầy đủ hoặc vẫn còn tình trạng trùng lặp với những kiến nghị đã được trả lời từ các kỳ họp trước. Việc thông tin, trả lời kết quả giải quyết kiến nghị cử tri hầu như chưa đến trực tiếp người có kiến nghị vì vậy còn xảy ra tình trạng cử tri kiến nghị nhiều lần về một vấn đề. Một số nội dung trả lời kiến nghị của cử tri còn chung chung, chưa trọng tâm, chưa có giải pháp, lộ trình thực hiện; có những vấn đề cử tri có ý kiến nhiều lần nhưng chưa được cấp có thẩm quyền đề ra giải pháp để giải quyết dứt điểm. Công tác theo dõi, đôn đốc, xem xét, đánh giá và giám sát việc trả lời, giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.
Từ thực trạng đó cũng như trước yêu cầu tất yếu của việc đổi mới, nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị cử tri, khẳng định vai trò của người đại biểu HĐND tỉnh trong việc đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri, tạo niềm tin đối với cử tri và nhân dân, xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, đề cao trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND tỉnh trong việc tiếp xúc cử tri. Trước khi tiếp xúc cử tri, đại biểu HĐND tỉnh cần dành thời gian nắm tình hình địa bàn tiếp xúc, những vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm đang còn tồn đọng, chưa được giải quyết và những vấn đề mới phát sinh, những vấn đề cử tri thường quan tâm. Đại biểu HĐND tỉnh có thể nắm bắt thông tin thông qua kênh Thường trực HĐND và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, cấp xã. Thêm vào đó, cần lựa chọn những nội dung kỳ họp HĐND tỉnh sẽ xem xét, thảo luận, đưa ra để cử tri cùng thảo luận, đóng góp ý kiến. Việc làm này sẽ giúp đại biểu HĐND tỉnh có thêm thông tin từ thực tiễn khi thảo luận tại kỳ họp HĐND tỉnh. Các nội dung chuẩn bị để báo cáo trước cử tri cần ngắn gọn, súc tích, đúng trọng tâm; dành thời gian để cử tri trao đổi, phản ánh, đề xuất, kiến nghị. Ngoài ra, các cuộc tiếp xúc cử tri cần mở rộng về tận thôn, xóm, bản, tổ dân phố và thời gian tiếp xúc cử tri linh hoạt (có thể ngày nghỉ hoặc buổi tối) để thu hút đông đảo cử tri tham gia và ghi nhận đầy đủ ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri.
Hai là, nâng cao chất lượng tổng hợp kiến nghị cử tri. Để làm được điều đó, sau các cuộc tiếp xúc cử tri, Tổ đại biểu HĐND tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với đại biểu Quốc hội được bầu tại đơn vị bầu cử (nếu phối hợp tiếp xúc cử tri), Thường trực HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ cấp huyện thảo luận, rà soát, phân loại, thống nhất những ý kiến, kiến nghị cử tri để báo cáo Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp trình HĐND tỉnh. Các kiến nghị cử tri cần nêu cụ thể họ tên, địa chỉ của cử tri có ý kiến để thuận lợi cho việc trả lời ý kiến cử tri, hạn chế việc nội dung trả lời cử tri nhưng cử tri không được biết, nên kiến nghị nhiều lần.
Ba là, mở rộng các hình thức tiếp xúc cử tri phù hợp, linh hoạt, bảo đảm để đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc với cử tri ở đơn vị bầu cử, nơi cư trú, nơi công tác; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu HĐND tỉnh quan tâm như các khu công nghiệp, trường học... Khuyến khích đại biểu HĐND tỉnh lựa chọn nội dung để tiếp xúc cử tri theo chuyên đề; đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách trong việc tiếp xúc cử tri chuyên đề liên quan đến dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách, những nội dung sẽ được chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh.
Bốn là, thông tin đầy đủ, kịp thời việc trả lời, giải quyết kiến nghị cử tri đến cử tri đã có ý kiến, kiến nghị. Việc làm này vừa giúp cử tri biết được nội dung trả lời của cơ quan có thẩm quyền, hạn chế việc kiến nghị nhiều lần, đồng thời cũng giúp tăng uy tín, trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri.
Năm là, tăng cường theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Việc tích cực, quyết liệt “theo đuổi” đến cùng kiến nghị cử tri sẽ đẩy nhanh tiến độ các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị cử tri cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan. Đặc biệt, đối với những kiến nghị cử tri nhiều lần, cần xem xét, đánh giá tính khả thi của việc giải quyết, đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành đề ra giải pháp, lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị cử tri. Định kỳ hàng năm, Thường trực HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với Đoàn ĐBQH và UBND tỉnh tổ chức rà soát công tác giải quyết kiến nghị cử tri thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh (giữa hai kỳ họp HĐND tỉnh).
Sáu là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào hoạt động tiếp xúc cử tri, theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri. Theo đó, hình thức tổ chức tiếp xúc cử tri cần linh hoạt, có thể kết hợp trực tiếp với trực tuyến ở những nơi đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất. Xây dựng phần mềm theo dõi việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri. Đa dạng hoá hình thức tiếp nhận ý kiến, kiến nghị cử tri, nghiên cứu xây dựng ứng dụng tiếp nhận kiến nghị cử tri trên nền tảng số và các hình thức khác.
Thu Nguyễn